• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản ĐBSCL minh bạch chất lượng để hội nhập

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 10/06/2019
Ngày cập nhật: 12/6/2019

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình nông nghiệp theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản” vừa diễn ra, nhiều chuyên gia nhận định sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nông sản của vùng có nhược điểm lớn là khó kiểm soát và quản lý được chất lượng do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để có được sản lượng lớn, chất lượng ổn định tiếp tục được đặt ra. Song song đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản trước yêu cầu hội nhập, vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng cần gấp rút triển khai.

Sản xuất rau an toàn trên địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Yêu cầu từ thực tiễn

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều nông sản của vùng ĐBSCL như: lúa gạo, cá tra, tôm, cây ăn trái… liên tục tăng trưởng về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nông sản ĐBSCL hiện nay chỉ đảm bảo về sản lượng trong khi chất lượng chưa đạt yêu cầu dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp, thu nhập của người nông dân chưa tương xứng. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp hiện nay chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư đầu vào cho nông dân; chưa đủ năng lực để tổ chức thu mua nông sản kịp thời…

Trước yêu cầu về nguồn nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng cao ở cả thị trường trong và ngoài nước, việc phát triển mô hình nông nghiệp theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản đang là yêu cầu cấp bách. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi là xu thế tất yếu giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Đây cũng là cơ sở giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh cho rằng, với xu hướng tiêu dùng hiện đại, người dân luôn muốn biết các thông tin về quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, phân phối… sản phẩm mình sắp mua, sắp sử dụng. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc không thể làm cho từng hộ, mà chỉ có thể làm cho một vùng sản xuất lớn, liên kết theo chuỗi giá trị…

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Nhân, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, các Hiệp định thương mại tự do đã và đang phát huy hiệu lực, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản nước ta xuất sang các nước và ngược lại hàng hóa nông sản của các nước cũng được nhập khẩu vào nước ta dễ dàng hơn. Từ đó gia tăng áp lực cạnh tranh lên hàng hóa nông sản của chúng ta ngay trên thị trường nội địa ở tất cả các mặt giá cả, chất lượng, mẫu mã cũng như độ an toàn. “Hiện nay, khi đời sống được nâng cao, người tiêu dùng trong nước cũng chú ý hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc nông sản. Minh chứng cụ thể nhất là hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích (VinMart+, Bách hóa Xanh, Satrafoods…) phát triển hết sức mạnh mẽ tại nhiều địa phương ĐBSCL. Điều này đã làm gia tăng nhu cầu quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản từ sản xuất đến tay người tiêu dùng”-Tiến sĩ Trần Quốc Nhân nói.

Chất lượng và minh bạch

Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp giá trị cao; phát triển các chuỗi cửa hàng tiện ích… làm gia tăng nhu cầu liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản. Trong bối cảnh này, Tiến sĩ Trần Quốc Nhân, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng được xem là một giải pháp giúp các nhà xuất khẩu, chế biến, phân phối đảm bảo được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào một cách ổn định. Hay nói cách khác, việc sản xuất và thu mua nông sản qua hợp đồng ở ĐBSCL hiện nay có thể giúp các doanh nghiệp (siêu thị) thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thu mua từ nông dân. Mô hình sản xuất và thu mua nông sản thông qua hợp đồng giúp các tác nhân có thể liên kết với nhau một cách chặt chẽ và dễ dàng hơn.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, “Cánh đồng lớn” tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác củng cố, nâng cao năng lực hoạt động thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn và hỗ trợ về trang thiết bị sản xuất… Hướng dẫn người nông dân chuyển dần việc ghi chép sổ nhật ký bằng giấy sang ghi chép nhật ký điện tử thông qua điện thoại thông minh để thuận lợi trong công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng theo yêu cầu thị trường”. Bên cạnh đó, để có thể xây dựng được mô hình chuỗi liên kết, chính người nông dân cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức tổ chức sản xuất mới có thể phối hợp đồng bộ với ngành chức năng và doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, những năm gần đây, việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến và ý thức tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng online, xem thông tin sản phẩm trước khi mua... Vì vậy, việc đưa nông sản lên sàn giao dịch và thực hiện truy xuất nguồn gốc là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc điều hành Farm 360, cho biết: “Hiện hệ thống Farm 360 của chúng tôi bao gồm nhiều ứng dụng và tính năng như: Website giới thiệu thông tin và sản phẩm; ứng dụng (app) trên điện thoại hệ điều hành Android và IOS; nhật ký điện tử giúp minh bạch và chứng minh hoạt động của các thành viên trong chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; bản đồ chỉ dẫn địa lý hiển thị đầy đủ các vùng sản xuất, giúp các thành viên và khách hàng thấy được vị trí phân bố của các vùng sản xuất; hệ thống tạo thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất mã tem truy xuất nguồn gốc cho các lô sản phẩm được thành viên tạo ra… Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và chuyển giao phần mềm ứng dụng này cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện liên kết chuỗi nhằm tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn và minh bạch”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang