• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu nhập cao từ cây sen

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 11/06/2019
Ngày cập nhật: 12/6/2019

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Đỗ Quang Bổng, thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) mạnh dạn thầu 5,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng sen, nuôi cá, vịt kết hợp với làm du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước năm 2014, nhiều vùng đất trồng lúa ở thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy có năng suất và hiệu quả thấp so với các nơi khác. Bởi đây là vùng ruộng sâu, trũng lại thường bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và rất khó canh tác.

Vì vậy, vùng đất này được xã thu hồi làm đất dự phòng và cho người dân thầu sản xuất. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất, anh Đỗ Quang Bổng đã mạnh dạn thầu và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng sen. Ý tưởng của anh nhanh chóng được chính quyền địa phương đồng ý và tạo điều kiện thuận lợi.

Để giúp anh xây dựng mô hình, huyện đã hỗ trợ 40 triệu đồng và cử cán bộ chuyên môn về hướng dẫn từ cách làm đất, bón phân, gieo trồng cho đến kết hợp các loại cá, vịt phù hợp với điều kiện.

Nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, năm 2016, anh Bổng đã dốc toàn bộ số vốn 700 triệu đồng để đào hồ, mua phân bón, giống sen về trồng và các loại cá, vịt thả xuống hồ sen. Anh Bổng chia sẻ kỹ thuật trồng sen: “Để sen cho năng suất cao, trước khi trồng, cần làm vệ sinh ao, bắt ốc bươu vàng và cá rô phi để chúng khỏi ăn các nhánh sen non mới ra.

Anh Đỗ Quang Bổng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau khi trồng sen giống khoảng 1 tháng, phải bón phân để kích thích ra rễ nhanh. Khi sen được 2 tháng thì tiến hành bón lần nữa để kích thích cây đẻ nhánh. Đến thời điểm sen phát triển đều trên mặt hồ và ra hoa bói, tiếp tục bón phân Kali và NPK. Khi thu hái lứa đầu tiên, phải bón thêm một lần nữa với lượng phân tương tự.

Tại thời điểm bắt đầu thu hoạch, phải chú ý kiểm tra phát hiện sâu ăn lá để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong quá trình trồng và chăm sóc, cần tăng cường thêm phân chuồng ủ và phân hữu cơ để tăng chất lượng sen”.

Trong thời gian chờ đợi sen cho hạt, anh Bổng đã thả cá, vịt để tận dụng mặt nước và các chất phù du từ ao sen. Hiện anh nuôi 4.000 con vịt và 1,5 tấn cá lóc, cá diếc, cá thát lát. Theo tính toán của anh Bổng, trồng sen kết hợp nuôi cá, vịt cho thu nhập cao gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa và nhiều lần so với các cây trồng khác. Sen được trồng 1 vụ/ năm, bắt đầu từ tháng 2 và sau 4-6 tháng có thể cho thu hoạch.

Sen nở rộ vào tháng 4 đến tháng 8. Sen hạt đang dễ bán do các thương lái tìm đến thu mua tận nơi. Đầu vụ, giá sen hạt khoảng từ 40.000 đến 50.000 nghìn đồng/kg, cuối vụ khoảng 25.000 đồng/kg. Tính ra 1 ha trồng sen kết hợp với nuôi cá, vịt, anh Đỗ Quang Bổng có lãi ròng trên 80 triệu đồng/năm.

Năm 2019, thấy nhu cầu du lịch của người dân ngày càng cao, nắm bắt cơ hội này, anh Bổng đã biến hồ sen trên 5ha của mình thành khu du lịch sinh thái. Theo đó, anh đã đầu tư xây dựng 2 cây cầu tre dài hàng chục mét đi vòng quanh mặt nước trên hồ. Đồng thời, mua 2 chiếc thuyền nhôm để du khách đến tham quan hồ sen, chụp ảnh lưu niệm. Trong thời gian sen nở rộ này, anh Bổng đón trung bình mỗi ngày khoảng 50 khách du lich đến tham quan, trải nghiệm.

Với giá vé mỗi khách chỉ 20 nghìn đồng, mỗi bông hoa sen được bán 3 nghìn đồng và mỗi cân sen hạt bán khoảng 40 nghìn đồng cũng cho anh thêm nguồn thu nhập khá. Mô hình trồng sen kết hợp với chăn nuôi, du lịch đã cho anh Bỗng thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho từ 5 đến 7 lao động với mức thu nhập ổn định.

Ông Lê Đình Giới, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết: “Sen là loại cây trồng rất phù hợp với các vùng đất trũng ở xã, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích.

Thời gian tới, UBND xã tiếp tục xây dựng và phát triển đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, các vùng đất trồng lúa thấp trũng, đất phèn sẽ được quy hoạch lại để xây dựng các mô hình trồng sen và các loại cây khác, kết hợp với chăn nuôi để phát triển kinh tế, du lịch cho người dân và địa phương.

Xuân Vương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang