• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đắk Nông: Triển khai các giải pháp, khôi phục sản xuất hồ tiêu sau dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 03/06/2019
Ngày cập nhật: 4/6/2019

Sau giai đoạn nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị dịch bệnh phá hoại, gây nhiều tổn thất cho nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục sản xuất cây hồ tiêu.

Nông dân huyện Đắk Song đang nỗ lực khôi phục diện tích hồ tiêu sau dịch bệnh

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 34.113 ha hồ tiêu; trong đó diện tích kinh doanh khoảng 16.300 ha, diện tích giai đoạn kiến thiết cơ bản 15.715 ha, trồng mới 2.098 ha. Tổng diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh đến cuối năm 2018 là 2.698 ha, chiếm 7,7% tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh; trong đó, nhiễm nặng 566 ha, nhiễm trung bình 815 ha, nhiễm nhẹ 1.317 ha.

Nguyên nhân được xác định là trong năm 2018 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa đến sớm, mưa lớn kéo dài và tập trung từ tháng 4 đến tháng 10 nước không thoát kịp nên gây úng cục bộ một số nơi làm cho độ ẩm tăng cao, gây thối rễ. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại nấm Phytopthora, Fusarium solani, Lasiodiplodia theobromae, tuyến trùng gây bệnh trên cây hồ tiêu, phát triển lây lan nhanh, từ đó làm cho một số vườn tiêu bị thối rễ dẫn đến chết cây.

Cùng với đó, những năm trước đây, giá hồ tiêu tăng cao, nhiều hộ dân đã thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để đầu tư mua đất, trồng tiêu. Đến nay, cây tiêu chết hàng loạt, kết hợp với giá cả xuống thấp, rất nhiều hộ dân nợ ngân hàng không có khả năng trả, nên phải vay nóng ở tín dụng đen, bán rẻ vườn cây, nhà ở, cây trụ hoặc đi làm ăn xa để kiểm tiền trả nợ và trang trải cuộc sống…

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, dư nợ đối với cây hồ tiêu đến thời điểm cuối tháng 2/2019 là 4.566 tỷ đồng/25.000 ha, với 21.575 khách hàng vay vốn ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dư nợ cây tiêu bị thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng với 450 khách hàng.

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục sản xuất cây hồ tiêu. Cụ thể, đối với diện tích tiêu ảnh hưởng nặng và chết, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với các sở ngành, địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu để quản lý vườn tiêu. Những diện tích tiêu chết hoàn toàn cần nhổ bỏ, thu gom tiêu hủy toàn bộ và cày đất, rải vôi tiêu diệt mầm bệnh, sau đó chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Đối với diện tích hồ tiêu bị ảnh hưởng nhẹ và chưa ảnh hưởng, ngành chức năng tỉnh và các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc bằng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững cũng như áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch đúng cách. Việc phát triển cây hồ tiêu cần theo hướng liên kết sản xuất, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và nguồn vốn tín dụng, cũng như tổ chức sản xuất sạch. Ngành chức năng có trách nhiệm phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, kết hợp thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đối với diện tích đất không phù hợp đã trồng tiêu nhưng không hiệu quả cần chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện địa phương.

Đặc biệt, UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù để hỗ trợ một phần giống cây trồng, kinh phí mua vật tư nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trồng lại, tái sản xuất trên diện tích tiêu bị nhiễm bệnh nặng, chết, bằng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng địa phương. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại thời gian trả nợ, đáo hạn, xem xét miễn giảm lãi suất và tiếp tục cho vay mới nhằm giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, không để tình trạng vay nóng với lãi suất cao. Đồng thời, các ngân hàng cần có giải pháp khoanh nợ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có vay vốn trồng tiêu bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang