• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gỡ khó cho ‘cánh đồng lớn’ phát triển

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 09/05/2019
Ngày cập nhật: 11/5/2019

Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp là hướng đi được ngành chức năng khuyến khích.

Thời gian qua, ở ĐBSCL có những mô hình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “cánh đồng 1 giống”, “cánh đồng lúa chất lượng cao”, “cánh đồng lúa thâm canh VietGAP”… Và sau đó là mô hình hoàn thiện với tên gọi “cánh đồng lớn”, nhằm hướng tới nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Cánh đồng lớn là hướng đi đúng để phát triển ngành lúa gạo.

Hiệu quả thiết thực

Theo Bộ NN&PTNT, vụ lúa Đông xuân 2018-2019, các tỉnh Nam bộ thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” được khoảng 170.000ha, với sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Diện tích này có tăng so vụ Đông xuân trước, tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn thấp so với tổng diện tích sản xuất lúa Đông xuân toàn vùng Nam bộ hơn 1,68 triệu héc-ta.

Thực tế ở ĐBSCL cho thấy, thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa Đông xuân 2018-2019, giá lúa xuống thấp chỉ 4.400-4.900 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so vụ Đông xuân trước. Đáng lo ngại hơn là tiến độ thu mua chậm, nhất là những nơi sản xuất không có hợp đồng bao tiêu, không nằm trong mô hình cánh đồng lớn. Trước tình hình trên, UBND các tỉnh ĐBSCL hối thúc doanh nghiệp triển khai mạnh thu mua lúa cho dân, nhất là những diện tích thuộc mô hình cánh đồng lớn. Điều này cho thấy, khi sản xuất có hợp đồng tiêu thụ thì dù gặp tình trạng rớt giá, nông dân vẫn được ưu tiên đầu ra, giảm thiểu những rủi ro.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong vụ Đông xuân 2018- 2019, tại tỉnh Tiền Giang sản xuất hơn 124ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP có liên kết với doanh nghiệp. Khi thu hoạch, nông dân bán giá cao hơn sản xuất thông thường 200-300 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn 1,6-2,4 triệu đồng/ha. Còn ở Sóc Trăng, vụ lúa Đông xuân này thực hiện 9 mô hình liên kết tiêu thụ lúa đặc sản. Tất cả diện tích được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 10%, nhờ đó lợi nhuận cao hơn canh tác bên ngoài từ 1,2-2,9 triệu đồng/ha.

Các nhà chuyên môn nhận định, cánh đồng lớn là mô hình sản xuất lúa gạo hiện đại, tạo ra sản lượng lớn, đồng đều, làm tăng chất lượng lúa gạo và là nền tảng cho sản xuất lúa chuyên canh, tiêu chuẩn VietGAP với sự liên kết 4 nhà. Từ những lợi ích đó, nên tháng 3-2011, Bộ NN&PTNT chính thức phát động mô hình “cánh đồng lớn” theo hướng liên kết. Ngay lập tức mô hình này được chính quyền địa phương, các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp… hưởng ứng mạnh mẽ. Theo Cục Trồng trọt, ngay vụ lúa Hè thu 2011 ở ĐBSCL thực hiện cánh đồng lớn khoảng 8.000ha với 6.400 hộ tham gia. Đến vụ Đông xuân 2011-2012, mở rộng gần 20.000ha và cao điểm vào năm 2015 phát triển tới khoảng 190.000ha, với hàng trăm doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu cho hàng chục ngàn hộ tham gia.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Mô hình cánh đồng lớn giúp giảm chi phí, tăng năng suất, vì vậy lợi nhuận cao hơn từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài. Cánh đồng lớn cũng làm tăng chất lượng hạt gạo, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển HTX kiểu mới. Cách làm này giúp nông dân tiếp cận thị trường thông qua doanh nghiệp đặt hàng về chủng loại, số lượng; đồng thời giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, nhằm chủ động xuất khẩu. Cánh đồng lớn cũng mang lại thuận lợi trong áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và thúc đẩy dồn điền đổi thửa nhằm hướng tới sản xuất lớn…

Cánh đồng lớn giúp thuận lợi trong áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng.

Gỡ khó để phát triển

Có thể nói, cánh đồng lớn là hướng đi đúng để phát triển nền sản xuất lúa gạo bền vững; thế nhưng sau khoảng 5 năm đầu thực hiện rầm rộ thì vài năm nay mô hình này chựng lại, thậm chí tụt lùi. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như tình hình xuất khẩu gạo khó khăn; giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, điển hình như giá lúa cao thì nông dân bẻ kèo để bán ra ngoài, ngược lại khi giá lúa giảm thì doanh nghiệp chậm thu mua gây khó cho dân… Ngoài ra, dù Thủ tướng Chính phủ có chính sách “khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg), tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở các địa phương còn chậm, chưa đồng bộ. Lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL chỉ ra thêm hạn chế là năng lực của các doanh nghiệp chưa mạnh, không đáp ứng được về hệ thống máy sấy nên gặp thời điểm thu hoạch rộ thì không thể mua hết lúa cho dân, nhất là vụ Hè thu thường gặp mưa bão. Song song đó, cũng có doanh nghiệp không mặn mà tham gia mô hình do không đủ vốn đầu tư, không muốn bao tiêu và một số nguyên nhân khác…

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho rằng: Hiện tại, tình hình xuất khẩu gạo ngày càng cạnh tranh dữ dội, vì vậy việc phát triển cánh đồng lớn nhằm nâng chất lượng, giảm giá thành, từ đó xây dựng thương hiệu gạo để tăng sức cạnh tranh là nhu cầu cấp bách. An Giang đánh giá cao mô hình cánh đồng lớn và đang nỗ lực gỡ khó nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp cùng liên kết để phát triển mô hình này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để cánh đồng lớn thật sự “lớn lên” thì phải kéo nhiều doanh nghiệp tham gia; doanh nghiệp phải là “chủ xị” trong cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và đặt hàng cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường xuất khẩu. Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi thông qua cơ chế, chính sách để doanh nghiệp an tâm đầu tư cánh đồng lớn. Đồng thời, tổ chức cho nông dân vào HTX hoặc tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cánh đồng lớn. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp…

Cánh đồng lớn sẽ lớn, nếu có sự vào cuộc mạnh hơn, quyết tâm hơn của các cấp, các ngành. Tất cả cùng nhau nhìn xa hơn, lâu dài hơn thì sản xuất nông nghiệp nói chung và mô hình cánh đồng lớn nói riêng sẽ lớn mạnh!

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang