• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Ninh: Thương hiệu đưa cà rốt Gia Bình ra thị trường xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 26/04/2019
Ngày cập nhật: 29/4/2019

Với diện tích canh tác khoảng 500 ha/vụ, cà rốt đang được coi là cây màu chủ lực, có tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại vùng thuần nông Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh). Với khát vọng đem nông sản vươn ra biển lớn, việc xây dựng thương hiệu “Cà rốt Gia Bình” đang được xúc tiến khẩn trương theo hướng bài bản, tập trung.

Nhiều hộ ở Cao Đức chuyển hướng sản xuất cà rốt an toàn, quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh (xã Cao Đức, Gia Bình) là đơn vị tiêu biểu áp dụng hình thức liên kết sản xuất cà rốt theo chuỗi giá trị sản phẩm với đối tác Nhật Bản. Năm 2016, sau khi ký hợp đồng, toàn bộ nguồn giống, quá trình canh tác của 16 hộ thành viên HTX đều được doanh nghiệp giám sát, kiểm tra định kỳ, người nông dân lo khâu phân bón và chăm sóc. Quy trình chăm sóc an toàn khi sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ, nước tưới tiêu tự động lấy từ sông Đuống, xa khu chăn nuôi nên bảo đảm vệ sinh môi trường. Năm đầu tiên, HTX xuất khẩu khoảng 23.000 tấn cà rốt đạt tiêu chuẩn sang Nhật Bản đem lại thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm/hộ, cá biệt có hộ đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đây chỉ là một trong số đơn vị tiên phong chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu, để từ đó, nâng cao vị thế của loại cây cà rốt. Theo đánh giá của ông Phạm Công Quyện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trên diện tích bãi bồi rộng lớn với chất đất cát pha thịt màu mỡ, Gia Bình có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp để sản xuất cây màu này. Nhờ vậy, cà rốt ở đây có phẩm cấp tốt, năng suất ổn định, chất lượng đồng đều. Theo tính toán, mỗi sào cà rốt cho thu hơn 10 triệu đồng, trừ đầu tư tiền giống, vật tư, phân bón, nhân công chăm sóc, các hộ trồng cà rốt thu về khoảng 5-7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Vì vậy, nhiều xã đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cà rốt như: Cao Đức, Vạn Ninh, Thái Bảo, Đại Lai…, nhiều doanh nghiệp bước đầu thu gom, sơ chế để phân phối cà rốt quy mô hàng hóa.

Tuy nhiên, sản lượng cà rốt mỗi vụ tương đối lớn, số sản phẩm được bao tiêu đầu ra hạn chế nên giá cả nông sản này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tư thương. Riêng vụ đông xuân năm 2018-2019, giá cà rốt xuống thấp tới mức 3.000 đồng/kg, nhiều hộ sản xuất bị lỗ nặng. Có giai đoạn như năm 2012-2013, nông dân phải đổ bỏ cà rốt cho vật nuôi ăn do bị ép giá thu mua quá rẻ. Vì vậy, băn khoăn lớn nhất của người trồng cà rốt là sự ổn định về giá để người yên tâm đầu tư vốn, công sức sản xuất.

Nắm bắt được tình hình đó, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã lựa chọn cà rốt Gia Bình để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận theo Đề án: “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ nông sản này theo hướng tập trung, bài bản hơn. Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thực tế đã chứng minh, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh như Gà Hồ, Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Gỗ Đồng Kỵ,... sau khi đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá được khách hàng biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, giá bán có xu hướng tăng. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu vào những thị trường các nước khó tính hay đưa vào hệ thống siêu thị và các công ty chế biến tại các Khu công nghiệp...

Hiện nay, các bước triển khai dự án đang được đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, khảo sát và hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ nhãn hiệu cho Cà rốt Gia Bình. Song song với đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu nhãn hiệu chứng nhận; đẩy mạnh quản lý chất lượng, kiểm soát chặt chẽ, gắn mã số, mã vạch,... để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường. Sau đó, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá, xúc tiến thương mại… nhằm sớm đưa sản phẩm cà rốt đến nhanh và bền vững với các thị trường xuất khẩu.

Song Giang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang