• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình giám sát cộng đồng trong sản xuất rau an toàn: Ưu thế vượt trội

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 03/04/2019
Ngày cập nhật: 4/4/2019

Từ những mô hình điểm giám sát cộng đồng trong sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn thành phố. Mô hình này có những ưu thế vượt trội, góp phần quan trọng vào việc quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm rau an toàn, rau hữu cơ ngay tại vùng sản xuất.

Mô hình giám sát cộng đồng (PGS) trong sản xuất rau an toàn đã được huyện Sóc Sơn triển khai cách đây hơn chục năm. Nhờ vậy, nhiều nông sản của huyện như: Rau hữu cơ, dưa lê… đã có thương hiệu, khẳng định được uy tín trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho hay: Sản xuất theo PGS giúp lợi nhuận tăng cao hơn vì người dân tự chứng nhận bảo đảm chất lượng cho nhau thông qua hoạt động giám sát chéo, thay vì phải nhờ đến bên thứ ba. Trong một nhóm sản xuất sẽ có nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng tham gia giám sát để bảo đảm quá trình này diễn ra minh bạch. Khi tham gia PGS, việc tiêu thụ nông sản của nông dân dễ dàng hơn nhờ kế hoạch sản xuất, cơ cấu giống được tính toán kỹ lưỡng dựa trên mùa vụ, nhu cầu thị trường.

Hiện nay, quy trình canh tác có sự tham gia của các bên để giám sát, đánh giá và bảo đảm chất lượng sản phẩm rau an toàn được triển khai ở nhiều huyện ngoại thành, trong đó có Gia Lâm. Bà Nguyễn Thị Nhị, thành viên nhóm PGS xã Đặng Xá cho biết, gia đình có 1.000m2 trồng rau theo quy trình an toàn, có sự giám sát theo nhóm với 10 thành viên tham gia. Áp dụng PGS, từ quá trình gieo hạt, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký; định kỳ 2 tuần một lần, các thành viên trong nhóm họp bàn kế hoạch sản xuất, tiêu thụ để có thể điều chỉnh kịp thời sản lượng rau trồng. Các thành viên và trưởng nhóm cũng thường xuyên kiểm tra, nếu vi phạm nguyên tắc sản xuất an toàn, thành viên sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị loại ra khỏi nhóm.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) cho hay, năm 2018, hợp tác xã đã hướng dẫn nông dân thành lập 3 nhóm PGS với 50 nông dân tham gia. Đại diện ban điều phối các nhóm có Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, đại diện khách hàng và nông dân. Trách nhiệm của mỗi thành viên được quy định rất cụ thể. Nhờ áp dụng PGS cùng các quy trình sản xuất an toàn được thực hiện nhuần nhuyễn, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã luôn được thị trường đánh giá cao. Nhiều năm nay, sản phẩm rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá không để xảy ra sự việc nào đáng tiếc liên quan đến an toàn thực phẩm. Hiện, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác trồng rau an toàn của hợp tác xã đạt từ 450 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự, từ năm 2016, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cũng được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ thành lập 15 tổ PGS (mỗi tổ từ 25 đến 30 thành viên) và xây dựng thương hiệu nên đã thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Hiện nay, toàn xã có gần 400 hộ gia đình trồng rau an toàn với tổng diện tích khoảng 134ha. Lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp, đời sống của một bộ phận người dân địa phương đã được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Tính đến năm 2018, đơn vị đã xây dựng và vận hành 25 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại 25 xã, phường, thị trấn thuộc 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố với tổng diện tích 1.138,7ha. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn. Năm 2019, chi cục tiếp tục duy trì các mô hình, đồng thời khuyến khích các địa phương nhân rộng với kỳ vọng, có hơn 80% diện tích trồng rau an toàn của Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ ngay từ vùng sản xuất vào năm 2020.

SƠN TÙNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang