• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chàng kỹ sư đam mê trồng nấm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 25/03/2019
Ngày cập nhật: 29/3/2019

Mày mò trồng nấm từ khi còn là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nha Trang), trải qua nhiều thất bại, đến nay anh Nguyễn Thành Duy (xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã có trang trại nấm rộng hơn 1.000m2 với những loại nấm được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định.

Tại trang trại nấm của gia đình anh Duy, hàng nghìn phôi nấm được anh xếp ngay hàng thẳng lối, được chăm sóc kỹ lưỡng chờ các mối hàng đến nhận. Anh Duy cho biết, lúc cao điểm, trang trại của anh có đến 12.000 phôi nấm.

Anh Nguyễn Thành Duy chăm sóc phôi nấm bào ngư Nhật.

Anh Duy cho biết, từ khi còn là sinh viên, anh đã cùng các bạn tích góp tiền làm thuê để mày mò trồng nấm. Do chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật nên nhóm sinh viên trồng nấm thất bại. Tốt nghiệp đại học năm 2011 với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học, anh đi làm cho một công ty ở Nha Trang nhưng niềm đam mê với nghề nấm vẫn âm ỉ. Một năm sau, anh quyết định nghỉ việc, dồn hết tâm sức và vốn liếng có được để đầu tư trồng nấm tại nhà ở thị trấn Diên Khánh. Bắt tay vào trồng nấm, anh chọn trồng loại nấm còn khá xa lạ trên thị trường lúc đó là nấm bào ngư Nhật vì nấm này có vị giòn, ngọt đặc trưng, thời gian thu hoạch lâu và năng suất cao. Tự mày mò trên mạng và kiến thức được học, lần đầu anh chỉ làm chục phôi nấm nhưng thất bại do ủ nấm chưa đủ nhiệt độ. Phải đến lần thứ 3, khi những cây nấm đầu tiên mọc ra, anh mừng rơi nước mắt. Anh đưa nấm xuống chợ Xóm Mới để giới thiệu và bán, nhưng không có ai mua vì cho là nấm lạ, nấm Trung Quốc nên mới to như vậy. Kiên trì bám chợ hơn 3 tháng, anh cũng có được lượng khách quen, chịu ăn loại nấm anh trồng nhưng quan trọng là đã giới thiệu được loại nấm bào ngư Nhật. Đầu ra của sản phẩm được mở rộng khi dịch vụ nấu ăn đám cưới tại thị trấn Diên Khánh phát triển, anh bắt đầu tăng số lượng phôi nấm, trung bình mỗi tháng khoảng 3.000 phôi nấm. Lúc này, thu nhập của anh sau khi trừ chi phí khoảng 12 triệu đồng/tháng.

Năm 2015, nhận thấy nghề trồng nấm đang được nhiều nhà vườn quan tâm nhưng gặp hạn chế trong các khâu trộn nguyên liệu, đóng phôi và ủ phôi, bên cạnh sản xuất nấm thành phẩm, anh Duy làm thêm phôi nấm để cung cấp cho các nhà vườn với 2 loại chủ lực là nấm bào ngư Nhật và nấm bào ngư xám. Anh cũng chuyển trang trại nấm lên thôn Lương Phước, xã Diên Bình để có đủ diện tích xây dựng nhà nấm. Hiện nay, trang trại nấm của anh rộng 1.200m2, sản xuất khoảng 10.000 - 12.000 phôi nấm/tháng, bỏ mối cho nhiều nhà vườn trong và ngoài huyện. Nhờ đó, thu nhập của anh cũng tăng gấp 3 lần so với trước, mùa cao điểm được hơn 30 triệu đồng/tháng.

Trải qua nhiều lần thất bại đến thành công như hiện nay, anh Duy cho biết, kinh nghiệm anh rút ra là phải tự mình kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu chọn mùn cưa đến trộn nguyên liệu, đóng và ủ phôi thì mới đảm bảo sản phẩm đạt năng suất và sạch. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm nói chung và nấm bào ngư Nhật nói riêng rất rộng mở, giá bán khá ổn định (nấm bào ngư Nhật bán tại vườn 60.000 đồng/kg, nấm bào ngư xám 35.000 đồng/kg), trong khi nguồn cung còn ít. Do đó, sắp tới sau khi mở rộng, sửa chữa xong nhà nấm, anh Duy tiếp tục đầu tư mua máy móc như: máy trộn nguyên liệu, xây lò ủ công suất lớn hơn… để tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất sản phẩm.

Năm 2018, mô hình sản xuất nấm của gia đình anh Duy là mô hình sản xuất duy nhất của huyện Diên Khánh được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định 1609 của UBND tỉnh). Ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết: “Mô hình sản xuất nấm của gia đình anh Nguyễn Thành Duy đã góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương khi tận dụng diện tích đất lúa kém hiệu quả để trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, mô hình cũng ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, kiểm soát dịch bệnh… Địa phương rất khuyến khích các mô hình sản xuất hiệu quả như thế này phát triển”.

MAI HOÀNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang