• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà phê gần trăm năm tuổi

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 28/02/2019
Ngày cập nhật: 2/3/2019

Cà phê Typica Cầu Ðất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ đặc biệt của nó. Thế nhưng, thật đáng buồn là Typica đã gần như mất dấu trong làng cà phê và chỉ được biết với cái tên chung “Moka Cầu Ðất”. Nhưng đâu đó vẫn còn những con người say mê với cà phê có tuổi xấp xỉ trăm năm.

Gia đình ông Phùng Phước vẫn còn lưu giữ những gốc cà phê Typica thuần chuẩn trên 80 năm tuổi

Bà hoàng của các loại cà phê

Từ trung tâm Đà Lạt theo Quốc lộ 27 chúng tôi xuôi về hướng Trại Mát để đến với xã Trạm Hành. Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh nhiều ngôi nhà bề thế, những vườn cà phê tươi tốt, những vòm nhà kính vừa mới xây dựng. Qua lời giới thiệu của ông Lương Trọng Nghĩa, thôn Trạm Hành 2 (xã Trạm Hành) chúng tôi tìm nhà ông Phùng Phước, nơi có những gốc cà phê gần 100 tuổi để được nghe ông kể cho chúng tôi câu chuyện về những cây cà phê ở vùng Cầu Đất - Trạm Hành.

Những thập niên đầu thế kỷ 20, vùng Trạm Hành còn là vùng đất hoang vu, chỉ có một số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và phát rừng làm rẫy dọc bờ sông Đa Nhim. Theo dấu chân những người khai phá, những làng mạc mọc lên, là nơi sinh sống của lưu dân Nam, Ngãi, Bình, Phú. Cà phê đã theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay. Tuy cùng nằm trên dải đất Tây Nguyên nhưng cà phê Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành lại có sự khác biệt hẳn. Đó là hương thơm quyến rũ của cà phê Arabica vốn được thế giới ưa chuộng.

Ngày ấy, người Pháp lên Đà Lạt mở đồn điền chè, hoa, cà phê. Bố của ông - cụ Phùng Năm Sơn, khi ấy mới chỉ 17 tuổi từ vùng quê Quảng Nam vào làm phu đường, sau đó làm đồn điền cà phê cho người Pháp. Lúc ấy, người dân ở Trạm Hành chưa biết người Pháp trồng cà phê để làm gì, chỉ biết là làm ra sản phẩm và đem về nước bản địa. Vì tò mò, người dân Trạm Hành cũng trộm một vài cây đem về trồng thử, thời ấy chỉ trồng ở những bờ ranh và một ít trong vườn nhà. Và cà phê cũng cho hạt chín nhưng người dân cũng không biết chế biến như thế nào, cứ để trái chín rớt xuống mọc lên những cây con. Mãi sau này, người dân Trạm Hành có điều kiện đi ra ngoài tiếp xúc với nhiều nơi, thấy nhiều nơi uống cà phê nên mới về bắt chước thu hái cà phê, rồi rang xay ra để thưởng thức. Từ đấy, người dân bắt đầu biết trồng và sản xuất cà phê thành sản phẩm hàng hóa.

Ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoai thoải cùng khí hậu mát mẻ, những vùng đất này của Lâm Đồng là nơi chốn đắc địa, lý tưởng cho giống Arabica phát triển và sản sinh ra những hạt cà phê có chất lượng vào hàng ngon nhất nhì thế giới. Đặc biệt, cà phê Typica Cầu Đất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ chất lượng khác biệt của nó.

Ông Phùng Phước dẫn chúng tôi xem những gốc cà phê đã hơn 80 năm tuổi, ông nói, cây Typica có bộ rễ cọc cắm sâu vào đất nên sống rất dai, cây nào già cỗi thì cưa rồi chồi cũng mọc lên lại. Cây đâm cành thứ cấp để rồi cho ra trái…

Phát triển vùng cà phê Typica

Đối với nhiều người yêu cà phê, Typica là cốt lõi của tiêu chuẩn hương vị, nó là một trong những giống cà phê quan trọng nhất về mặt di truyền. Với tư cách giống “thuần”, còn nguyên bộ gen, cà phê Typica có chất lượng rất cao, và từng được dùng làm chuẩn mực để đánh giá hương vị các loại cà phê khác.

Ông Lương Trọng Nghĩa, người đang khôi phục lại nguồn giống Typica ở Trạm Hành cho biết, trước năm 1988, khu vực Cầu Đất (Đà Lạt) gần như chỉ có Typica và Bourbon - hai loại cà phê với chất lượng cao. Nhưng do đặc tính cho trái vụ được, vụ thất thu lại khá nhạy cảm với bệnh gỉ sắt nên người dân dần chặt bỏ cây Typica mà thay vào đó là Catimor - cùng thuộc dòng Arabica nhưng cho sản lượng cao hơn gấp 2-3 lần.

Typica hiếm nên càng quý hơn, giá hạt cà phê Typica trên thị trường cao gấp 4-5 lần cà phê Catimor bình thường. Chính vì vậy, ông Nghĩa đang tiến hành nhân giống và trồng lại, hiện tại ông đã nhân giống và trồng được trên 300 cây giống Typica để lấy chồi.

Ông Nghĩa dự định sẽ phủ 1,2 ha giống cà phê Typica trên diện tích của gia đình mình bằng cách cưa gốc cà phê Catimor và ghép chồi Typica, sau 12 tháng khi chồi lên sẽ cho ra trái bói. Để phân biệt Typica với các dòng cà phê Arabica khác thì cây cà phê Typica có dạng hình nón với một thân chính mọc thẳng và nhiều thân phụ mọc xiên. Hạt Typica hình bầu dục, kích thước hạt nhỏ. Chúng khó chăm sóc, năng suất thấp nhưng lại cho hạt cà phê chất lượng cao. Thơm nồng nàn, ngọt dịu, đắng nhẹ, chua thanh, hương thơm Typica đang quyến rũ những người yêu cà phê tìm về với giá trị trăm năm.

DIỆP QUỲNH - HOÀNG YÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang