• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 23/02/2019
Ngày cập nhật: 26/2/2019

Với lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã liên kết, phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, qua đó tạo việc làm, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Lào Cai có nhiều cây dược liệu quý như tam thất, chè dây, giảo cổ lam, đương quy, atiso… Việc hình thành các chuỗi liên kết trồng, sản xuất, tiêu thụ đang là hướng đi bền vững trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, việc ký thỏa thuận hợp tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp huyện Bắc Hà phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa.

Gia đình bà Vàng Thị Ính, ở thôn Na Áng A, xã Na Hối (Bắc Hà) trồng cây dược liệu (đương quy, bạch chỉ) từ năm 2016. Với hơn 2.000 m2 đất chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng dược liệu, năm 2018, gia đình bà có thu nhập hơn 70 triệu đồng, lãi gần 40 triệu đồng. Bà Ính cho biết: Trồng cây dược liệu không vất vả như trồng ngô. Năm nay, gia đình mở rộng diện tích lên hơn 5.000 m2 đương quy và 1.000 m2 atiso nhưng cũng chỉ cần một người làm. Thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn có thể làm nhiều việc khác. Tất cả đương quy và atiso sau khi thu hoạch đều được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và một số hợp tác xã trên địa bàn huyện thu mua, không lo đầu ra.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà hướng dẫn người dân xã Na Hối chăm sóc cây đương quy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Bắc Hà đang trồng 80 ha cây dược liệu các loại như atiso, đương quy, đẳng sâm, cát cánh, đan sâm, bạch truật, bạch chỉ… tập trung ở các xã: Na Hối, Lùng Phình, Tả Văn Chư, Lùng Cải, Bản Già. Năm 2019, huyện Bắc Hà dự kiến mở rộng diện tích cây dược liệu lên hơn 90 ha theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Các sản phẩm dược liệu trên địa bàn Bắc Hà đang được các công ty như Dược phẩm OPC, Nam Dược, TRAPHACO, Dược Việt Nam… cam kết bao tiêu sản phẩm nên người trồng không lo đầu ra.

Đánh giá về hiệu quả trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết, bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Việc phát triển cây dược liệu theo mô hình liên kết cho thấy hiệu quả thiết thực, rõ nhất là giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác. Đối với mỗi ha trồng cây dược liệu, người dân thu được khoảng 160 triệu đồng, lãi trung bình từ 90 đến 120 triệu đồng.

Huyện Bắc Hà sẽ tiếp tục tìm các công ty để liên kết đầu ra cho sản phẩm dược liệu, quan điểm là phát triển vững chắc và không ồ ạt.

Huyện Sa Pa cũng là một trong những địa phương có truyền thống trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, việc hình thành chuỗi liên kết chỉ manh nha từ khi Công ty TNHH một thành viên TRAPHACOSAPA có mặt tại địa phương vào năm 2001 với mong muốn xây dựng được vùng nguyên liệu atiso. Tuy nhiên, thời gian đầu, TRAPHACOSAPA chỉ tập trung thu mua lá atiso của người dân để chế biến thành cao. Đến giai đoạn năm 2008 - 2010, công ty mới thực hiện mô hình liên kết, ký kết các hợp đồng kinh tế, bắt tay tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Năm 2016, khi nhà máy chế biến cao atiso dạng bột khô tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, thành phố Lào Cai với sản lượng 100 tấn cao khô/năm đi vào hoạt động, chuỗi liên kết dược liệu mới hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả. Hiện nay, TRAPHACOSAPA đang liên kết với hơn 130 hộ trên địa bàn huyện Sa Pa thu mua toàn bộ sản phẩm lá atiso với sản lượng trên 2.000 tấn lá tươi/năm. Với giá 2.200 đồng/kg, mỗi năm người dân Sa Pa thu về khoảng 4,5 tỷ đồng từ lá atiso. Ngoài ra, sản phẩm hoa, hạt, củ atiso… cũng được người dân chế biến và bán ra thị trường. Ước tính, thu nhập từ cây trồng này của người dân Sa Pa đạt khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài TRAPHACOSAPA với chuỗi sản phẩm atiso, trên địa bàn huyện Sa Pa còn xây dựng được một số chuỗi dược liệu như lá thuốc tắm người Dao đỏ của Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa - SapaNapro và Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ… Đây là những mô hình đang phát huy hiệu quả và mang lại nguồn lợi kinh tế bền vững cho người trồng dược liệu.

Chế biến lá thuốc tắm tại Công ty SapaNapro.

Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích trồng dược liệu của huyện Sa Pa là 161,7 ha (diện tích duy trì là 112 ha; diện tích trồng mới 49,7 ha), trong đó có 67 ha atiso, 4 ha đương quy, gần 10 ha xuyên khung, 30 ha chè dây và 51 ha các loại cây dược liệu khác; khoảng 70% sản lượng được các công ty ký hợp đồng thu mua, số còn lại do người dân tự tiêu thụ. Ngoài ra, nông dân còn trồng, thu hái, bảo tồn bền vững hàng trăm ha cây dược liệu truyền thống dưới tán rừng để tạo ra các sản phẩm thảo dược nâng cao sức khỏe và thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường.

Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TRAPHACOSAPA, vấn đề cốt lõi trong việc phát triển các chuỗi giá trị dược liệu là đầu ra của sản phẩm. Các công ty đứng ra làm chuỗi phải có sản phẩm tạo được chỗ đứng trên thị trường thì đầu ra sẽ ổn định và giữ được uy tín với người dân. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức của người dân và sự vào cuộc, tạo điều kiện, giúp đỡ của chính quyền các địa phương cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thành công các chuỗi giá trị dược liệu.

Được biết, tổng diện tích canh tác cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 1.500 ha, tập trung tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa, Văn Bàn, gồm các loại cây: Đương quy, atiso, xuyên khung, ý dĩ, cát cánh, bạch truật, tam thất, chè dây... với tổng sản lượng ước đạt 3.200 tấn, giá trị thu nhập bình quân từ 120 đến 150 triệu đồng/ha, cá biệt một số loại dược liệu giá trị đạt hơn 600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết dược liệu còn khá hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế và giá trị của dược liệu.

Việc phát triển các chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn như atiso, thuốc tắm tại huyện Sa Pa hay chuỗi đương quy, bạch chỉ, cát cánh… tại huyện Bắc Hà đang mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Đây là hướng đi triển vọng cần được quan tâm, phát triển và nhân rộng để giúp người dân làm giàu.

ĐỨC PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang