• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến tại Gia Lai: Giải pháp căn cơ

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 19/12/2019
Ngày cập nhật: 21/12/2019

Do biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng diễn biến khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Để đối phó với tình trạng này, ngành nông nghiệp đã xây dựng các mô hình tưới nước tiên tiến, hướng dẫn người dân áp dụng, nhân rộng trên các loại cây trồng chủ lực.

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 97 ngàn ha cà phê, 11 ngàn ha hồ tiêu cùng diện tích cây ăn quả, rau màu rất lớn. Những năm gần đây, hạn hán đã khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh bị chết hoặc giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên một số cây trồng chủ lực. Cụ thể, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình tưới nước tiên tiến, nhỏ giọt trên cây cà phê, hồ tiêu và chanh dây tại huyện Ia Grai; phối hợp với tổ chức Doanh nghiệp phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam xây dựng 170 mô hình tưới tiết kiệm nước và vận động 1.000 hộ nông dân tại 16 xã của các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước trên rau màu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 25.634 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Trong đó, diện tích tưới nhỏ giọt khoảng 6.149,3 ha và tưới phun mưa khoảng 19.485,5 ha, tập trung chủ yếu trên cây cà phê 11.015 ha, cây ăn quả 3.499 ha, rau màu các loại 4.212 ha và hồ tiêu khoảng 2.915,4 ha.

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt của gia đình ông Hoàng Mạnh Công (thôn Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: N.D

Là một trong những hộ tiên phong đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây cà phê, ông Nguyễn Hữu Hà (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) chia sẻ: “2 ha cà phê của gia đình tôi được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt từ 2 năm nay. Áp dụng phương pháp tưới này, tôi thấy rất chủ động, lại tiết kiệm được công sức, nước và phân bón cũng được đưa đến từng gốc cà phê đồng đều hơn”.

Gia đình ông Bùi Sỹ Liên (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cũng mới đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 5 sào cam. “Qua theo dõi, tôi thấy phương pháp tưới này mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giảm được 50% thời gian làm việc ngoài vườn, tiết kiệm 50% tiền điện bơm nước, giảm 80% chi phí nhân công tưới mà áp dụng phương pháp này còn giúp vườn cam sinh trưởng, phát triển đồng đều hơn nhờ giữ ẩm thường xuyên”-ông Liên cho hay.

Không chỉ các hộ sản xuất nhỏ lẻ, một số hộ có diện tích cây trồng lớn cũng đầu tư áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm giảm chi phí sản xuất. Ông Hoàng Mạnh Công (làng Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: Gia đình tôi trồng đến 47 ha ớt nên khó đảm bảo nguồn nhân công tưới nước và chăm sóc thường xuyên. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới này, tôi đã tiết kiệm được trên 30% chi phí thuê nhân công và tiền điện bơm nước tưới.

Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến trên các loại cây trồng là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, do chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến tương đối cao, lên đến 70-80 triệu đồng/ha nên nhiều hộ gặp khó khăn trong việc đầu tư, đặc biệt là trong hoàn cảnh giá cả một số loại nông sản như hồ tiêu, cà phê đang xuống thấp.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Chúc-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong năm 2019, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và xây dựng các mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để nông dân học tập, áp dụng, góp phần tăng năng suất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, rau, hoa, cây ăn quả… Vì vậy, trong những năm tới, Chi cục cũng như các đơn vị của ngành nông nghiệp sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Đây được xem là giải pháp căn cơ để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

NGUYỄN DIỆP

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang