• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Đồng Phú phát triển vùng điều hữu cơ liên kết chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 21/11/2019
Ngày cập nhật: 24/11/2019

Điều là cây trồng mang lại giá trị xuất khẩu hàng hóa cao trong những năm gần đây. Một hướng đi mới trong nâng cao giá trị cho cây điều là liên kết sản xuất sạch, trồng điều hữu cơ để xuất khẩu. Tại huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), loại cây trồng chủ lực này đang được địa phương tập trung phát triển, nhất là xây dựng vùng điều nguyên liệu hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người trồng điều.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Thành Công (ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú) chuyên sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến hạt điều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, là một trong những HTX được UBND tỉnh phê duyệt dự án liên kết điều hữu cơ theo chuỗi giá trị. Theo đó, HTX xây dựng dự án liên kết với Công ty cổ phần sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Sơn Thành, HTX nông nghiệp Bình Phước với các hạng mục được hỗ trợ: tư vấn hỗ trợ liên kết, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Hiện HTX có 39 thành viên với tổng diện tích canh tác 650 ha, trong đó 600 ha điều. Sản phẩm hạt điều thô do HTX sản xuất năm 2019 đạt 540 tấn, tổng doanh thu sản xuất và cung ứng dịch vụ 11.300 triệu đồng.

Đồng Phú tổ chức ra quân hỗ trợ nông dân cứu hộ vườn điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2017-2018. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân xã Đồng Tiến phòng, trị sâu bệnh hại cây điều

Ông Mai Ngọc Luận, Chủ tịch HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Thành Công, cho rằng: Hiện nay, ngành điều phụ thuộc 70% nguyên liệu từ nước ngoài, năng suất bình quân chỉ 1 tấn/ha. Toàn huyện có hơn 31 cơ sở chế biến điều nhưng chưa có chuỗi chế biến sâu, chưa tận dụng hết các phế phẩm khác từ cây điều. Hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động, 17 cơ sở đã giải thể, 2 cơ sở tạm ngưng hoạt động. Do đó, việc chủ động nguyên liệu đóng vai trò tiên quyết trong chuỗi phát triển ngành điều. Để làm được điều này, các doanh nghiệp và người trồng điều phải có kế hoạch chăm sóc vườn hiệu quả, cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm tỷ lệ hao hụt trong chế biến. Đồng thời, nông dân phải tỉa cành, tạo tán để hạn chế ổ sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi tấn công, canh tác sinh học sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, người trồng tăng cường trồng keo để dụ kiến vàng tìm đến cây điều. Kiến vàng là khắc tinh của sâu đục thân và bọ xít muỗi. Với biện pháp này, người trồng sẽ giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây điều, vừa áp dụng canh tác sinh học, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt điều khi thu hoạch.

Ông Phan Văn Tiến (SN 1951), ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến là nông dân trồng điều giỏi của huyện Đồng Phú. Gắn bó với cây điều hơn 20 năm nay, ông Tiến cho rằng: Hiện nay, các tiến bộ kỹ thuật mới chưa được ứng dụng đại trà vào quy trình canh tác cây điều; các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ để tăng hiệu quả sản xuất điều cũng chưa được nhiều nông dân quan tâm. Hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến và tiêu thụ điều theo hình thức HTX để sản xuất điều sạch và các tiêu chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP... là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, trồng điều theo phương thức canh tác hữu cơ chắc chắn sản lượng sẽ giảm, chất lượng cao hơn nhưng giá thu mua có tăng hay không là điều mà tôi cũng như nhiều hộ trồng điều băn khoăn.

Hiện nay, tổng diện tích trồng điều của huyện Đồng Phú 14.247 ha. Thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển ngành điều Bình Phước”, thời gian qua huyện Đồng Phú đã tư vấn, hỗ trợ 2 HTX trồng điều chuyên canh đăng ký tham gia chuỗi liên kết điều hữu cơ với diện tích khoảng 800 ha, sản lượng dự kiến liên kết 600 tấn/năm; triển khai hỗ trợ điều tái canh cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2018 và 2019 với 4.576 cây, tương đương khoảng 25 ha; tổ chức cho 175 người học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều và kỹ thuật lai ghép, cải tạo vườn điều; tổ chức thống kê diện tích trồng điều bị sâu bệnh đối với 2.414 hộ với tổng diện tích 3.903,7 ha đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn kết quả 1 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng, 5 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh và nhãn mác hàng hóa, huyện đã lập biên bản xử lý theo quy định pháp luật.

Theo kế hoạch, định hướng phát triển ngành điều huyện Đồng Phú đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vẫn là ổn định diện tích hiện có, năng suất bình quân từ 1-1,2 tấn/ha. Với tái canh, trồng mới sử dụng 100% giống điều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Huyện phấn đấu có ít nhất 720 ha điều sản xuất theo quy trình hữu cơ; hình thành ít nhất 2 cánh đồng lớn đối với cây điều, mỗi cánh đồng từ 100 ha trở lên.

Minh Hiền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang