• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhọc nhằn mùa cà phê chín...

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 19/11/2019
Ngày cập nhật: 21/11/2019

Đến thời điểm các nhà vườn cà phê đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Nhiều vùng năm ngoái gặp mưa trái mùa như: Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Glong… có hộ đã thu chính. Cà phê đang vào mùa, vui đấy nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

Sau vài cơn mưa rào rơi rớt cuối mùa, những cành cà phê sum suê, trĩu trái như căng mọng hơn. Trên những trục đường vào rẫy cà phê của nông dân những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Các loại phương tiện vận chuyển như xe công nông, xe tải nhỏ hối hả đưa đón nhân công, tập kết các vật dụng để thu hái cà phê.

Tây Nguyên chuyển mùa, đất trời tươi tắn hơn, cà phê cũng đang chín đỏ vườn hơn. Đi qua các vườn đồi, từ trong tán lá xanh um luôn phát ra âm thanh lộp bộp quen thuộc như mưa rào, đó là âm thanh của những trái cà phê rơi xuống nền bạt được phủ dưới gốc.

Thiếu lao động được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tranh thủ hái cà phê sớm. Ảnh: Đức Hùng

Trồng cà phê cũng “ăn cơm đứng”

Mùa thu hoạch cà phê năm nay tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Kiên, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa). Anh Kiên là bộ đội phục viên, đến Đắk Nông sinh sống hơn 20 năm nay. Đến Đắk Nông chỉ dựa vào sức trai trẻ, sau nhiều năm làm thuê với đủ mọi công việc, anh đã dành dụm mua đất để trồng được 2 ha cà phê. Những năm 2007 – 2008, người dân ở Gia Nghĩa chủ yếu làm vườn tạp, chưa quen thâm canh cây cà phê thì vườn cà phê của anh Kiên đã cho thu hoạch đến 4 tấn nhân/ha. Vợ chồng anh Kiên hầu như quanh năm bám rẫy, bám vườn bất kể sớm tối.

Theo anh Kiên, trồng cà phê phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học thì không những chi phí tăng cao mà cũng gây hại cho đất, làm vườn cây nhanh thoái hóa. Vì vậy, anh phải tìm tòi cách ủ phân chuồng, xác bã thực vật… để tạo mùn cho đất. Còn công việc thường ngày thì cứ ra vườn là đụng việc. Ngoài bón phân, phun thuốc, giáp tháng lại lúi húi đi làm cành, bấm tỉa chồi... Chưa kể gặp những năm thời tiết xuất hiện sương muối, rệp sáp, bọ xít tấn công, mọi việc một mình anh cáng đáng.

Anh Kiên nói vui: “Suy cho kỹ thì trồng cà phê cũng là nghề “ăn cơm đứng” thật đấy!”. Nếu những công việc này cứ thuê mướn người làm thì chi phí đầu tư sẽ tăng lên, giá cà phê thấp sẽ lỗ vốn. Quanh năm quần quật ngoài vườn, đến bữa ăn cũng vội vàng nói gì đến chuyện quan tâm đến sinh hoạt gia đình. Chuyện học hành của con, mọi thứ tôi đều giao hết cho vợ lo".

Nếu sơ lược từ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... mỗi ha cà phê ngốn gần 50 - 60 triệu đồng cho mỗi vụ. Vì vậy, năng suất vườn phải đạt từ 3 – 4 tấn/ha, với giá 40 ngàn trở lên thì người làm cà phê mới hòng có đồng vốn tích lũy… (Anh Nguyễn Văn Kiên, ở phường Nghĩa Đức, Gia Nghĩa)

Chăm sóc cà phê thêm một nỗi nhọc nhằn nữa là khâu tưới. Tưới cà phê không như tưới cây trồng ngắn ngày. Phải đầu tư hệ thống máy móc, ống nước cũng mất hàng chục triệu đồng. Mỗi năm tưới 3 – 4 lần, nhưng mỗi mùa khô đi qua, chạy nước cho vườn cà phê vừa ổn thì anh gầy rạc người, sút đi 3 – 4 kg. Thời gian chăm sóc cây cà phê phát triển, nuôi quả lớn để cho thu hái là cả một quá trình tiêu tốn công sức và tiền bạc khá lớn, nếu nhà vườn nào không tích lũy được coi như thất bát thấy rõ.

Lo lắng trăm bề

Những năm trước đây, cứ bước vào mùa thu hoạch cà phê là lao động từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam "đổ bộ" vào các vùng trồng cà phê ở Đắk Nông, khiến những vùng quê trở nên đông đúc hơn. Thế nhưng, vài năm gần đây, ở các tỉnh đồng bằng, người ta tham gia làm công nhân ở các khu công nghiệp nên nhân công hái cà phê trở nên thiếu hụt hẳn.

Không những vậy, ngay tại địa phương, một số vùng lao động trẻ theo phong trào về thành phố kiếm việc làm cũng làm cho các chủ vườn cà phê gặp khó khăn khi đến vụ thu hoạch. Thiếu nhân công và giá nhân công mỗi năm một tăng cao, nên nhiều chủ vườn cà phê buộc phải hái xanh hoặc kéo dài vụ thu hoạch để tránh bớt khó khăn.

Thiếu nhân công hái cà phê nên các chủ vườn cũng phải chịu “lép vế ” trước những đòi hỏi, yêu sách của nhân công. Để thu hút nhân công, các chủ vườn cũng cạnh tranh với nhau bằng cách trả giá cao hơn, cộng thêm các khoản bồi dưỡng bữa ăn, nước uống giải khát để kéo nhân công về phía mình. Do đó, việc thuê mướn công lao động trong mùa vụ hái cà phê trở nên nhiêu khê cho các chủ vườn.

Bát nháo hơn là tình trạng “cò” nhân công lao động ở các bến xe, điểm dừng xe buýt, xe ôm... người lao động ở các nơi đến bị giành giật như một món hàng. Khi được người tìm việc làm đồng ý, cánh xe ôm chia nhau chở đến các nhà vườn có nhu cầu. Qua tìm hiểu, trong giới xe ôm gọi hình thức này là “bán nhân công hái cà phê”. Cánh xe ôm thường nhận tiền cả hai bên.

Cụ thể, cứ một công lao động chở đến, người lao động trả tiền xe ôm tùy theo quản đường xa gần, còn chủ vườn trả cho xe ôm từ 600 – 800.000 đồng/người. Những vụ cà phê trước, có nhiều trường hợp người hái cà phê thuê thông đồng với người chạy xe ôm để "moi" tiền các chủ vườn. Đó là khi được nhận vào làm, người làm thuê ứng tiền trước, khi làm được dăm bảy hôm tìm cách bỏ đi. Ngay sau đó, người chạy xe ôm đến đón chở đi “bán” cho chủ vườn khác...

Công nhật hái cà phê thường dao động từ 160 - 180 ngàn đồng/ngày/người. Có người nhận hái khoán vườn tiền công có thể đạt đến 200 ngàn đồng/ngày. Với những người trung niên, khi không thể làm việc được ở các khu công nghiệp thì đi hái cà phê và mỗi người cuối vụ thu hoạch cũng mang về một khoản tiền kha khá cho gia đình. Theo các nhà vườn, năm nay, thời tiết cũng thuận lợi, mưa đều nên năng suất cà phê đạt khá cao. Tuy nhiên, vào đầu vụ, giá thị trường chỉ còn trên 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước (39.000- 40.000 đồng/kg). Tuy vậy các nhà vườn vẫn chung suy nghĩ, dù lời ít, lời nhiều gì thì cũng phải bám vườn mà sống!

Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê năm 1995 đến nay, người trồng cà phê đã qua nhiều cuộc “bể dâu” do giá cả thất thường. Song đến nay cà phê vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong các loại cây trồng chủ lực địa phương, mang lại cuộc sống ổn định cho người trồng cà phê và tạo việc làm, thu nhập khá cho người lao động.

Vậy đó, người trồng cà phê ở Đắk Nông cũng như trên cả vùng Tây Nguyên này, lâu nay vẫn âm thầm, chấp nhận như khép mình theo một vòng quay, hái cà phê xong là lại tất bật vào mùa tưới...

Ghi chép của Kim Ngân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang