• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng sen trên đất ruộng

Nguồn tin: Báo An Giang, 18/11/2019
Ngày cập nhật: 19/11/2019

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh phát triển các loại cây ăn trái lâu năm, nông dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) lựa chọn trồng sen trên nền đất ruộng kém hiệu quả. Mô hình mới này được bà con học hỏi, chỉ dẫn nhau để phát triển ở những nơi phù hợp, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Hộ anh Đỗ Văn Nhiều (ngụ ấp Hòa An 2, xã Hòa Lạc, Phú Tân) chọn trồng xen canh “2 vụ sen + 1 vụ lúa” hơn 3 năm nay. Anh Nhiều trần tình: “Trồng lúa lâu năm thấy không còn hiệu quả, nên quyết định chuyển sang xen vụ trồng sen. Mô hình tuy mới, ít kinh nghiệm sản xuất nhưng nhờ học hỏi, theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ mà có nguồn thu nhập. Cứ vài ngày ra hái gương sen 1 đợt, hái bao nhiêu lời bấy nhiêu. Chi phí sản xuất sen tương đương làm lúa, lợi nhuận thu về cao hơn hẳn”. Tính đến vụ này, cây sen đã bén rễ trên nền đất ruộng của anh Nhiều qua 7 vụ mùa. Vụ đông xuân sen cho năng suất không bằng vụ hè thu, nhưng giá cả vượt trội, vì thương lái thu mua rất nhiều để cung ứng cho các cơ sở làm bánh, mứt phục vụ thị trường Tết. Giá sen dao động từ 10.000- 20.000 đồng/kg, có đợt “rớt” xuống còn 12.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ mọi chi phí vẫn còn lời khoảng 4 triệu đồng/công. Theo anh Nhiều, với cách thức sản xuất này, anh cải tạo được đất khá hiệu quả, sau vụ sen, độ mùn của đất giúp lúa đạt năng suất đáng kể. Riêng cây sen, sau nhiều vụ sản xuất, anh nhận thấy kỹ thuật trồng sen không quá phức tạp. Chăm sóc sen bằng phân bón định kỳ, sâu bệnh không đáng kể, nhất là trong mùa hạn, nếu so sánh với những loại cây trồng khác phải tốn chi phí tưới tiêu thì sen sinh trưởng tốt ở đồng trũng.

Từ ngày trồng sen, ông Trần Văn Ly (ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp) có thêm niềm đam mê là: “ngắm sen”. Ông Ly chia sẻ: “Trồng sen đòi hỏi phải siêng năng. Ngày nào tui cũng ra vô dòm ngó, coi cây sen phát triển như thế nào, trổ bông thời điểm nào rộ. Vụ này nữa là vụ thứ 2, kinh nghiệm còn ít nên phải theo dõi sát để “hiểu” cây sen nhiều hơn. Tui học hỏi từ mấy nông dân làm trước, học trên mạng, rồi kinh nghiệm riêng của mình. Tôi mê việc sản xuất, rồi mê cả ngắm bông”. Với diện tích đất lúa 20 công, ông Ly chuyển toàn bộ sang trồng sen và được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kỹ thuật canh tác mỗi người mỗi khác, riêng ông Ly rất coi trọng khâu chọn giống, trên 1 công chỉ trồng 150 con giống, trong tháng rải phân 3 lần cho sen sinh trưởng khỏe. Sau khoảng 1 tháng trồng, lá sen trải kín mặt nước thì bắt đầu ra bông, dưỡng thêm một thời gian, tùy nhu cầu mà thu hoạch lấy ngó hoặc lấy gương sen. Tuy nhiên, đa số các hộ trồng hiện nay chuộng bán gương sen hơn cả. Theo các thương lái lý giải, thu hoạch gương sen để lấy hạt cung ứng cho các cơ sở sản suất sen thành phẩm hoặc bán tươi, thị trường hút nhất là tỉnh Đồng Tháp. Một công sen thu hoạch được khoảng 500kg gương sen, sau khi trừ mọi chi phí lợi nhuận thu được bình quân là 3 triệu đồng/công, còn vụ này giá đẩy lên cao nên ông Ly lời đến 6-7 triệu đồng/công.

Trong những vụ mùa gần đây, mô hình trồng sen trên đất lúa được nông dân thử nghiệm thành công ở các xã: Phú Long, Phú Thành, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Phú Hiệp. Diện tích trồng sen trên đất lúa đang không ngừng được mở rộng. Việc chuyển đổi trồng sen không chỉ giúp nông hộ cải thiện kinh tế mà người lao động địa phương cũng có việc làm với thu nhập mùa vụ từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Dù đầu ra hiện tại của sen khá thuận lợi, thương lái từ nhiều nơi đến tại chỗ thu mua nhưng vì đây là mô hình mới, nông dân cần thận trọng trong ý định nhân rộng diện tích. Nếu trồng ồ ạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng dội chợ như các mặt hàng nông sản khác. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hiệp Trần Thanh Liêm cho biết, có 17,5ha diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng các loại, trong đó sen chiếm diện tích 8,5ha. Sen phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trong các vụ đầu tiên đều được giá cả và đầu ra thuận lợi. Tuy đầu ra hiện nay không phải lo lắng, sản phẩm bao nhiêu thương lái tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhưng địa phương rất lưu ý nông dân trong sản xuất chuyển đổi, nhằm tránh tình trạng một vài hộ sản xuất hiệu quả thì nhiều hộ “ăn theo”.

Song song với việc giúp bà con tiếp cận nguồn vốn quỹ “Hỗ trợ nông dân” và nguồn quỹ chính sách xã hội, Hội Nông dân còn tích cực tham mưu giúp UBND huyện Phú Tân tìm kiếm những doanh nghiệp làm ăn có uy tín để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm, nhằm đảm bảo sản xuất lâu dài cho người nông dân.

MỸ HẠNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang