• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Ngóng’ nhà máy đường đến mua mía

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 07/11/2019
Ngày cập nhật: 9/11/2019

Trước sự lo lắng của ngành chức năng vì tiến độ tiêu thụ mía hiện nay rất chậm và nhiều nông dân có mía sắp chết khô ngoài rẫy đang trông ngóng nhà máy đường đến thu mua, nên lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã có những cam kết cho người trồng mía.

Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ sớm nâng tối đa công suất ép để tiêu thụ nhanh mía cho nông dân Hậu Giang.

Tiến độ tiêu thụ chậm

Căn cứ vào cơ cấu giống và thời gian xuống giống ở từng vùng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nên trước khi vào vụ thu hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ mía của niên vụ 2019-2020 cho nông dân vào từng thời điểm cụ thể. Theo đó, nông dân Hậu Giang sẽ bắt đầu thu hoạch mía từ tháng 7-2019 và kết thúc vào tháng 2-2020. Trong đó, từ tháng 7 đến giữa tháng 9, bà con chủ yếu thu hoạch mía chục để làm nước giải khát, sau đó chuyển sang thu hoạch mía rộ từ cuối tháng 9 đến tháng 12 để bán cho nhà máy đường. Tuy nhiên, so với kế hoạch thì tình hình tiêu thụ mía hiện nay rất chậm. Cụ thể, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới đốn được khoảng 3.100ha trong tổng số gần 8.200ha mía đã xuống giống. Với tiến độ hiện tại thì diện tích mía đã thu hoạch giảm gần 1.000ha so với cùng kỳ và thấp hơn gần 700ha so với kế hoạch đề ra. Trong tổng số mía đã thu hoạch thì có đến 2.260ha bà con bán mía chục. Như vậy, sau gần một tháng vào vụ sản xuất, nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco chỉ tiêu thụ khoảng 840ha mía của nông dân.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết tiến độ thu hoạch mía chậm là do trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 trong tổng số 3 nhà máy đường còn hoạt động để tiêu thụ mía cho nông dân là Nhà máy đường Phụng Hiệp, đồng thời mía của bà con trước khi thu hoạch phải có lệnh đốn chặt từ Casuco. Mặt khác, công suất ép mía của nhà máy đường này cũng chỉ đạt ở mức thấp. Cụ thể, từ khi vào vụ sản xuất đến nay, trung bình nhà máy chỉ ép khoảng 1.400 tấn mía/ngày và hiện tại đã nâng lên được từ 2.400-2.600 tấn/ngày, nhưng công suất ép mía tối đa cũng chỉ dừng lại ở mức 3.000 tấn mía/ngày, tương đương khoảng 30ha mía. “Nếu chỉ có một nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động thì phải mất hơn 5 tháng nữa mới tiêu thụ hết 5.000ha mía còn lại trên địa bàn tỉnh, trong khi hiện có nhiều diện tích mía của nông dân đã quá ngày thu hoạch và quan tâm nhất là có khoảng 1.000ha mía đang có dấu hiệu chết cây. Trường hợp không được tiêu thụ sớm thì khoảng 7-10 ngày nữa, mía sẽ chết và gây thiệt hại cho nông dân”, ông Hùng cho hay.

Người trồng mía huyện Phụng Hiệp đang ngóng chờ sớm được hưởng niềm vui từ những cam kết mới đây của lãnh đạo Casuco.

Lo lắng cho vùng mía của địa phương, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: Sau nhiều năm trồng mía thì đây là năm đầu tiên người dân Phụng Hiệp phải đối mặt với tình cảnh rất khó bán mía như năm nay. Qua theo dõi tại các vùng trũng và có giống mía chín sớm (ROC 16) đang vào mùa thu hoạch để bán cho nhà máy đường là xã Tân Long, Long Thạnh, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu… thì bình quân mỗi ngày người dân nơi đây chỉ đốn được từ 5-10ha mía, với 25 ghe chuyên chở, mỗi ghe có tải trọng từ 40-50 tấn. Trong khi, nhu cầu của bà con muốn bán mía gấp hơn 10 lần số hiện tại. Từ nhu cầu bức xúc của nông dân và để tránh tình trạng mía bị chết khô ngoài đồng mà không có người mua, địa phương đề nghị Casuco sớm tăng hết công suất hoạt động của Nhà máy đường Phụng Hiệp, đồng thời xem xét vào vụ ép tại Nhà máy đường Sóc Trăng và Trà Vinh để “giải cứu” mía cho nông dân của huyện Phụng Hiệp nói riêng và của tỉnh nói chung.

Những tín hiệu vui từ Casuco

Trước sự lo lắng, kiến nghị của người dân và ngành chức năng tỉnh trong việc tìm giải pháp tiêu thụ nhanh nhiều diện tích mía đã quá ngày thu hoạch, lãnh đạo Casuco đã có một số cam kết với lãnh đạo UBND tỉnh. Ônh Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Casuco, cho hay: Do lỗi thiết bị nên từ khi vào vụ ép đến nay, công suất của Nhà máy đường Phụng Hiệp chưa đạt tối đa. Tuy nhiên, sau thời gian sửa chữa, hiện tại các thiết bị đã hoạt động tương đối ổn định nên Casuco cố gắng sớm nâng hết công suất ép lên 3.000 tấn mía cây/ngày tại Nhà máy đường Phụng Hiệp trong thời gian tới. Mặt khác, sau khi họp hội đồng thành viên tại Nhà máy đường Sóc Trăng, đơn vị có cổ phần của Casuco thì các cổ đông thống nhất vào khoảng từ ngày 9-11 tới đây, Nhà máy đường Sóc Trăng sẽ tiếp nhận nguồn mía nguyên liệu và chính thức vào vụ sản xuất ngày 11-11 tới.

Như vậy, với việc Casuco tăng tối đa công suất ép, cộng với Nhà máy đường Sóc Trăng vào vụ sản xuất thì khả năng mỗi ngày sẽ tiêu thụ từ 5.000-6.000 tấn mía cho nông dân Hậu Giang, tương đương diện tích khoảng 50-60ha mía, qua đây góp phần tiêu thụ nhanh diện tích mía cho người dân trong tỉnh. Ngoài những tín hiệu đáng mừng trên thì theo người đứng đầu Casuco, công ty đang xem xét nâng giá thu mua mía cho nông dân trong những ngày tới để đảm bảo người dân có nguồn lợi nhuận để tái sản xuất. Ônh Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Casuco, thông tin: Những niên vụ mía trước, do lượng đường cung nhiều hơn cầu nên giá đường trên thị trường thấp, từ đó kéo theo giá thu mua mía của nông dân không cao. Riêng vụ mía năm nay, qua thống kê thì diện tích mía của toàn vùng ĐBSCL giảm từ 30-40% nên lượng đường cung ra thị trường giảm, từ đó giá đường hiện nay tương đối cao. Do đó, Casuco đang xem xét nâng giá thu mua trong thời gian tới cho người trồng mía.

Theo báo cáo của Casuco, công ty bắt đầu vào ép niên vụ mía 2019-2020 từ ngày 12-10 vừa qua, đến thời diểm này, Casuco đã ép được khoảng 50.000 tấn mía. Chữ đường (CCS) bình quân đạt 10,99 CCS, trong đó, CCS cao nhất là 13,2 CCS. Với việc CCS đang ở mức cao, cộng thêm Casuco có kế hoạch nâng giá thu mua mía lên nên sẽ là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, niềm vui của người trồng mía có được hưởng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nhà máy. Bởi, chỉ có Casuco sớm tăng tiến độ thu mua thì người dân mới bán được mía, trường hợp mía cứ nằm chờ ngoài đồng và héo khô dần do không có người mua thì việc giá có tăng mấy cũng vô nghĩa…

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo Casuco thực hiện tốt cam kết của mình là thu mua hết mía cho nông dân Hậu Giang và tính toán thời gian thu hoạch cho từng vùng được phù hợp, tránh tình trạng mía của nông dân bị chết khô ngoài đồng vì không bán được. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy có giải pháp huy động nhân công thu hoạch mía, trong đó tiếp tục phát huy các tổ vần công đốn mía trong dân để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi Casuco tăng tối đa công suất ép và Nhà máy đường Sóc Trăng vào vụ, đồng thời quản lý tốt việc người dân chuyển đổi từ đất mía sang cây trồng khác.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang