• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người trồng hoa vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 06/06/2018
Ngày cập nhật: 7/6/2018

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên cả nước nói chung và ngành sản xuất rau, hoa của Lâm Ðồng nói riêng, 100% giống phải nhập khẩu. Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục nhập khẩu giống mới, là những giống chưa có tên trong danh sách những vật thể thực vật được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng đó, là những khó khăn chồng chất khó khăn mà doanh nghiệp, người trồng hoa gặp phải, cần nhanh chóng được tháo gỡ.

Trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt Hasfarm. Ảnh: N.Thu

Khó khăn chồng chất khó khăn

Theo quy định, trong hồ sơ nhập khẩu giống, để một giống rau, hoa nhập vào Việt Nam là phải có bảng phân tích nguy cơ dịch hại của giống rau hoa đó (viết tắt tiếng Anh là PRA - Pest Risk Analysis). PRA do nước xuất khẩu giống thực hiện, là hồ sơ do 2 Bộ Nông nghiệp của 2 nước xuất khẩu và nhập khẩu quyết định và thực hiện. Các doanh nghiệp xuất và nhập khẩu giống không thể tiếp cận và bị động chờ đợi. Đây là cái khó của doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp nhập khẩu giống của Việt Nam là khi nào chúng ta có được bảng PRA cho giống cần nhập khẩu? Các nước xuất khẩu giống có muốn làm PRA không? Khi có được PRA rồi thì những giống rau, hoa đó còn giữ giá trị kinh tế trong và ngoài nước không? Có nên mua để sản xuất nữa không? PRA có phải là công cụ duy nhất để kiểm soát dịch hại không? Đó là hàng loạt những câu hỏi và vấn đề được đặt ra của các doanh nghiệp, người trồng hoa ở Đà Lạt và đã được Hiệp hội Hoa Đà Lạt gửi đến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra tại Hà Nội.

Vấn đề được các doanh nghiệp, người trồng hoa nêu lên là hết sức chính đáng, ngoài ra PRA có thực sự cần thiết áp dụng đối với những nước có nền nông nghiệp về giống tiên tiến, có lịch sử cung cấp giống cho Việt Nam chưa từng phát sinh dịch hại nghiêm trọng hay không. Nếu thực hiện PRA linh hoạt sẽ đem lại khá nhiều lợi ích cho ngành rau, hoa của Việt Nam, giúp giảm tình hình vi phạm bản quyền giống, giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất - ông Trương Đức Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết.

Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt thì các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thủ tục nhập khẩu giống do hàng rào thủ tục hành chính. Theo quy định, trước khi nhập khẩu phải xin phép để được cấp phép “kiểm dịch thực vật” dạng quata, quản lý cả về số lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa và cả hợp đồng thương mại của doanh nghiệp. Điều này là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết về thủ tục cấp phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, giống hoa được chia nhỏ thành từng nhóm như hạt, củ, hom, ngọn, cây… có phần gây khó hiểu cho doanh nghiệp. Ví dụ giống hoa trạng nguyên nhập khẩu từ Italia được phép nhập khẩu là cây có rễ, còn chồi, ngọn thì không được phép nhập. Hoặc như giống hoa hồng nhập từ Hà Lan, cây có rễ thì được phép nhập còn cành hoa thì không được phép nhập. Hoặc như hoa cẩm chướng được phép nhập khẩu chồi, ngọn từ Kenya nhưng cây có rễ thì lại không được phép nhập khẩu. Ngoài ra, khó khăn chồng lên khó khăn hiện nay, đó là cùng một đối tượng cây trồng để nhập khẩu doanh nghiệp phải xin hai giấy phép qua hai cục đó là Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật. Trên thực tế, có trường hợp cục này cho phép nhập nhưng cục khác lại không cho phép nhập.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn 1.000 tỷ

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với Hiệp hội Hoa Đà Lạt vừa diễn ra tháng 5, ông Nguyễn Hữu Tâm, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện tại, việc cho vay vốn ưu đãi về NNCNC theo Quyết định 813 còn hạn chế, do Lâm Đồng mới có một vùng công nghệ cao và 8 doanh nghiệp có giấy chứng nhận ứng dụng CNC. Việc cho vay thế chấp tài sản hình thành trên đất như nhà kính, nhà lưới, tài sản khác… đang khó khăn do nhà kính, nhà lưới dễ thu hồi, dễ tháo dỡ… vì thế người sản xuất phải mua bảo hiểm nhà kính mới thế chấp được. Mặt khác, muốn thực hiện Quyết định 813 về tiếp cận nguồn vốn vay 1.000 tỷ cho vay NNCNC thì phải thực hiện theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 quyết định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đề nghị các cơ quan Trung ương giao việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng NNCNC cho UBND tỉnh thực hiện. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp được ưu đãi vay vốn 1.000 tỷ này khi đã được cấp giấy chứng nhận NNCNC.

Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng cho biết, cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nên có cơ chế nới lỏng hơn để doanh nghiệp và người dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn 1.000 tỷ dành cho sản xuất NNCNC.

Còn ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương đề xuất: Đoàn ĐBQH Lâm Đồng nên đứng ra tổ chức đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và Cục Bảo vệ Thực vật để hai bên lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp. Ông Hiệp cũng đề nghị cần phải có một cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện các thông tư, nghị định của Bộ Nông nghiệp và các cục liên quan. Vì trong các thông tư, nghị định, hướng dẫn chưa quy định cụ thể thời gian hoàn thành công việc.

Cần bổ sung cơ chế đặc thù cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thực tế hiện nay, Quyết định 1528 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt thì hầu như chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân thì chưa được hưởng lợi.

Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng hiện có hơn 40.000 ha nhà kính thì nông dân chiếm tới 95%. Trong khi đó, nông dân lại không thể liên hệ với đối tác nước ngoài để nhập khẩu nguyên bộ nhà kính mà phải thực hiện theo cách nhập rời từng phần của nhà kính thông qua các công ty trung gian và phải mua với giá cao. Thuế nhập khẩu các mặt hàng vật tư phục vụ NNCNC cũng rất cao từ 7 - 17%.

Theo đó, Hiệp hội Hoa Đà Lạt cũng kiến nghị cần bổ sung cơ chế đặc thù phát triển NNCNC theo Quyết định 1528, đó là cần miễn thuế nhập khẩu đối với nhà kính, trang thiết bị nông nghiệp. Nên mở rộng phạm vi áp dụng Quyết định 1528 là tỉnh Lâm Đồng, trong đó có một số vùng đặc biệt khó khăn để Lâm Đồng tiếp tục phát triển và bứt phá về NNCNC.

Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội Lâm Ðồng: Quốc hội nên chỉnh sửa các thông tư, nghị định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nêu rõ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành để tránh tình trạng kéo dài việc cấp PRA. Cần linh hoạt áp dụng PRA đối với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, quản lý rất tốt nguồn giống và kiểm soát tốt nguy cơ dịch hại như các nước Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản… Với các quốc gia này nên miễn thủ tục PRA để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Nên quản lý giống nhập khẩu một cửa là Bộ NN-PTNT và cấp một giấy phép duy nhất.

NGUYỆT THU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang