• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi có bản quyền giống rau, hoa

Nguồn tin: Báo lâm Đồng, 05/06/2018
Ngày cập nhật: 6/6/2018

Vừa qua, dự án nhập khẩu, mua bản quyền giống rau, hoa được triển khai đã khai thông bế tắc cho doanh nghiệp và nông dân trong việc lựa chọn giống rau, hoa chất lượng. Nông dân không chỉ có nguồn giống tốt để sản xuất mà còn tránh những sản phẩm giống trôi nổi trên thị trường gây ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.

Sử dụng giống bản quyền giúp Trang trại hoa YSA Orchid có sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường. Ảnh: H.Yên

Giống bị thoái hóa

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng, phát triển quanh năm, thuận lợi cho sản xuất các loại rau, hoa cao cấp mang tính đặc thù riêng của Đà Lạt. Thế nhưng trên thực tế, không riêng gì Lâm Đồng mà nhiều nơi khác cũng có thể trồng được do áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến. Riêng đối với ngành hoa Đà Lạt, muốn cạnh tranh được với nơi khác, đặc biệt là thị trường nước ngoài phải cải thiện về chất lượng giống, đa dạng các loại giống hoa. Những loại giống của Lâm Đồng chủ yếu là giống cũ, bị thoái hóa nên rất khó để cạnh tranh với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Hiện nay, nhiều cửa hàng, shop hoa lớn cũng phải nhập hoa từ các nước về để bán. Vậy, chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao với điều kiện tốt như Đà Lạt lại không trồng các loại hoa chất lượng để cung ứng ra thị trường. Và, câu trả lời nằm trong bản quyền giống hoa, nó quyết định đến chất lượng sản phẩm làm ra và nông dân phải ý thức được điều này thì sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn chung, đa số các hộ nông dân sản xuất rau, hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có bản quyền, chủ yếu là dân tự làm giống hoặc do các cơ sở nuôi cấy mô cung ứng nên việc xuất khẩu thiếu cơ sở pháp lý, gặp vấn đề về bản quyền cây giống, cây giống rau hoa bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, làm giảm sút về năng suất và chất lượng rau, hoa. Xuất khẩu rau, hoa, dâu tây sang thị trường Nhật Bản và châu Âu gặp rất nhiều khó khăn, do không có bản quyền cây giống và sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì thế, việc nhập khẩu mua bản quyền giống mới, khảo nghiệm để sản xuất theo thị trường mục tiêu, đặc biệt thị trường xuất khẩu là rất quan trọng.

Bản quyền giống để xuất khẩu

Phần lớn các giống rau, hoa sản xuất tại Lâm Đồng có tới 90% phải nhập khẩu từ các nước, trong khi công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới tại địa phương còn hạn chế. Năm 2016, có 32 công ty nhập khẩu 501 lô với 61 chủng loại giống về gieo trồng trên diện tích 11.386 ha, năm 2017 tại Lâm Đồng có 30 công ty nhập khẩu 11.826.430 hạt hoa các loại; 926,5 kg rau các loại; 300 cây dâu tây; 918.500 kg khoai tây... được nhập từ các nước Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản..., về gieo trồng tại địa phương. Một số giống đã qua khảo nghiệm có khả năng xuất khẩu nhưng do không có bản quyền nên vẫn không xuất khẩu được. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh như Đà Lạt Hasfarm, Công ty TNHH Bonnie, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt,... xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc,... Năm 2017, Lâm Đồng xuất khẩu 331.738.116 cành, ngọn cây hoa các loại của 24 công ty đến 19 nước; rau các loại được 21 công ty xuất khẩu 9.444 tấn đến 6 nước và nông sản khác hơn 1.982 tấn của 12 công ty đến 19 nước.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm rau, hoa Lâm Đồng, chủ động hội nhập quốc tế, vấn đề đặt ra là cần nhập nội một số giống hoa để khảo nghiệm và mua bản quyền các loại giống có hiệu quả, năng suất, chất lượng và có khả năng xuất khẩu. Hiện nay, đã nhập khẩu 11 chủng loại giống với 270.200 cây để khảo nghiệm với quy mô diện tích 19.300 m2. Sản lượng thu hoạch rau, hoa 350.000-400.000 cành hoa các loại và 50-60 tấn ớt ngọt. Chuyển giao 8.160 cây giống có bản quyền cho 20-30 hộ liên kết theo chuỗi giá trị (sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm); mở rộng quy mô sản xuất các giống đã qua khảo nghiệm cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường từ 5-10 ha trong năm 2018.

Ngày 16/5/2018, Cục BVTV cấp 8 Giấy phép KDTV nhập khẩu cho 3 doanh nghiệp nhập khẩu giống cho Ðà Lạt Hasfarm, Hồng Hoàng, Linh Ngọc và hiện các doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục liên quan với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu.

Kế hoạch trong tháng 6-9 năm 2018, các doanh nghiệp nêu trên sẽ nhập khẩu toàn bộ 11 chủng loại giống/270.200 cây để triển khai khảo nghiệm trên quy mô 19.300 m2.

Lâm Đồng đã và đang tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - nông dân sản xuất các giống hoa mới có bản quyền, phù hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến thương mại xuất khẩu, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Thông qua công tác nhập khẩu và mua bản quyền giống, các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với nhau; doanh nghiệp - hợp tác xã; doanh nghiệp - nông dân, là một hướng đi bền vững, góp phần tích cực hình thành “Trung tâm giao dịch rau, hoa Đà Lạt” và đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, hiện đại hóa sản xuất rau, hoa theo hướng tiếp cận đa ngành thông qua hoạt động nhập nội và xuất khẩu hoa theo thông lệ quốc tế. Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất rau, hoa theo bản quyền phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

HOÀNG YÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang