• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mở cửa xuất khẩu hoa Ðà Lạt. Bài 1: Liên kết xuất khẩu hoa Ðà Lạt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 07/05/2018
Ngày cập nhật: 8/5/2018

Bằng con đường liên kết với các đối tác ngay tại các thị trường xuất khẩu, người trồng hoa Ðà Lạt mỗi năm đã đưa được hơn 300 triệu cành hoa xuất khẩu, chiếm 10% tổng sản lượng hoa của Ðà Lạt hơn 3 tỷ cành.

Nông dân chăm sóc hoa cúc để xuất khẩu sang Nhật Bản

Hoa từ vùng nông nghiệp Đà Lạt xuất khẩu nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây, chủ yếu các loại hoa cắt cành như cúc, hồng, cẩm chướng… Các nước Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc,… được xác định là thị trường chính của hoa Đà Lạt.

Người lo chuyện trồng, người tính chuyện bán

Thời gian gần đây, tham gia xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng, ngoài các doanh nghiệp FDI, một số hộ tư nhân, doanh nghiệp tại Đà Lạt cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua liên kết hợp tác quốc tế với các nhà phân phối tại các thị trường hướng tới. Xuất khẩu hoa nhiều nhất ở Nhật, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu, Úc (3,2%), Đài Loan (3,1%), còn lại tập trung ở các nước như Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nga, Campuchia.

Lan vũ nữ của Công ty Hoa Mặt Trời đã xuất hiện tại sàn đấu giá hoa OTA lớn nhất Nhật Bản vào năm 2017. Lan vũ nữ được ghi rõ xuất xứ Đà Lạt và được các nhà phân phối hoa của Nhật đánh giá cao. Mỗi đợt hoa đưa lên sàn đều được các nhà phân phối Nhật Bản đặt lệnh mua nhanh chóng. Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời, cho biết: “Đối tác phân phối tại Nhật Bản cho biết hoa của công ty đưa lên sàn là hết sạch. Các nhà phân phối có lẽ đã dự định mua hoa Đà Lạt trong phiên đấu giá nên họ ra giá rất nhanh. Nghe kể tôi nghĩ rằng mình may mắn vì chúng tôi biết sự khắt khe của thị trường hoa ở Nhật Bản”.

Tuy nhiên, sau vài lần, chúng tôi nhận ra rằng phía đối tác liên kết sản xuất Nhật Bản đã có định hướng đúng để thích ứng được với sự khắt khe của thị trường hoa Nhật chứ không phải đơn giản là “ăn may” ở đây. Ông Sơn cho biết, phương thức để ông xuất hoa đến Nhật Bản: “Đối tác Nhật sẽ lo tìm đầu ra, có đơn hàng sản xuất cụ thể, gợi ý loại giống phù hợp nếu đó là giống mới. “Chúng tôi chuyên lo sản xuất theo đúng đặt hàng để có sản phẩm đúng quy cách. Kết thúc giai đoạn sơ chế, phía đối tác tính toán đưa hoa về Nhật”. Ông kể và nói thêm rằng, hoạt động đưa hoa xuất khẩu không thực hiện từng đợt mà gối đầu liên tục. Bộ phận thương mại tại Nhật liên tục đưa đơn hàng đến Đà Lạt kèm những thông tin phân tích thị trường, thị hiếu tiêu dùng để có thể chuyển hướng sản xuất cho phù hợp. Tại Đà Lạt, người sản xuất như ông Sơn chịu trách nhiệm triển khai các đơn hàng theo đúng tiến độ.

Ông Võ Quốc Huy - Giám đốc Công ty hoa Florian đã xuất khẩu hoa cúc, cẩm chướng đi Nhật và nhiều thị trường khác từ năm 2014. Ông Huy, sau rất nhiều những trầy trật trên con đường tìm đường xuất khẩu hoa thừa nhận: “Thế mạnh của mình là sản xuất. Mình am hiểu vùng đất Đà Lạt hơn bất kỳ đối tác nào cho nên mình chuyên tâm sản xuất. Thương mại, nhất là thương mại quốc tế, một lĩnh vực chuyên biệt, người sản xuất ở Đà Lạt vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để có thể bước chân vào”.

Hiện, mỗi tuần, ông Huy xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 10 nghìn cành hoa. Ông cho rằng, việc tìm đối tác không quá khó khăn, gần như hàng tháng ông đều gặp đại diện các công ty thương mại hoa đến Đà Lạt tìm những đơn vị trồng hoa có năng lực để hợp tác. “Họ luôn tìm một đối tác có thể sản xuất nhiều, có liên kết với nông hộ tại địa phương để tạo mạng lưới sản xuất với diện tích ít nhất khoảng 5 hecta trở lên”, ông Huy cho hay.

Khi bắt tay vào sản xuất, đối tác phụ trách thương mại sẽ mang bộ quy tắc liên quan đến chất lượng, quy cách, bệnh dịch hoa đưa cho nhà sản xuất. Người sản xuất có trách nhiệm ứng dụng các phương thức canh tác tốt nhất để đưa ra loại hoa đáp ứng đúng với yêu cầu trong bộ quy tắc. “Làm đúng quy tắc có nghĩa cánh cửa xuất khẩu đã mở ra đến 90% ngay cả khi hoa chưa rời Việt Nam”, ông Huy nhấn mạnh.

Ông Huy đánh giá, đa số nông dân Ðà Lạt đều có thể triển khai bộ quy tắc của nhiều thị trường xuất khẩu lớn và khó tính. Chỉ rất ít trường hợp giống quá mới, vướng nhiều thủ tục pháp lý thì phía chịu trách nhiệm xuất khẩu hoa sẽ đưa chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Võ Quốc Khoa, Giám đốc Công ty hoa Dalat Green, cho rằng: “Đối với một nền nông nghiệp mà yếu tố thương mại quốc tế còn là một khoảng trống thì liên kết xuất khẩu làm lợi cho nông dân nhiều hơn, ấy cũng là cách tự huấn luyện mình trước khi tự bơi ra thị trường quốc tế”.

Rào cản về bản quyền giống

Đa số các đối tác nước ngoài đến Đà Lạt liên kết với nông dân sản xuất hoa xuất khẩu đều e ngại với câu chuyện bản quyền giống hoa. Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nhận định, nếu không vướng phải vấn đề bản quyền giống thì hoa Đà Lạt xuất khẩu nhiền hơn con số 10%. Ông Sang nói: “Hoa muốn xuất khẩu thì phải có bản quyền cây giống, chỉ rất ít nông dân ở Đà Lạt nhập giống có bản quyền để canh tác”.

Công ty Rừng Hoa Đà Lạt nhập giống để trồng sau đó xuất khẩu

Theo ông Võ Quốc Huy - Giám đốc Công ty hoa Florian thì với thực lực hiện tại, nếu không liên kết, gần như người sản xuất hoa đứng ở thế yếu. “Thực tế, có một vài lần hoa Đà Lạt vướng nghi vấn không đảm bảo được an toàn dịch hại tại hải quan Nhật Bản. Đối tác kinh doanh tại Nhật đã can thiệp kỹ thuật xử lý sau thu hoạch để đợt hàng được thông quan. Đây là tình huống rất bình thường khi xuất khẩu hoa. Nếu không liên kết, gần như người sản xuất hoa đứng ở thế yếu trong nhiều tình huống pháp lý và ở trường hợp như thế này, nông dân chỉ còn cách nhìn hoa bị tiêu hủy và chịu phí phạt” - ông Huy cho hay.

Ông Trần Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hoa hàng đầu châu Á, nhận định hoạt động xuất khẩu hoa của Đà Lạt bị “tắc” ở khâu giống. Nông dân muốn mua giống có bản quyền thì không có thông tin. Những công ty sản xuất giống uy tín hàng đầu thế giới thì lo ngại bị sao chép giống nên không quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Võ Quốc Khoa, Giám đốc Công ty hoa Dalat Green, cho rằng: “Có hàng nghìn loại giống tốt đã hết thời gian bảo hộ bản quyền, nông dân có thể mua dùng miễn phí nhưng không có kênh thông tin nào để tiếp cận. Điều này đã cản đường xuất khẩu hoa ở Đà Lạt”. Theo ông Khoa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế trong lĩnh vực xuất khẩu hoa nhờ lợi thế tiếp cận giống có bản quyền. Hiện tại, trong liên kết sản xuất hoa để xuất khẩu, nhiệm vụ tìm kiếm nguồn giống tốt, đúng thị hiếu thị trường được giao cho đối tác nước ngoài. “Sự thiếu tôn trọng bản quyền cây giống đã khiến các công ty giống hoa e dè xuất khẩu giống hoa tốt sang Việt Nam. Hiện chúng ta đang cậy nhờ niềm tin từ các đối tác để có giống trồng hoa xuất khẩu”, ông Khoa nói.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, vùng hoa Đà Lạt nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm. Do thiếu nguồn cung chính ngạch nên nông dân chủ yếu dùng giống do đối tác liên kết cung cấp hoặc nhập theo đường tiểu ngạch. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, không chủ động giống có bản quyền khiến nông dân lệ thuộc vào đối tác liên kết và bị chi phối về giá xuất bán khiến lợi nhuận giảm. Mặt khác, vì lệ thuộc nên nông dân không thể đa dạng nguồn xuất khẩu khiến thị trường xuất khẩu bị gói gọn hoặc chậm mở rộng. Ông Sơn tính toán, nếu nông dân có giống bản quyền đúng thì việc xuất khẩu hoa sẽ phát triển mạnh bởi ngoài hợp tác với đối tác nước ngoài, những nhà phân phối trong nước cũng sẽ tham gia.

Mở sàn giao dịch hoa

UBND tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng sàn giao dịch hoa chất lượng cao. Sàn giao dịch có mở kênh đấu giá từ xa thông qua thương mại điện tử để những nhà phân phối hoa nước ngoài có thể đặt mua từ xa. Sàn giao dịch hoa là phương án thúc đẩy xuất khẩu hoa ngay tại Đà Lạt, mặt khác minh bạch giá bán để nâng lợi nhuận cho nông dân. Tại Đà Lạt, Trung tâm giao dịch hoa sẽ được xây dựng ở điểm cuối của đèo Mimosa (cách trung tâm Đà Lạt 10 km), điểm giao giữa Đà Lạt và huyện Đức Trọng, gần với huyện Đơn Dương là vùng nông nghiệp chuyên canh rau hoa chính của tỉnh Lâm Đồng. Dự tính, Trung tâm sẽ được xây dựng trên diện tích 16,6 hecta, có chức năng thu gom hoa của Đà Lạt và vùng lân cận sau đó tiến hành xử lý để có thể vận chuyển đi xa. Trung tâm cũng tổ chức hệ thống xe vận chuyển để đưa hàng về Trung tâm giao dịch hoa TP Hồ Chí Minh.

NGUYỄN NGHĨA - PHƯỚC AN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang