• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Chống rét cứu hoa tết

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 06/02/2018
Ngày cập nhật: 7/2/2018

Không chỉ chịu thiệt hại liên tiếp do các đợt lũ lụt cuối năm 2017, vụ hoa cúc tết trồng chậu năm nay ở một số địa phương Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế do tiết trời rét kéo dài khiến cây thấp hơn mọi năm.

Người trồng hoa ở Phú Thượng lo lắng vì hoa năm nay ‘lùn’ hơn mọi năm do tiết trời rét

Một mùa vụ khó

Mười mấy năm có kinh nghiệm trồng hoa cúc chậu bán tết, chưa năm nào bà Nguyễn Thị Bé (thôn La Ỷ, xã Phú Thượng) trải qua một vụ mùa khó khăn như năm nay.

Đưa vào trồng 1.000 chậu cúc pha lê từ tháng 7/2017, đến thời điểm tháng 9 bắt đầu rét và rét ngày càng “dày đặc” đến cuối năm, khiến nhiều chậu hoa cúc phát triển chậm hơn so với chu kỳ sinh trưởng.

Tiết trời lạnh khiến cây hoa “chững” lại, cây thấp hơn những vụ trước từ 10-15 cm. Theo tính toán của bà Bé, bình quân mỗi cặp chậu cúc trồng trong 6-7 tháng, chi phí phân, thuốc, tre cắm, chậu và giống cây mất hơn 100 nghìn đồng. Hiện, giá sỉ thương lái mua bình quân mỗi cặp chậu nhỏ khoảng 160-170 nghìn đồng; chậu lớn khoảng 350 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí, bà còn lãi khoảng 60-70%.

Trồng hoa cúc tết là một nghề “khắc nghiệt”. Ngoài yếu tốt kỹ thuật còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Có năm hộ bà Bé trồng 3 nghìn chậu, do cây bị bệnh úa lá, hư thân dẫn đến thua lỗ hơn 100 triệu đồng. “Trồng cúc tết lấy công làm lãi là chính, chưa tính chi phí rủi ro do thời tiết và kỹ thuật trồng như phun sai thuốc, phun không đúng thời điểm”, bà Bé bộc bạch.

Cây cúc thấp hơn mọi năm không chỉ tốn thêm chi phí phun thuốc bổ sung mà các chủ vườn còn lo khó bán hoa trong dịp tết.

Những ngày này, hộ ông Phan Trí Thạnh (thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương) đang tập trung chăm bón 600 chậu cúc tết. Nhờ trồng hoa chậu, tôn nền đất lên cao nên các vụ mưa lũ vừa qua, vườn hoa của ông Thạnh không bị thiệt hại nhiều.

“Thời điểm rét cây sẽ chững lại, nếu phun thuốc sẽ rất dễ dẫn đến thối cây, ủ mầm bệnh ở thân. Do đó, kinh nghiệm trồng hoa cho thấy người trồng sẽ bón thúc, ngắt búp hoa nhỏ để dồn sức cho búp hoa lớn phát triển. Khi vào chậu phải dùng thêm tre để “tôn” hoa lên cho cao hơn như hình “mâm xôi”, phù hợp với sở thích của người mua ở Huế”, ông Thạnh kinh nghiệm.

Thắp đèn, bón thúc

Ông Phạm Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thượng cho biết, toàn xã vụ hoa cúc tết năm nay đưa vào trồng khoảng 50.000 chậu với 52 hộ dân tham gia. Nghề trồng hoa cúc tết cho thu lãi bình quân mỗi hộ khoảng 60-70 triệu đồng trong vụ tết. Năm nay, do thời tiết rét đậm, kéo dài từ đầu vụ nên khiến nhiều vựa hoa có cây “thấp” hơn mọi năm. Hội nông dân đã hướng dẫn người trồng “cứu” hoa tết bằng phương pháp bón, phun thuốc thúc và thắp thêm đèn sưởi ấm, giúp cây phát triển.

Đối với những cây bị chậm phát triển, địa phương đã khuyến cáo người trồng bón thúc vào thời điểm cây ra hoa, kích thích lá, rễ, hoa theo chu kỳ phun 1 tuần/lần. Trong thời điểm rét đậm, tuyệt đối không phun thuốc cho hoa tránh mầm bệnh ủ ở thân cây, bùng phát về sau khi cây sinh trưởng.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương cho biết, toàn xã có khoảng 6,5 ha hoa trồng trong vụ tết. Trong đó, nhiều chủ vườn chuyên trồng hoa chậu không bị thiệt hại bởi các trận lũ vừa qua nhưng năm nay tiết trời rét nên nhiều vựa hoa không đẹp như những năm trước. Để tránh tình trạng thiệt hại như mọi năm, ngoài công tác kiểm soát giống khi đầu vào từ các đại lý, đưa thêm các giống mới vào trồng như cúc đại đóa; trong quá trình trồng, cán bộ kỹ thuật của HTX thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân phương pháp phòng chống dịch bệnh trên hoa cúc tết và kỹ thuật phun thuốc đúng thời điểm, liều lượng và chủng loại.

“Vụ hoa năm nay tại địa phương vẫn đảm bảo nhu cầu phục vụ tết, các chủ vườn sau khi trừ chi phí sản xuất từ 25-30% vẫn còn lãi bình quân mỗi hộ vài chục triệu đồng”, bà Hằng khẳng định.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ hoa tết năm nay, toàn tỉnh đưa vào trồng trên 52 ha cùng 92.300 chậu các loại, tập trung ở các địa phương Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền. Các loại hoa mới “hội nhập” được triển khai trồng ở các địa phương như lan mocara (Thái Lan), ly ly (Hà Lan), tuy lip (Đài Loan)… Đơn vị này khuyến cáo các HTX, người trồng hoa tiếp tục điều tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, hiệu quả khi thời tiết tạnh ráo.

Hà Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang