• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi: Dễ hay khó?

Nguồn tin:  Báo Bình Phước, 18/02/2016
Ngày cập nhật: 19/2/2016

Sản phẩm làm ra không ai mua, bị thương lái ép giá, không lấy được vốn hoặc lỗ nặng… là khó khăn chung của nông dân Bình Phước hiện nay. Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất từ chăn nuôi đến trồng trọt để sản phẩm có đầu ra ổn định là một trong những yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp khi triển khai xây dựng chuỗi liên kết.

Triển khai nhiều, nhưng...

Để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã chủ động kêu gọi hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp, làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông nhằm xây dựng các chuỗi liên kết cây trồng, vật nuôi. Điển hình như: Trồng thử nghiệm giống lúa lai (BTE-1) năng suất cao; ghép cải tạo vườn điều năng suất thấp; tưới nước hòa phân tiết kiệm trên cây điều; mô hình trình diễn heo đực giống tại xã Thanh Lương (Bình Long), phường Sơn Giang (Phước Long); kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP (GAHP - giải pháp thực hành chăn nuôi an toàn) trong nông hộ.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư kiểm tra vườn ươm của tổ hợp tác trồng ca cao ở xã Tân Hưng (Đồng Phú)

Tỉnh Bình Phước đã, đang “trải thảm đỏ” để mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, chế biến tạo nên chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn của người tiêu dùng nhằm nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đơn thuần đã chuyển sang ứng dụng gắn với yếu tố thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa, bán nông nghiệp, điển hình như dự án chuỗi cung ứng tiêu bền vững (được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam).

Hiện Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng được 3 câu lạc bộ tiêu bền vững tại xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh); thực hiện thành công Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững (SNV) tại 2 huyện Bù Đốp và Lộc Ninh; thành lập 15 câu lạc bộ nông dân trồng tiêu ở 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Hớn Quản với 627 hộ tham gia. Đến nay đã có nhiều hộ sản xuất đạt 10 tiêu chí theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (R.A) của Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đưa ra và được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 đồng/kg trở lên.

Mô hình chăn nuôi bò khép kín quy mô hộ gia đình của anh Nguyễn Thành Tuấn ở tổ 7, xã Minh Hưng (Chơn Thành) đang là cách làm cho thu nhập cao

Trung tâm còn phối hợp với Công ty TNHH sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Tân Đồng Tiến và Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ gấc Tây Nguyên phát triển chuỗi gấc. Hai đơn vị đã cung cấp giống, phân bón theo hình thức trả trước 50% và tư vấn kỹ thuật cho các hộ đăng ký trên địa bàn 3 huyện: Bù Gia Mập, Đồng Phú, Lộc Ninh và thị xã Đồng Xoài, quy mô khoảng 31,5 ha cho 47 hộ. Giai đoạn 2015 - 2016, trung tâm dự kiến triển khai trồng khoảng 100 - 150 ha gấc, chia thành các cụm nông dân, có kỹ sư của trung tâm phụ trách theo dõi, hỗ trợ. Tuy nhiên, sau thời gian trồng, bên cạnh diện tích đang cho trái ổn định, một số hộ trồng gấc ở xã Tân Lợi (Đồng Phú) lo lắng vì phần lớn là giống đực nên không thể ra trái. Số cây cho trái bị thối đen ngay trên cành hoặc chết. Vì vậy, nông dân trồng gấc với diện tích lớn đang phải chặt bỏ để trồng lại giống cái. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ cây giống, kỹ thuật kịp thời để nông dân yên tâm xuống giống vụ mới.

Thời gian qua, trung tâm cũng phối hợp với các công ty Cargill, Mars Incorporated, Ca cao A1 lựa chọn 150 nông dân đang trồng ca cao để chuyển giao gói kỹ thuật về năng suất và tuyển chọn 300 nông hộ làm mô hình trình diễn ca cao trên diện tích 300 ha. Trung tâm đang thực hiện mô hình tạo chuỗi giá trị liên kết trong chăn nuôi gà theo hướng VietGAHP quy mô nông hộ; liên kết trồng chuối nuôi cấy mô; nhân rộng chăn nuôi ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao như nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học; nuôi bò kết hợp đồng cỏ và chế biến thức ăn gia súc...

Khi doanh nghiệp và nhà nông chưa có tiếng nói chung

Việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nông trong chuỗi liên kết là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện do thiếu chế tài ràng buộc nên sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở dạng mô hình, tổ hợp tác. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, khiến liên kết thiếu bền vững.

Mới đây, người nuôi gà ở xã Thanh Lương (Bình Long) điêu đứng khi cung vượt cầu dẫn đến gà thương phẩm rớt giá. Mặc dù các tổ hợp tác đã chủ động liên kết với công ty cung cấp thức ăn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi gà đến lứa xuất chuồng. Thế nhưng sự hợp tác suôn sẻ chỉ được thời gian đầu. Khi cung vượt cầu, công ty không bao tiêu sản phẩm nên phần thiệt người chăn nuôi phải gánh chịu.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho rằng: “Hiện nay, việc tổ chức liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm rất khó do làm ăn nhỏ lẻ. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi. Đó là lý do khiến tính liên kết thiếu bền vững. Bên cạnh đó, chăn nuôi an toàn đang phải cạnh tranh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Thực tế, muốn tham gia vào chuỗi liên kết bền vững, nông dân phải có tiềm lực về kinh tế, kỹ thuật, tầm nhìn xa. Các thành viên tham gia trong chuỗi phải giữ chữ tín và chia sẻ khó khăn, lợi nhuận với nhau thì chuỗi mới hoạt động bền vững”.

Từ các mô hình đã thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, chuỗi liên kết trên lý thuyết được xem như một “liều thuốc” đem đến hiệu quả cao cho cả nhà nông và doanh nghiệp nhưng khi áp dụng vào thực tế xem ra không hề đơn giản khi tất cả các phía đều muốn giành lợi ích về mình.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh lựa chọn triển khai các mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới nhằm tăng hiệu quả sản xuất, đổi mới giống như nuôi bò Úc; trồng chuối nuôi cấy mô; máy chế biến thức ăn đa năng kết hợp lên men ủ chín thức ăn nhằm tận thu các sản phẩm sẵn có; khảo sát các vùng nguyên liệu về sản xuất cây ăn trái có thế mạnh của địa phương như điều, ca cao, quýt đường, bơ, chôm chôm, sầu riêng... để định hướng cho các hộ sản xuất theo hướng VietGAP.

Ngân Hà

Các tin mới:

19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016
19/2/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang