• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phải sớm 'khai tử' Carbendazim!

Nguồn tin:  Nông Nghiệp VN, 27/12/2016
Ngày cập nhật: 29/12/2016

Liên tiếp trong những năm gần đây, tồn dư Carbendazim (một hoạt chất thuốc BVTV) là “thủ phạm” ảnh hưởng nghiêm trọng tới XK nhiều loại nông sản của Việt Nam.

Trước tình hình này, nhiều luồng quan điểm đang cho rằng, phải sớm loại bỏ hoạt chất này khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Mật ong khốn đốn ở Mỹ

Tại thị trường Hoa Kỳ, Carbendazim đang là thủ phạm gây ra nhiều phiền toái đối với rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam XK sang nước này, đặc biệt là XK sản phẩm mật ong của Việt Nam từng nhiều năm khốn đốn do tồn dư Carbendazim.

Ngành ong nhiều năm điêu đứng vì tồn dư Carbendazim

Theo số liệu của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị phát hiện dư lượng Carbendazim, trong đó có thanh long, rau các loại, nhãn, ớt, mật ong, hoa artiso, ổi và xoài thái lát sấy…

Theo tổng hợp của Hiệp hội ong Việt Nam, năm 2011 đã có tới 20 container mật ong của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ bị FDA bắt buộc trả về do phát hiện dư lượng Carbendazim. Điều đáng nói, Hoa Kỳ lại là thị trường XK mật ong chủ lực hiện nay của Việt Nam và đang có xu hướng phải co lại do những ảnh hưởng tiêu cực của việc tồn dư Carbendazim.

Cụ thể nếu như năm 2014, Việt Nam đã XK sang Hoa Kỳ với sản lượng tới hơn 47.000 tấn mật ong, kim ngạch khoảng 120 triệu USD, chiếm 95% tổng lượng mật ong XK của Việt Nam thì tới năm 2016, lượng mật ong XK vào thị trường nước này chỉ còn 37.000 tấn, giảm 10.000 tấn.

Một trong những nguyên nhân khiến mật ong Việt Nam ngày càng đánh mất vị thế tại thị trường Hoa Kỳ là do quy định của FDA không chấp nhận tồn dư của hoạt chất Carbendazim được phân tích thấy trong mẫu mật ong của Việt Nam (hiện nay Hoa Kỳ là một trong số nhiều nước đã cấm sử dụng Carbendazim, và không cho phép tồn dư trên nông sản NK).

Mặc dù từ năm 2012 đến nay, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần làm việc và đề nghị Mỹ nâng mức quy định về dư lượng Carbendazim trong mật ong NK lên nhưng vẫn chưa được nước này chấp thuận.

Vì vậy cho tới nay, tất cả các lô mật ong của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ đều đang bị FDA kiểm tra gắt gao về dư lượng thuốc BVTV, đặc biệt là Carbendazim, trong đó có rất nhiều lô hàng không thể XK do tồn dư của hoạt chất này ở mức ở mức từ 11-500µg/kg.

Nguồn mật ong XK của Việt Nam hiện nay chủ yếu được thu hoạch từ hoa của cây điều, cà phê, cao su, chôm chôm, nhãn, vải. Hàng vạn tấn mật ong thu hàng năm từ các nguồn hoa này bị trả về đã gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của mật ong Việt Nam.

Nông sản lao đao ở EU

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), năm 2016, Bộ Y tế Tây Ban Nha đã gửi công hàm thông báo về việc Ủy ban châu Âu (EC) ban hành lệnh cảnh báo đối với hạt tiêu Việt Nam sau khi phát hiện hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong lô hàng hạt tiêu đen.

Carbendazim là thủ phạm “phá hoại” nhiều loại nông sản XK của Việt Nam, trong đó có “nạn nhân” là hồ tiêu

Đồng thời, sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc NK hạt tiêu đen từ Việt Nam tại các cửa khẩu của nước này. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có đảm bảo kiểm tra chất lượng chính thức từ nơi xuất xứ, kết quả kiểm tra các lần tới đạt yêu cầu, hoặc cho đến khi EC ban hành biện pháp kiểm tra chung cho các nước thành viên.

Theo báo cáo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, từ năm 2012 đến nay, hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam như: thanh long, chôm chôm, vải, rau, ớt, hạt tiêu, gạo... khi XK đã bị các nước châu Âu kiểm tra và cảnh báo về dư lượng các hoạt chất thuốc BVTV vượt quá mức cho phép, trong đó có Carbendazim. Mức tồn dư Carbendazim phát hiện được thấp nhất ở gạo là 0.037 mg/kg – ppm và cao nhất là ở rau cải bó xôi lên đến 24 mg/kg – ppm.

Nhiều loại rau quả XK cũng bị “bật đèn đỏ” vì dính Carbendazim

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện nay, các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Singapore với 35,2% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (36,7%), Tây Ban Nha (33,9%), Hàn Quốc (28,3%) và Anh (26,7%).

Từ năm 2015, EU bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu NK. Thông tin từ VPA, ngay trong quý I năm 2016 cũng đã có nhiều lô hàng XK tiêu của doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác trả lại, trong đó chủ yếu là tiêu thô (chiếm 85%). Nguyên nhân do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (tồn dư hoạt chất Carbendazim).

Tại Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế IPC lần thứ 42 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2014, ông Michio Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội Gia vị Nhật Bản đã gửi văn bản cảnh báo tới các DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam về việc, nếu không cam kết chất tồn dư Carbendazim gần bằng 0 thì Nhật Bản sẽ không NK tiêu của Việt Nam nữa!

Còn tại Mỹ, nước tiêu thụ hơn 24.500 tấn tiêu Việt Nam thì hoạt chất Carbendazim lại là chất cấm trong thực phẩm. Điều này có nghĩa nếu trong lô sản phẩm hồ tiêu có phát hiện Carbendazim (dù mức tồn dư cực nhỏ đi nữa) cũng đủ để họ không chấp nhận lô hàng, và như vậy nếu vẫn còn sử dụng Carbendazim trên hồ tiêu thì nguy cơ vướng dư lượng tại các nước NK là rất cao.

Tháng 12/2015, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã báo cáo có hơn 46% lượng tiêu đen và 9% lượng tiêu trắng của nước ta sau khi kiểm tra đã phát hiện dư lượng Carbendazim vượt ngưỡng 0.1ppm. Trong vòng 3 năm 2013-2015, tỷ lệ hồ tiêu Việt Nam có dư lượng Carbendazim tăng lên đáng kể: năm 2013 là 28%, năm 2014 là 74% và năm 2015 là 104%.

Mỹ và châu Âu (EU) hiện đều là các thị trường XK nông sản lớn của Việt Nam, tuy nhiên cũng lại là các thị trường khó tính với mức quy định về kiểm dịch rất chặt chẽ. Đây chính là rào cản khiến cho nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam khi đã sang đến nước bạn nhưng bị buộc phải tái xuất, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Trung Đông và các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam. Các hiệp hội trong nước như Hiệp hội Ong, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Trái cây Việt Nam hiện đang mong muốn Bộ NN-PTNT xem xét, tiến tới cấm sử dụng các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất Carbendazim nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường, đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường XK nông sản Việt Nam phát triển bền vững.

Carbendazim là hoạt chất BVTV được công bố lần đầu tiên năm 1973 và sau đó hoạt chất này được Công ty BASF, Hoeschst (nay là một phần của Công ty Bayer) và Công ty DuPont thương mại và phát triển.

Thuốc BVTV có hoạt chất Carbendazim được sử dụng để kiểm soát rất nhiều bệnh hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, ngoài ra nó còn được sử dụng để xử lý hạt giống trước khi gieo trồng hoặc bảo quản nông sản sau khi thu hoạch.

Carbendazim là hoạt chất thường được sử dụng trong các loại thuốc diệt nấm thuộc nhóm benzimidazole, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hại thực vật.

Nhóm này bao gồm các hoạt chất Benomyl, Carbendazim, Fuberidazole và Thiabendazole. Carbendazim cũng là chất chuyển hóa chủ yếu của Benomyl và Thiophanate-methyl khi bị phân hủy trên thực vật, trong nước và ở ngoài môi trường.

LÊ BỀN

Các tin mới:

29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang