• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Miền Trung sau lũ: Tất bật khôi phục sản xuất

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng, 28/12/2016
Ngày cập nhật: 29/12/2016

Các tỉnh miền Trung đang khắc phục mọi khó khăn để phục hồi hoạt động sản xuất vụ đông xuân sau những trận lũ lịch sử. Trên nhiều cánh đồng, không khí lao động sản xuất hết sức khẩn trương nhằm hy vọng một cái tết tươm tất, đầy đủ.

Tập trung hỗ trợ người dân

Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm 1.500ha cây vụ đông bị thiệt hại, địa phương này đang ưu tiên phát triển hoa màu ở những vùng đất cao ráo. Tại huyện Thạch Hà, mưa lũ làm hơn 100ha rau màu vụ đông bị chết. Để bù đắp thiệt hại, huyện sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ đông xuân từ 400ha lên 600ha màu.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết, tỉnh xuất gần 4 tỷ đồng tiền giống để nông dân các huyện miền núi mua giống bắp nếp, cũng như mua giống lúa, rau màu cấp cho người dân nhằm có rau xanh trong thời gian ngắn nhất.

Vụ đông xuân này, người dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị), gặp nhiều khó khăn vì thiếu giống để gieo, đặc biệt là sắn, lúa, cỏ cho gia súc, rau sạch… Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ cho biết: Hiện tại chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh, các sở ban ngành xem xét hỗ trợ kinh phí để người dân mua các loại giống như: cá, lúa, gia cầm, lạc, bắp; sửa chữa khắc phục lại các công trình thủy lợi, kênh mương, trạm bơm, xử lý bồi lấp và xói lở mặt ruộng… để khôi phục lại các hoạt động sản xuất của người dân.

Lãnh đạo huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã kiến nghị: Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan, Chính phủ cần có hướng hỗ trợ về tiền mặt để người dân có thể chủ động tìm giống tái sản xuất sao cho phù hợp với đặc trưng vùng, lịch thời vụ. Đặc biệt, cần tăng mức hỗ trợ cho nhà nông, bởi lẽ mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha là quá thấp so với những mất mát quá lớn của nông dân phải gánh chịu trong những đợt lũ vừa qua.

Tại các tuyến kênh B2 Núi Ngang, kênh chính Thạch Nham... Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã huy động phương tiện và lực lượng để nạo vét, gia cố một số điểm bị sạt lở, bồi lấp, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Nông dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) khẩn trương làm đất để xuống giống cho kịp thời vụ sau khi lũ rút. Ảnh: Nguyễn Trang

Sản xuất các loại cây phục vụ tết

Tại Thừa Thiên - Huế, hàng ngàn hộ dân vùng lũ có nghề trồng hoa đang nỗ lực khôi phục những cánh đồng hoa, rau màu bị hư hại trong mưa lũ. Trong đó, đẩy mạnh cày xới đất đai cũng như tìm mua các loại giống để trồng vụ tết đang được người dân ưu tiên. Năm nay, gia đình ông Lê Văn Lự, thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang trồng khoảng 40.000 gốc các loại, trong đó dự kiến cung cấp cho thị trường tết khoảng 15.000 gốc với nhiều chủng loại khác nhau như: cúc, thược dược, hải đường, ly, đồng tiền, lan... Ông Lự cho biết: “Với số lượng vườn hoa được khôi phục, cuộc sống sẽ bớt khó khăn sau mưa lũ”.

Tại Hà Tĩnh, ngoài các vùng chuyên canh hoa ở vùng lũ, các cánh đồng bắp và hoa màu cũng dần được khôi phục để người dân vượt qua khó khăn do mưa lũ. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh), tính đến nay các địa phương vùng bị lũ lụt đã khôi phục, gieo lại được 300ha bắp lấy hạt, 710ha bắp sinh khối; 558ha rau màu các loại; 130ha khoai lang…

Ông Đoàn Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi, cho biết: lượng giống của đơn vị hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của người dân. Chi nhánh Vietcombank Quảng Ngãi vừa hỗ trợ người dân các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và Bình Sơn 12 tấn lúa giống, 150 gói ớt giống, góp phần chia sẻ tình trạng “khát” giống của nông dân các địa phương trên. Các đơn vị kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chương trình “bán trước trả sau”.

Mô hình trồng cây giống trên giàn đã giúp người dân Đại Lộc (Quảng Nam) chủ động được nguồn giống sau lũ

Trong khi các địa phương đang loay hoay tìm nguồn giống để khôi phục sản xuất sau lũ thì ngay tại vùng “rốn lũ” Đại Lộc (Quảng Nam), người dân đã có sáng kiến làm giàn rau giống trên cao để tránh lũ nên sau khi lũ rút, người dân yên tâm bắt tay vào vụ mới. Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Phước Yên, xã Đại An, Đại Lộc) làm 3 tầng giống hoa màu với diện tích 10m2, chia làm 40 khay đựng các loại giống cây ớt, khổ qua, bí… Giàn rau giống được làm cao cách mặt đất khoảng từ 1-3m, tùy vào vùng ngập nước. Các khay đựng giống được làm bằng tre đan, có thể chứa nhiều giống và dễ di chuyển. Nhờ thế, không những chủ động về nguồn giống mà bà con ở đây còn cung ứng cho nhiều người khác. Mô hình này đang được bà con các vùng khác đến tham quan học hỏi.

Hơn 270.000 người sẵn sàng ứng cứu sự cố mưa lũ

Bản tin cập nhật vào tối 27-12 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, tâm bão số 10 (Nock-ten) đã ở vào khoảng 14,7 độ vĩ Bắc và 115,6 độ kinh Đông, chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giảm còn cấp 8, giật cấp 10-11. Từ ngày 28-12, bão số 10 đổi hướng di chuyển sang hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và dần suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương Nam Trung bộ diễn ra vào ngày 27-12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương không được chủ quan trong ứng phó bão số 10, đặc biệt lưu ý mưa lớn do hoàn lưu bão, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hiện đã chuẩn bị lực lượng gồm 273.000 người, trong đó lực lượng quân đội 44.000 cán bộ, chiến sĩ; 8 trực thăng, 258 tàu và gần 1.000 xuồng các loại sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn khi có mưa lũ.

NHÓM PV

Các tin mới:

29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang