• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp ở Cam Nghĩa

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị, 22/12/2016
Ngày cập nhật: 24/12/2016

Thời gian qua, nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và tận dụng tối đa lợi thế từ vườn rừng, vườn đồi, chính quyền và người dân xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp. Đến nay, nhiều hộ gia đình nơi đây từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ các trang trại, gia trại và cơ sở khai thác, chế biến cao dược liệu…

Xã Cam Nghĩa có địa hình gò đồi bán sơn địa với diện tích đất tự nhiên 5.856 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.055 ha và đất trồng cây công nghiệp là 2.402 ha. Nghề khai thác và chế biến các loại cây dược liệu ở Cam Nghĩa hình thành từ lâu và đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình. Đầu năm nay, xã Cam Nghĩa thành lập làng nghề truyền thống khai thác, chế biến cây dược liệu ở 2 thôn Định Sơn và Nghĩa Phong theo quyết định của UBND tỉnh. Hiện nay, nhiều hộ dân hành nghề khai thác và chế biến cao dược liệu như cao chè vằng, trà hà thủ ô… trong đó có gia đình anh Nguyễn Văn Anh (47 tuổi) ở thôn Định Sơn. Chúng tôi có dịp đến nhà anh gặp lúc anh đang chuẩn bị nấu mẻ cao chè vằng mới. Anh cho biết làm nghề nấu cao dược liệu từ năm 2002 đến nay, sản phẩm của anh bán ra khắp các tỉnh miền Trung. Anh chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, nhà tôi bán gần 2 tấn cao dược liệu các loại như cao chè vằng, cao lá chó đẻ, trà hà thủ ô… Vì nguyên liệu cây dược liệu có sẵn ở rừng tự nhiên, tôi vừa khai thác vừa chăm sóc, bảo vệ nên luôn đảm bảo. Việc nấu cao cũng dễ, vừa làm vừa học hỏi rồi tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều nấu cao dược liệu. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 1 sào nghệ vàng, 0,5 ha cao su đã cho khai thác và 0,5 ha sắn cao sản. Thu nhập trung bình mỗi năm cũng trên 100 triệu đồng”.

Vườn nghệ sắp thu hoạch của người dân ở xã Cam Nghĩa, Cam Lộ

Cách nhà anh Nguyễn Văn Anh không xa là gia trại của anh Lê Văn Huấn. Nhận thấy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương thuận lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt, anh Huấn ở thôn Định Sơn quyết tâm gầy dựng gia trại để chăn nuôi bò, thỏ, gà, ngan… Anh Huấn là công nhân của Công ty CP nông sản Tân Lâm nên trước đây ít chú trọng đến việc trồng trọt, chăn nuôi. Sau khi được hội nông dân các cấp tuyên truyền, vận động, đến đầu năm 2013, anh huy động các nguồn vốn để mua 3 con bò giống về nuôi thử nghiệm. Nhờ có nguồn rau, cỏ tươi dồi dào từ vùng gò đồi và dưới cánh rừng cao su của gia đình nên đàn bò lớn nhanh, sinh sản tốt. Mới đây, anh được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện cho vay vốn để chăn nuôi bò nái lai sinh sản. Đến nay, đàn bò của anh có 8 con, đều sinh trưởng khỏe mạnh. Anh còn xây chuồng trại để nuôi thỏ. Lúc cao điểm, đàn thỏ của anh có trên 100 con. Hiện tại, anh nuôi 50 con thỏ bố mẹ, thỏ giống được anh bán ra thị trường trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó, anh còn nuôi thêm gà, ngan, ngỗng để lấy ngắn nuôi dài. Tận dụng diện tích đất trống quanh vườn nhà, anh Huấn trồng thêm 100 gốc tiêu và trồng xen sắn dưới tán rừng cao su. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm anh Huấn thu lãi ròng gần 150 triệu đồng.

Năm 2011, anh Trần Văn Khánh (54 tuổi), Chi hội trưởng nông dân thôn Hoàn Cát đầu tư xây dựng vườn ươm tiêu giống rộng 500m2. Một năm sau, từ nguồn tiêu giống của gia đình, anh bắt đầu trồng tiêu lấy hạt và cung ứng tiêu giống ra thị trường. Nguồn giống hom được anh ra tận Vĩnh Linh chọn lựa kỹ càng rồi về ươm. Đến nay, vườn tiêu 400 gốc của anh đã được 4 năm tuổi. Vườn ươm tiêu giống của anh cung ứng tiêu giống cho các hội viên nông dân và thị trường trong tỉnh. Anh Khánh cho biết, trung bình mỗi năm anh bán ra thị trường vùng Cùa khoảng 7.000 bầu tiêu giống với giá 12 ngàn đồng/bầu. Một bầu tiêu giống đạt chất lượng phải đáp ứng đủ 2 hom, 5 lá và có chiều cao cây từ 35cm trở lên. Vừa qua, vườn tiêu nhà anh cho thu hoạch vụ đầu tiên thu được 1 tạ tiêu khô. “Năm nay, vườn tiêu nhà tôi sẽ cho trái nhiều hơn năm ngoái. Vì qua 5 năm tuổi, tiêu mới bắt đầu cho trái nhiều. Ngoài vườn ươm tiêu giống và tiêu khai thác, tôi còn trồng thêm 2ha cao su (1ha đã cho khai thác), 6 sào nghệ vàng và nuôi thêm 4 con bò sinh sản, đàn gà lấy thịt 100 con và 2 hồ cá với tổng diện tích 1.500m2. Trung bình mỗi năm, nhà tôi thu về gần 250 triệu đồng”, anh Khánh nói.

Đến Cam Nghĩa những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt của vùng quê này qua màu xanh ngút ngàn của những vườn nghệ tốt tươi, những rừng cao su trải dài tít tắp, từng đàn bò, đàn dê hàng trăm con nhẩn nha gặm cỏ. Cơ sở hạ tầng ở Cam Nghĩa ngày càng được nâng cấp, kiên cố hóa. Người dân nơi đây đang vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương bằng những cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng gò đồi. Không chỉ có anh Anh, anh Khánh, anh Huấn mà rất nhiều gia đình khác có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ anh Nguyễn Văn Phê thu nhập 600 triệu đồng/năm ở thôn Phương An 1, hộ anh Trần Văn Ái thu nhập 750 triệu đồng/năm ở thôn Định Sơn, hộ anh Võ Văn Duyên thu nhập 600 triệu đồng/năm ở thôn Cam Lộ Phường, hộ anh Nguyễn Ngọc Xuân thu nhập gần 700 triệu đồng/năm ở thôn Cu Hoan…

Cùng chúng tôi đi thăm những vườn nghệ tươi xanh, cây cao ngang đầu người sắp cho thu hoạch, anh Nguyễn Anh Hai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa cho biết: “Với lợi thế về địa hình gò đồi có đất đỏ ba dan màu mỡ, diện tích gò đồi lớn cộng thêm sự đa dạng về tiềm năng sinh thái nên xã Cam Nghĩa có thế mạnh về trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu và chăn nuôi các loại gia súc lớn như trâu, bò, dê… Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 1.023 ha cao su (676 ha đã cho khai thác), 145 ha hồ tiêu, 32 ha nghệ, đàn trâu 282 con và đàn bò 626 con. Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác, triển khai những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả nên những năm qua, nhiều hộ dân trong xã từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, cải thiện đáng kể cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn người dân phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp để tận dụng tối đa lợi thế vườn rừng, vườn đồi, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

TRẦN TUYỀN

Các tin mới:

24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
24/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang