• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giá trị sản phẩm sau VietGAP còn bỏ ngõ!

Nguồn tin:  Trà Vinh, 07/12/2016
Ngày cập nhật: 8/12/2016

VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xây dựng và ban hành ngày 28/01/2008. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản… tham gia xây dựng mô hình VietGAP trong lĩnh vực nông nghiệp như cây màu, cây lúa, cây ăn trái cho các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tại các huyện: Cầu Kè, Trà Cú, Càng Long. Tính đến cuối tháng 11/2016, 100% mô hình VietGAP sau công nhận (lần đầu) đều không tái công nhận; gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước khi thực hiện VietGAP. Lý do đơn giản là phần lớn các sản phẩm từ mô hình VietGAP không bán đươc giá cao hơn so với sản phẩm thông thường.

Ông Nguyễn Văn Thân đã không còn mặn mà với mô hình thanh long VietGAP.

VietGAP xây dựng dễ… duy trì khó

Theo điều tra của chúng tôi, các mô hình thực hiện VietGAP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, chủ yếu do 03 đơn vị: Công ty TNHH công nghệ NHONHO (Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 6 (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) và Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 mô hình VietGAP đã được chứng nhận. Trong đó, huyện Cầu Kè nhiều nhất với 06 mô hình, huyện Càng Long có 03 mô hình. Riêng tại huyện Trà Cú đang trong giai đoạn triển khai VietGAP trên cây màu tại HTX nông nghiệp Thành Công. Nhờ chính sách khuyến khích của Nhà nước, chi phí để xây dựng mô hình VietGAP lần đầu được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước thông qua các cấp, sở, ngành và các Ban Quản lý Dự án. Được biết, đến nay đã có 05/10 mô hình VietGAP hết hạn mà không tiếp tục tái công nhận lần 2.

Tìm hiểu về nguyên nhân, ông Đỗ Văn Tài, nguyên Chủ nhiệm HTX măng cụt Tân Thành, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, cho biết: Khi thực hiện quy trình VietGAP công đoạn thực hiện không khó lắm, phần lớn do chính nhà vườn thực hiện. Sau khoảng 01 năm thực hiện và được phía công ty đến kiểm tra, nếu đáp ứng đầy đủ các quy trình đưa ra, sẽ được công nhận VietGAP. Từ khi được công nhận VietGAP đến nay, sản phẩm măng cụt của HTX vẫn bán với giá thông thường; đôi lúc nhà vườn làm măng cụt VietGAP lại bán thấp hơn so với măng cụt bên ngoài…Vì vậy, nhiều nhà vườn không còn mặn mà với VietGAP.

Nông dân Thạch Ren, Tổ trưởng THT Tân Châu ấp Ô Mịch, nói: Gia đình có 01ha sản xuất lúa thực hiện theo VietGAP. Qua 03 vụ sản xuất, chỉ vụ đầu sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu có giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg, nông dân làm VietGAP rất phấn khởi. Nhưng từ vụ thứ 2 trở đi, doanh nghiệp không còn bao tiêu sản phẩm, nông dân bán lúa ra ngoài, bằng với giá lúa thông thường. Từ đó, nông dân không mặn mà với lúa VietGAP. Nhận thấy sản phẩm lúa VietGAP giá trị kinh tế không cao, từ năm thứ 02 nhiều hộ không còn làm VietGAP, và việc tái công nhận cũng rơi vào quên lãng, các thành viên không đóng góp kinh phí để tái công nhận.

Nhà vườn Đồng Thị Mai Linh, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân cho biết: Gia đình có 0,7ha măng cụt tham gia VietGAP. Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhưng bán giá không cao, mà năng suất đôi lúc còn thấp hơn măng cụt không VietGAP.. Bây giờ mà kêu gọi các thành viên bỏ ra chi phí để tái công nhận VietGAP (khoảng 60% chi phí công nhận ban đầu, tương đương khoảng 60-70 triệu đồng), mỗi thành viên phải đóng góp 03-04 triệu đồng (tùy diện tích) sẽ rất khó.

Nhà vườn Nguyễn Văn Thân, Giám đốc HTX Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, cho chúng tôi biết: Trong 14 thành viên tham gia VietGAP, với diện tích 24,4ha; chỉ có 04 thành viên trong HTX trồng thanh long tại xã. Do mô hình VietGAP ghép manh múng, cách xa về diện tích và hộ, nên việc liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp khó; phía thu mua không chấp nhận khi diện tích VietGAP không tập trung, khó kiểm soát. Sau hơn 02 năm công nhận VietGAP, sản phẩm thanh long ruột đỏ được các nhà vườn tự đem bán và tìm mối tiêu thụ như bao trái cây khác. Vì vậy, không có chi phí “tích lũy” do hiệu quả từ sản phẩm VietGAP chưa mang lại, nên nhà vườn sẽ khó thực hiện trong góp vốn để tái công nhận lại VietGAP.

Lời giải cho sản phẩm VietGAP

Huyện Cầu Kè, là địa phương được các ngành “ưu ái” chọn “tiên phong” trong xây dựng mô hình VietGAP. Đến nay, đã có 03/06 mô hình VietGAP đã hết thời hạn, nhưng phải “đắp chiếu” do các THT không có kinh phí để đề nghị kiểm tra để tái công nhận. Theo ông Trương Văn Đệ, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè: Hiện nay, sản phẩm của THT sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp (DN), mà chủ yếu là bán cho các thương lái địa phương, không có sự chênh lệch về giá so với các sản phẩm cây trồng cùng loại. Nên các THT sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã hết thời hạn, nhưng không thực hiện việc tái công nhận trở lại; mặt khác, muốn tái công nhận lại (lần 2) cần bỏ ra một chi phí tương đối lớn, nên các thành viên không có chi phí để thực hiện việc tái công nhận.

Nói về hướng mở ra cho sản phẩm VietGAP, ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thực hiện sản xuất theo VietGAP là xu thế không thể tách rời trong sản xuất hiện nay, qua đó nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, xây dựng VietGAP không nên chạy theo phong trào, mà phải để cho từng người dân, THT hay HTX tự nguyện, thấy được hiệu quả khi sản phẩm có đầu ra và được liên kết với DN, khi đó nhu cầu sản phẩm phải đòi hỏi đáp ứng về vệ sinh an toàn thực phẩm hay truy xuất nguồn gốc…lúc đó xây dựng VietGAP sẽ không bị lãng phí, đầu ra sản phẩm đã có “điểm đến”.

Ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè nhận định: Sản phẩm VietGAP hiện còn bỏ ngõ, người tiêu dùng còn thờ ơ với sản phẩm VietGAP và giá trị sản phẩm nông sản VietGAP chưa phát huy hiệu quả, nên 100% sản phẩm VietGAP trên địa bàn huyện sau thời gian công nhận hết hiệu lực, đều không tái công nhận lại. Nguyên nhân, là không có kinh phí từ nguồn vốn “tích lũy” qua việc bán sản phẩm VietGAP, buộc các mô hình VietGAP phải kết thúc sau khi hết hạn công nhận, từ đó gây lãng phí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện công nhận VietGAP (lần đầu).

Để sản phẩm VietGAP không bị lãng phí, khi xây dựng mô hình cần đảm bảo đúng theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND, ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh Ban hành quy định về “Chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020”. Trong này, theo Khoản 5, Điều 6 về điều kiện hỗ trợ khi xây dựng VietGAP (có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm) tránh làm VietGAP tràn lan như hiện nay.

Một thực tế cho thấy, việc chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP phải thông qua một số tổ chức chứng nhận chất lượng. Ngoài khâu sản xuất đảm bảo các tiêu chí thì việc quản lý các chứng chỉ cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi lựa chọn, phân biệt các sản phẩm. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm VietGAP ban đầu quá khó khăn, việc chứng nhận VietGAP lại quá dễ. Riêng trong thời gian còn hiệu lực của sản xuất VietGAP việc thực hiện các quy định về thanh, kiểm tra, xử lí không được phân định cụ thể…Từ đó, người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm VietGAP nên đánh đồng như các sản phẩm an toàn khác. Theo ông Trang Tửng, Trưởng Phòng Kỹ thuật (Sở NN-PTNT): Nên chăng việc chứng nhận VietGAP cần phân định cho Sở NN-PTNT đảm nhận, vừa góp phần làm giảm đi chi phí cho nông dân, THT, HTX khi xây dựng VietGAP và thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra, xử lý sau công nhận….

Hiện nay, nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan thị trường làm cho người tiêu dùng lo sợ khi chọn mua thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng không ngại khi bỏ thêm một khoảng tiền (05 -10%) để mua, nếu biết chắc là sản phẩm sạch. Thế nhưng sản phẩm VietGAP của nông dân Trà Vinh hiện nay đa số vẫn bán với giá bình thường. Nghịch lý này từ đâu?

HỮU HUỆ

Các tin mới:

8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016
8/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang