• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản Lâm Đồng "đối mặt" hàng ngoại nhập

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng, 15/11/2016
Ngày cập nhật: 16/11/2016

Mặc dù là nơi cung cấp nông sản lớn và đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”, nhưng nông sản Lâm Đồng vẫn phải đối phó với việc “hóa phép” nông sản Trung Quốc thành hàng Đà Lạt.

Rau Đà Lạt vẫn không ngừng khẳng định mình bằng chất lượng. Ảnh: D.Thương

Nông sản Trung Quốc được một số doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhập về rồi “tráo” nhãn mác thành rau Đà Lạt xuất đi các nơi đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, điều đó không những tạo ra một “cuộc chiến” về giá mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của nông sản Lâm Đồng.

Bị giả nhãn hiệu ngay trên sân nhà

Vào đầu tháng 11, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan có liên quan huyện Đơn Dương đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Đài Xuân Ái, tại thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) - một địa chỉ phân phối hàng nông sản có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy phép xây dựng nhà xưởng nhưng vẫn hoạt động thu mua hành tây, khoai tây, cải thảo, hành tím có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bình quân mỗi ngày cơ sở này sơ chế đóng gói 16 tấn rau các loại, sau đó xuất khẩu sang Campuchia và một số ít tiêu thụ trong nước. Thế nhưng đơn vị này không có đầy đủ các thủ tục xuất bán nông sản dẫn đến bị Đoàn kiểm tra lập biên bản và tạm đình chỉ hoạt động.

Câu chuyện trên khiến chúng ta nhớ đến vụ việc đã xảy ra đối với khoai tây, cà rốt Đà Lạt. Ngay tại xứ khoai tây, cà rốt, nhưng những chủ vựa nông sản Đà Lạt đã nhập khoai tây, cà rốt Trung Quốc về rồi “hóa phép” xuất đi các nơi với mác nông sản Đà Lạt. Vì lợi nhuận, nhiều chủ vựa tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương,… vẫn nhập nông sản Trung Quốc với giá rất rẻ, chất lượng khó quản lý để đánh tráo thành nông sản Đà Lạt rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Một “cuộc chiến” cho nông sản Lâm Đồng đang diễn ra trên chính sân nhà.

Một số người quan tâm tới vấn đề này cho biết, nông sản Đà Lạt và Trung Quốc không có sự khác biệt lớn về hình thức nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng chính hiệu, đâu là hàng giả nhãn mác. Nhiều mặt hàng nông sản Trung Quốc như bắp cải, bông cải, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, cà chua… được các cơ sở kinh doanh nhập vào thị trường Lâm Đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng nông sản tại địa phương.

Theo ông Phạm Vĩnh Phước - Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ: “Vấn đề này cũng khá nan giải, vì nhiều doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc về nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra họ vẫn xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán. Một số nông sản được mang đi kiểm tra vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép. Chúng tôi chỉ xử phạt, xử lý được các trường hợp giả nhãn mác, thương hiệu rau Đà Lạt”.

Bảo vệ thương hiệu là bảo vệ nền nông nghiệp Lâm Ðồng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích trồng rau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng nhanh từ 40.941 ha năm 2011 lên 57.210 ha vào năm 2015, tăng 28,44%; sản lượng 1.935 triệu tấn, trong đó, huyện Đơn Dương là nơi sản xuất rau chủ lực của tỉnh, chiếm khoảng 45% diện tích và 50% sản lượng. Phân theo nhóm rau ăn quả (cà chua, ớt ngọt, dưa leo...) chiếm 27%; nhóm rau ăn lá (bắp cải, cải xanh, bó xôi...) chiếm 48%; nhóm rau ăn hoa (atiso, súp lơ...) chiếm 5% và nhóm rau ăn củ (khoai tây, củ dền, cà rốt...) chiếm 20%. Các vùng chuyên canh rau, củ của Lâm Đồng chủ yếu phân bố tại TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương.

Ông Nguyễn Công Thừa - Giám đốc Hợp tác xã Anh Đào, Đà Lạt cho biết: Hiện tại, giá cà chua rất cao khoảng 25.000 đồng/kg, bó xôi trên 35.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg, bắp cải giá khoảng 10.000 đồng/kg, súp lơ 20.000 đồng/kg, riêng giá bông atisô tăng cao với giá bán tại chợ 120.000 - 150.000 đồng/kg... Nhiều mặt hàng nông sản tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường và có nguy cơ khan hiếm mà nguyên nhân là do thời tiết gần đây mưa lớn thường xuyên làm ảnh hưởng đến sản lượng rau, củ địa phương. Hàng hóa khan hiếm, giá lại tăng cao, nên nhiều doanh nghiệp nhập hàng ngoài về để thu lợi nhuận là điều khó có thể tránh khỏi. Vấn đề là việc quản lý thương hiệu nông sản đến “chợ” vẫn chưa tốt nên làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu nông sản Đà Lạt và từ đó người nông dân, doanh nghiệp chân chính cũng bị thiệt hại nặng nề.

Để giải quyết vấn đề “mập mờ” trong sử dụng thương hiệu rau Đà Lạt, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thì không phải chỉ lực lượng chức năng cần làm tốt công tác quản lý chất lượng, quyền nhãn hiệu… mà cần sự vào cuộc của cả xã hội.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, các doanh nghiệp, tiểu thương phải nhận thức được rằng, việc này có lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Lâm Đồng. Việc người tiêu dùng mất lòng tin sẽ khiến cho không chỉ nông dân mà cả những người kinh doanh chịu thiệt hại nặng nề.

Vẫn biết trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt, nông sản Lâm Đồng phải không ngừng khẳng định mình bằng chất lượng để tiến ra các thị trường lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, ngay chính tại sân nhà, nông sản Lâm Đồng cũng đang phải “đối phó” với việc “đánh tráo thương hiệu” một cách phi lý như vậy thì phần thua thiệt chắc chắn sẽ thuộc về nông sản Lâm Đồng. Để bảo vệ thương hiệu cho nông sản Lâm Đồng, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý. Và hơn hết, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cần nhận thức được rằng, việc bảo vệ uy tín, nhãn hiệu nông sản Lâm Đồng là bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng với uy tín đã được gây dựng bao lâu nay.

DIỄM THƯƠNG

Các tin mới:

16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016
16/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang