• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mở lối cho nông nghiệp ĐBSCL

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 12/11/2016
Ngày cập nhật: 14/11/2016

Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, nhiều tiềm năng nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước những thách thức lớn. Cơ giới hóa nông nghiệp chậm, lao động trong nông nghiệp dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, đầu tư công nghệ cho chế biến nông sản thấp, chưa có nhiều sản phẩm tinh chế, công nghệ cao… Những thách thức này đòi hỏi ĐBSCL phải thay đổi căn cơ trong sản xuất và đầu tư cho nông nghiệp.

Phải thay đổi từ gốc

Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ hợp tác cùng Công ty TNHH SIEMENS Việt Nam để phát triển Phòng Kiểm chứng Công nghệ tự động hóa phục vụ ươm tạo doanh nghiệp. Ảnh: MINH HUYỀN

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Trong ảnh: Doanh nghiệp đóng hàng gạo vào container để xuất khẩu tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

ĐBSCL đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp cho cả nước. Mặc dù có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, nhưng thời gian qua việc đầu tư, khai thác kinh doanh trong các lĩnh vực này chưa đạt kết quả như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân hạn chế được nêu ra như: khoa học, công nghệ, quản trị kém; tỷ lệ cơ giới hóa thấp. Tính riêng về sản xuất lúa, tỷ lệ cơ giới hóa hiện chỉ đạt 65% trong khâu thu hoạch lúa; nếu tổng sản lượng bình quân 18 triệu tấn lúa/năm, tỷ lệ thất thoát 12%, thì nông dân ĐBSCL đã mất khoảng 3.200 - 3.600 tỉ đồng. Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL có lợi thế về thời tiết, đất đai và lao động. Song, xu hướng tiêu dùng trong nước, ngoài nước đang hướng đến sản phẩm có chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên và nhu cầu tăng đối với sản phẩm chế biến sẵn. Là ngành kinh tế quan trọng, nông nghiệp chiếm 20% GDP, hơn 40% lao động, dù đạt mức tăng chậm trong thời gian qua, nhưng dự báo khả năng tăng trưởng tốt trở lại thời gian tới sẽ thúc đẩy những đầu tư mới cho nông nghiệp.

Cơ cấu GRDP của vùng năm 2015, khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33%, tại ĐBSCL hiện đã hình thành một số chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản có kim ngạch trên 1 tỉ USD/năm như: gạo, cá tra, tôm. ĐBSCL được xem là trung tâm nông nghiệp quốc gia, chiếm 42% giá trị nông lâm nghiệp, thủy sản cả nước; hơn ½ sản lượng lúa và gần 60% sản lượng thủy sản. Sức tiêu dùng chiếm 19,6% tổng mức cả nước, với dân số khoảng 20 triệu người. Từ những con số này cho thấy, ĐBSCL không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp mà còn là thị trường tiêu thụ lý tưởng của các doanh nghiệp. Có nhiều kỳ vọng về sự thay đổi của vùng thời gian tới, khi cơ sở hạ tầng giao thông (cảng biển, đường bộ, đường hàng không) và dịch vụ hậu cần logistics đang được đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện. Nhiều địa phương đã xây dựng những dự án nông nghiệp công nghệ cao để mời gọi đầu tư, nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tại MekongInvest 2016 diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 11-11-2016, một số ý kiến của lãnh đạo địa phương cho rằng, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL cần sự thay đổi mạnh mẽ trong khâu cơ giới hóa. Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng đất trù phú về sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng vùng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, cơ giới hóa nông nghiệp chậm, máy móc thiết bị nhập khẩu đắt đỏ; lao động lành nghề khu vực nông thôn thấp… là những trở ngại lớn cho quá trình cơ giới hóa. Ở một góc nhìn khác, ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho rằng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về gạo, thủy sản, hồ tiêu… với sản lượng lớn nhưng giá rẻ. Nếu vẫn tiếp tục như thế này thì càng làm cho nhà nông càng khốn khổ, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL. Không phải chỉ giải quyết vấn đề của sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới hóa, mà cần đầu tư đồng bộ về công nghệ cho hạt giống, phân bón, cách thức sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá bán. Doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn lòng hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL thay đổi căn bản về sản xuất nông nghiệp.

Kết nối các cơ hội

Với vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ được đánh giá cao trong mắt nhà đầu tư. Ông Trương Quang Hoài Nam cho biết, thành phố đã có những chương trình, dự án nâng cao cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để kêu gọi đầu tư. Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ đang phát huy hiệu quả thu hút đầu tư. Với chính sách ưu đãi cho 3 lĩnh vực: chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí chế tạo, thành phố rất mong muốn kết nối với các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đến với Cần Thơ.

Ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện JETRO tại TP HCM, khẳng định: "Cần Thơ có nhiều lợi thế so với các tỉnh trong vùng về hạ tầng giao thông, lao động… Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tìm hiểu và kết nối đầu tư vào thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi cần thông tin nhiều hơn về sự phát triển của các địa phương để có những quyết định đầu tư đúng đắn". Theo ông Koji Takimoto, khi đến làm việc, các địa phương thường giới thiệu với nhà đầu tư những khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến những mô hình sản xuất nông nghiệp thực tế từ hộ dân và muốn làm việc trực tiếp với lãnh đạo các địa phương để trao đổi yêu cầu cụ thể. Muốn phát triển nông nghiệp không thể làm riêng lẻ mà phải kết nối đầu tư, liên kết giữa các nhà sản xuất, cung ứng với nhau. Việt Nam và ĐBSCL có lợi thế về sản xuất nông nghiệp nhưng khi doanh nghiệp Nhật đến đầu tư thì gặp nhiều trở ngại về thời gian thực hiện thủ tục, giá đất cao và khó tìm được đất nông nghiệp diện tích lớn, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng đến vận chuyển nông sản. Thêm vào đó, lao động Nhật Bản còn bị đánh thuế rất cao… cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu so với Campuchia, Myanmar về chi phí lao động, số ngày nghỉ lễ, tỷ lệ biết chữ thì chúng tôi sẽ chọn Việt Nam- ĐBSCL để đầu tư vì chi phí lao động rẻ hơn, ngày nghỉ lễ ngắn hơn và tỷ lệ biết chữ cao hơn.

Theo thống kê của VCCI Cần Thơ, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại ĐBSCL thay đổi lớn trong những năm gần đây, nếu như nhiều thập niên qua ĐBSCL chỉ đạt bình quân 5% về tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam thì từ năm 2015 đã tăng rất mạnh đạt 13% và 9 tháng năm 2016 tiếp tục đạt mức 1,67 tỉ USD, chiếm 10,2% trong tổng vốn thu hút FDI của cả nước. Ông Võ Hùng Dũng cho rằng, ĐBSCL có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam. Mặt khác, chi phí lao động, tiền lương thấp phù hợp cho các ngành sử dụng nhiều lao động, nhưng nguồn lao động chất lượng cao cho các ngành công nghệ cũng sẵn sàng và đủ sức cung ứng cho các dự án công nghệ cao của các nhà đầu tư. Một khảo sát vừa qua của Tổ chức GIZ và VCCI đã nêu 8 lý do đề đầu tư vào ĐBSCL, như: tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư lý tưởng, kết nối giao thông trực tiếp và cơ sở hạ tầng hoàn hảo, lực lượng lao động hùng hậu, ngành nông nghiệp và thủy sản phát triển mạnh mẽ, thị trường tiêu dùng lý tưởng… và khẳng định đây là điểm đến mới cho nhà đầu tư. Với những diễn tiến đang có tại ĐBSCL thì trong tương lai không xa, vùng sẽ có nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch.

Tính đến tháng 10-2016, ĐBSCL thu hút 50 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn đăng ký 209,64 triệu USD. Hong Kong là vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nhiều nhất với 5 dự án, tổng vốn 67,93 triệu USD; Đài Loan 9 dự án, 41,98 triệu USD; Nhật Bản 5 dự án, 30,02 triệu USD; Úc 7 dự án, 19,85 triệu USD; Hoa Kỳ 2 dự án, 11,96 triệu USD; Israel 1 dự án, 5,2 triệu USD; còn lại là các quốc gia Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan...

ĐBSCL: Đưa ra 50 dự án nông nghiệp ưu tiên kêu gọi đầu tư

* Mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 3.200 - 3.600 tỉ đồng do thất thoát sau thu hoạch

Ngày 11-11, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp với Câu lạc bộ các Trung tâm xúc tiến ĐBSCL (MekongPC) tổ chức Hội nghị Đầu tư thường niên (Mekonglnvest) lần thứ 4 vào ĐBSCL với chủ đề: “Cơ giới hóa nông nghiệp và Đầu tư phát triển kỹ thuật thông minh”. Hội nghị đã đưa ra 50 dự án ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn 1.385 triệu USD để mời gọi các nhà đầu tư. MekongInvest 2016 có sự tham gia của 350 đại biểu, trong đó 70 khách mời quốc tế đến từ Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Hiệp hội Doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến và doanh nghiệp các nước: Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Singapore, Úc, Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel,… cùng lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Tại hội nghị này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam và của vùng ĐBSCL. Các nhà đầu tư cũng cam kết nếu có đầy đủ thông tin, dự án khả thi và phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư tại ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ- vị trí trung tâm của ĐBSCL đang có nhiều hấp lực với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 5 năm gần đây, nông nghiệp cả nước và ĐBSCL có xu hướng giảm. Nếu tính từ năm 1991 đến nay thì tăng trưởng khu vực I (nông, lâm, thủy sản) giảm trung bình 0,5% sau 5 năm. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP từ 20% năm 2010 hiện đã giảm xuống còn 18%. Thêm vào đó, sự thay đổi của nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp của người tiêu dùng trong và ngoài nước cũng tác động đến sản xuất nông nghiệp, do yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tác động của biến đổi khí hậu đang đặt ngành nông nghiệp trước những thách thức lớn, đòi hỏi phải tái cơ cấu toàn diện và có lộ trình cụ thể. Đặc biệt là bắt đầu từ khâu cơ giới hóa. Đây là khâu yếu nhất của sản xuất nông nghiệp. Theo Viện Lúa ĐBSCL, ước tính mỗi năm nông dân trồng lúa ở ĐBSCL mất từ 3.200 - 3.600 tỉ đồng do thất thoát sau thu hoạch. MekongInvest 2016 lần thứ 4 với chủ đề sát với thực tiễn mà vùng ĐBSCL đang cần. Theo Ban Tổ chức, qua 3 lần tổ chức, hội nghị thu hút được sự quan tâm của các tổ chức thương mại, xúc tiến quốc tế và các doanh nghiệp trong vùng để thúc đấy thương mại và hợp tác đầu tư.

Gia Bảo - Thu Hà

Các tin mới:

14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016
14/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang