• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Phát triển nông nghiệp hữu cơ, thông minh, hiện đại

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 23/10/2016
Ngày cập nhật: 25/10/2016

Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng cũng đang dần bộc lộ những hạn chế do tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên và gia tăng sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học và các chất kháng sinh, kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, trồng trọt. Để phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn mới, nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL cần tăng cường liên kết, đổi mới phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, hiện đại.

Suy giảm lợi thế

Để nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi, thời gian qua các địa phương trong vùng đã tăng cường thâm canh, tăng vụ sản xuất, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống mới. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại phân thuốc hóa học…cũng được tăng cường. Điều này đã giúp cho nông nghiệp trong vùng đạt được nhiều thành công về mặt sản lượng và phát triển sản xuất theo chiều rộng. Tuy nhiên, cũng gây ra những hệ quả xấu cho sức khỏe, môi trường.

Theo kết quả nghiên cứu của bà Nguyễn Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Việt Nam, từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở Việt Nam tăng khoảng 60% nhưng lượng phân bón tiêu thụ tăng tới 500%. Thời gian qua, nước ta cũng chi rất nhiều tiền để nhập các loại nguyên liệu hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học. Cụ thể, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2016 đã chi 9.000 tỉ đồng để nhập nguyên liệu và thuốc BVTV. Việc lạm dụng phân bón và thuốc BVTV đã góp phần đáng kể làm ô nhiễm, gây độc cho môi trường đất, nước, không khí, thiên địch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Hiện nay, Việt Nam là nước có tốc độ người mắc bệnh mới và chết vì bệnh ung thư thuộc diện cao hàng đầu trên thế giới, với mỗi ngày có hơn 200 người chết vì bệnh này.

Tưới nước cho cây trồng bằng hệ thống phun tưới tự động tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và sản phẩm chưa đảm bảo an toàn, chất lượng theo yêu cầu của hội nhập quốc tế cũng làm cho nhiều nông sản của ĐBSCL ngày càng khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cả ở nội địa. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, con người gia tăng các hoạt động ở thượng nguồn sông Mê Công khiến các nguồn tài nguyên nước và đất đai tại ĐBSCL bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ đó, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi, đe dọa đến sự phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp trong vùng đòi hỏi cần kịp thời điều chỉnh hướng phát triển phù hợp tình hình mới.

Chuyển hướng phát triển

Theo Giáo sư, tiến sĩ Dương Học Hải, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, bước sang thế kỷ 21, điều kiện đảm bảo phát triển bền vững trở thành yêu cầu cho tất cả các hoạt động của con người, trong đó có nông nghiệp. Vấn đề cả thế giới quan tâm là làm sao có thể mở rộng quy mô sản xuất, đưa vào thực tế những ngành, lĩnh vực nuôi, cấy, trồng giống mới mà vẫn bảo tồn được môi sinh, khí quyển, địa quyển, thủy quyển. Đến nay, con người đã đề xuất và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển để gầy dựng nên các nền nông nghiệp hiện đại như: nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, trong đó nông nghiệp hữu cơ là lĩnh vực được nghiên cứu phát triển rộng rãi. Đồng thời, nông nghiệp thông minh, với việc ứng dụng các giải pháp tưới tiêu nước tự động được điều khiển từ xa, phân bón nhả chậm, phân bón vi sinh, chiếu sáng nhân tạo và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch từ mặt trời và địa hạch…bước đầu cũng được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều nơi.

Tại hội thảo "Liên kết ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ phục vụ phát triển ĐBSCL" do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì, các nhà khoa học, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan đã giới thiệu nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thông minh hiện đại. Các giải pháp này không chỉ giúp ĐBSCL sử dụng tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu mà còn nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp nhờ phát triển sản xuất theo hướng "sạch" và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể như: giải pháp về ứng dụng các hệ thống đo lường và điều khiển thông minh trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ nano trong làm phân bón có tác dụng diệt trừ nấm bệnh; sấy nông sản tiết kiệm năng lượng bằng ứng dụng công nghệ bơm nhiệt; sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học và chế phẩm vi sinh…Theo ông Trần Tuấn Đức, Viện Cơ học và Tin học ứng dụng,Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, trong điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết và dịch bệnh như hiện nay, rất cần phải tăng cường nghiên cứu, áp dụng các hệ thống đo lường và điều khiển thông minh trong nông nghiệp để thay thế cách thức thủ công truyền thống. Các hệ thống này sẽ giúp đo lường chính xác điều kiện môi trường xung quanh và nhu cầu của từng loại cây trồng vật nuôi ở từng thời điểm để người làm nông biết phải làm gì một cách hợp lý và vừa đủ cho đối tượng mình chăm sóc. Từ đó, tối ưu hóa năng suất cây trồng vật nuôi, giảm được nhiều chi phí và rủi ro, giúp phát triển sản xuất bền vững.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Thị Cẩm Hà, Tư vấn của giám đốc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, nước ta còn rất dồi dào các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ nghiên cứu và phát triển các chế phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ để sản xuất ra những sản phẩm an toàn cho người Việt và xuất khẩu được vào các thị trường khó tính. Vấn đề là tất cả các bên liên quan cần tích cực vào cuộc và có sự liên kết chặt chẽ với nhau để triển khai thực hiện. Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin về nông nghiệp hữu cơ và tăng cường hỗ trợ người dân phát triển sản xuất cũng như có các giải pháp và công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng các loại nông sản.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng: Những năm gần đây do tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng với việc con người tác động vào dòng chảy sông Mê Công từ thượng nguồn, mùa nước nổi ở ĐBSCL không còn như trước, lưu lượng nước lũ giảm rất nhiều, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, năng suất và chất lượng lúa gạo, trái cây sụt giảm, tác động không nhỏ đến kinh tế nông nghiệp. Nguy cơ mất dần thế mạnh kinh tế nông nghiệp vốn có của vùng đồng bằng châu thổ này đang hiện hữu từng ngày. Thực tế đó cho thấy, việc phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thích hợp và hiện đại đang là vấn đề cấp bách.

Vùng ĐBSCL đã khẳng định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nhiều mặt hàng cho xuất khẩu. Với diện tích tự nhiên khoảng 40.000 km2, chiếm 12% diện tích của cả nước nhưng ĐBSCL đóng góp hơn 56% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu, khoảng 40% sản lượng và 60% giá trị xuất khẩu thủy sản cũng như đóng góp hơn 70% sản lượng trái cây cả nước.

Khánh Trung

Các tin mới:

25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016
25/10/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang