• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quyết chí thoát nghèo

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh, 20/09/2016
Ngày cập nhật: 21/9/2016

Thành công không đến một cách dễ dàng, trong quá trình gầy dựng cơ nghiệp, không ít lần ông Nhật cũng lâm vào cảnh thất bại. Lần đầu tiên ông móc ao nuôi cá và xây trại nuôi heo trên khu đất ruộng ngập nước, chưa được bao lâu thì đất nơi đó bị sụt lún. Ông gần như mất hết vốn…

Ông Nhật bên cạnh dãy hồ nuôi lươn.

Vài năm gần đây, trang trại chăn nuôi của ông Lê Tiến Nhật (sinh năm 1966) ở ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, học hỏi. Trang trại rộng 2 ha, xung quanh có rào chắn cẩn thận; đường vào khá thuận tiện. Cách trang trại không xa là cánh đồng rộng lớn, trong đó ông Nhật có 5 mẫu ruộng làm 3 vụ lúa mỗi năm.

Trang trại nuôi cả ngàn con heo thịt lẫn heo nái. Ngoài đàn heo, trang trại còn có mấy chục hồ nuôi lươn, chưa kể cả ngàn con chim bồ câu, vài trăm con gà, vịt và mấy cái ao nuôi cá. Nhờ chủ trang trại biết áp dụng hiệu quả mô hình VAC (vườn- ao- chuồng), phân chia từng loại vật nuôi ở từng khu vực riêng biệt, có chú trọng khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng nên mặc dù chuồng trại có quy mô khá lớn vẫn hạn chế được mùi hôi thối, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ở trang trại của ông Nhật nếu chỉ nhìn bên ngoài cũng thật khó phân biệt giữa ông chủ với những người làm công. Vào chuồng trại, ông chủ cũng quần áo lấm lem như bao người làm công khác ở đây. Tất tần tật mọi công việc ở trang trại ông Nhật đều trực tiếp làm, vừa làm vừa chỉ dẫn cho những người giúp việc. Những việc như tiêm thuốc ngừa bệnh, đỡ đẻ cho heo hay trộn thức ăn cho lươn… đều do chính tay ông Nhật hoặc vợ ông phụ trách. Ông chủ trang trại vui vẻ bảo: “Tôi không có bí quyết chăn nuôi gì, chỉ là làm riết thành quen, có kinh nghiệm, theo kiểu nghề dạy nghề và sống lâu lên lão làng thôi”.

Theo lời kể, trước kia gia đình ông Nhật rất nghèo, cha là liệt sĩ (hy sinh năm 1972), gia cảnh khó khăn, ông chỉ học tới lớp 8 là nghỉ ở nhà làm ruộng phụ mẹ nuôi các em. Sau đó, ông đi học bổ túc nhưng tới lớp 11 thì lại phải nghỉ vì cảnh nghèo. Có thời gian ông từng làm việc tại Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bến Cầu nhưng được khoảng 6 năm thì nghỉ vì đồng lương không đủ nuôi vợ con và lo cho mấy em ăn học.

Thời điểm năm 1976, nhà ông Nhật có 6 công ruộng ngập nước, nhiễm phèn, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa nhưng năng suất rất kém. Không ngại khó, ông Nhật ra sức đắp bờ bao, cải tạo đất, thực hiện thâm canh, từ ruộng một vụ tăng lên 3 vụ/năm. Rồi ông cùng vợ bắt tay gầy dựng bầy heo, ban đầu chỉ vài ba con heo nái, sau nâng lên ba, bốn chục con. Vừa làm vừa tích luỹ thêm vốn liếng, lúc thiếu hụt ông mạnh dạn đi vay ngân hàng, rồi mua thêm ruộng đất. Thấy việc nuôi heo cho lợi nhuận cao, ông đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2005, ông thành lập trang trại theo mô hình ruộng, ao, chuồng. Tích tiểu thành đại, sau hơn chục năm ông đã có cơ ngơi đáng kể, nguồn thu mỗi năm từ lúa, heo, lươn, cá… trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Thành công không đến một cách dễ dàng, trong quá trình gầy dựng cơ nghiệp, không ít lần ông Nhật cũng lâm vào cảnh thất bại. Lần đầu tiên ông móc ao nuôi cá và xây trại nuôi heo trên khu đất ruộng ngập nước, chưa được bao lâu thì đất nơi đó bị sụt lún. Ông gần như mất hết vốn… Rồi còn cái trận dịch heo tai xanh năm 2010, vợ chồng ông cũng thua lỗ đến mấy trăm triệu; hai ông bà đã phải mất ăn mất ngủ, túc trực ngày đêm lo tiêm phòng để cứu đàn heo còn lại.

Một trong những nguyên nhân thành công của ông Nhật hôm nay chính là được sự đồng lòng chung sức của người vợ- bà Đặng Kim Luyến. Đó là một phụ nữ giỏi giang, chịu thương chịu khó, hết mình ủng hộ chồng trong phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ông Nhật nói: “Vợ tôi giỏi lắm, dù không được đào tạo bài bản về kỹ thuật chăn nuôi nhưng cô ấy biết làm hết các phần việc khó khăn ở trang trại này. Năm trước, tôi bị té đứt dây chằng ở chân không thể đi lại được, chỉ một mình vợ tôi vừa lo chăm sóc chồng, vừa quán xuyến chuyện trang trại”.

Cách đây hai năm, ông Nhật bắt tay vào nuôi lươn. Theo ông Lê Văn Nên- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh thì trước ông Nhật, cũng có vài ba hộ nông dân khác trên địa bàn xã nuôi thử nghiệm lươn nhưng đều không thành công vì vốn đầu tư cao, kinh nghiệm chăm sóc không có, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Dẫu vậy, ông Nhật vẫn mạnh dạn vào cuộc.

Ông chủ trang trại đưa tôi tham quan khu nuôi lươn với 36 hồ của ông. Ông cho biết, một hồ lươn có diện tích 2,7x3m, thả 250kg lươn giống cần đầu tư 80 triệu đồng. Năm 2015, ông đầu tư nuôi 3 tấn lươn giống, đến khi xuất bán được 17 tấn, thu về một khoản lợi nhuận khá cao. Thành công của ông Nhật đã tạo niềm tin cho nhiều nông dân khác cả trong và ngoài xã, giúp cho họ mạnh dạn đến với công việc nuôi lươn.

Hiện tại, trang trại của ông Nhật có 4 người làm công thường xuyên, tiền lương cơ bản 5 triệu đồng/người/tháng. Vào đợt thu hoạch, ông tạo thêm việc làm cho hơn 10 lao động ở địa phương.

Ba năm qua, ông Nhật là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã An Thạnh. Ông đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Trang trại của ông được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông chủ trang trại cũng sẵn lòng chia sẻ những cách làm hay với mọi người. Không chỉ vậy, ông còn hỗ trợ vốn, con giống không tính lãi cho nhiều hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện thoát nghèo.

Từ lúc ăn nên làm ra, ông Nhật rất tích cực ủng hộ các hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… ở địa phương. Theo ông: “Tôi có được thành công như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân các cấp. Vì thế, tôi ủng hộ quỹ Hội Nông dân xã cũng như đóng góp hỗ trợ cho các hoạt động xã hội ở địa phương, giúp đỡ những anh em hội viên nghèo khó. Đó là việc làm tất nhiên, thể hiện đạo lý ở đời mà thôi!”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh cho biết thêm, ông Nhật từng là một trong những điển hình tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015. Ông nông dân giỏi này cũng từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Hội Nông dân Việt Nam công nhận là gương nông dân xuất sắc năm 2016.

Kim Ngân

Các tin mới:

21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016
21/9/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang