• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp: Lỏng lẻo, chưa đồng bộ

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 21/08/2016
Ngày cập nhật: 23/8/2016

Việc được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong sản phẩm tiêu góp phần năng cao tính cạnh tranh của hồ tiêu tỉnh BR-VT trong xuất khẩu. Trong ảnh: Tham quan mô hình tiêu tại xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã được Công ty TNHH Olam (Ấn Độ) cấp giấy chứng nhận RA.

Xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp được xem là mô hình ưu việt nhằm gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, tiến đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình này hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả, còn gặp nhiều hạn chế.

Góp phần nâng cao giá trị nông sản

Theo bà Nguyễn Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mô hình liên kết “4 nhà” là mối liên kết có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của các “nhà”, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, áp dụng có hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, gắn khoa học với sản xuất nông nghiệp, đưa các nhà khoa học về trực tiếp phục vụ nông dân (ND), nông thôn, tăng cường sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà DN hướng vào mục tiêu, đối tượng chung là phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, việc tham gia đầu tư chi phí để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu bền vững tại huyện Châu Đức của các công ty như Olam (Ấn Độ), Harris Freeman Việt Nam (Bình Dương), Tiêu gia vị Việt Nam (Bình Dương) là một minh chứng cho hiệu quả của mô hình liên kết 4 nhà. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay trên địa bàn huyện Châu Đức có khoảng 500ha hồ tiêu của gần 480 hộ tại các xã Bàu Chinh, Kim Long, Quảng Thành, Bình Giã tham gia dự án này. Khi tham gia dự án, người trồng tiêu được hỗ trợ về đào tạo tập huấn kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, an toàn lao động trong quá trình canh tác, bộ nguyên tắc đạt chuẩn an toàn môi trường, thuốc BVTV mà các công ty đề ra, hướng dẫn về thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu… Khi sản phẩm hồ tiêu đạt chuẩn sẽ được phía các công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm ngay tại nhà với giá cả cao hơn giá thị trường 1 triệu đồng/tấn. Điều đặc biệt, khi tham gia dự án, các hộ trồng tiêu sẽ được cấp các giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance (RA), bảo đảm được các nguyên tắc về quản lý môi trường và xã hội, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và có điều kiện làm việc tốt cho người lao động quản lý về đất đai, rác thải, mùa vụ; GlobalGAP; Susainable Arriculture Network (SAN) bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường. Các tiêu chuẩn chứng nhận này được xem là giấy “thông hành” để hồ tiêu BR-VT xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Trong khi những năm qua, việc xuất khẩu hồ tiêu gặp khó khăn do hồ tiêu trong nước không thể vượt qua hàng rào kiểm tra chất lượng khi tồn dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép khi canh tác bằng phương pháp truyền thống.

Một mô hình khác cũng mang lại hiệu quả cao từ triển khai chuỗi liên kết “4 nhà” trên địa bàn tỉnh là mô hình bưởi da xanh Sông Xoài của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành). Năm 2013, Sở KH-CN đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sông Xoài”. Tham gia dự án, 12 hộ trồng bưởi được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chăm sóc đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường. Kết quả đến tháng 10-2015, 12,5ha bưởi của 12 hộ tại HTX bưởi da xanh Sông Xoài đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, được chuyển giao mô hình canh tác theo VietGAP, các hộ trồng bưởi tiết kiệm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới, sản lượng tăng gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường. “Việc được cấp chứng nhận VietGAP đã mở ra hướng đi mới cho sản phẩm bưởi da xanh của HTX khi đầu ra luôn được các thương lái bao tiêu, giá cả ổn định. Với giá bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ trồng bưởi lãi từ 600-650 triệu đồng/ha”, ông Kha cho biết thêm.

Tuy nhiên trên thực tế, hiện toàn tỉnh số mô hình triển khai liên kết 4 nhà còn rất ít. Bà Nguyễn Thị Hiến cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, DN triển khai 4 mô hình thực hiện liên kết 4 nhà, gồm: mô hình cánh đồng lúa lớn 30ha (xã An Nhứt, huyện Long Điền); dự án phát triển vùng hồ tiêu bền vững (huyện Châu Đức); mô hình bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành); mô hình rau an toàn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả các mô hình này mang lại chỉ là bước đầu, trong quá trình triển khai còn nhiều hạn chế.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh HOÀNG THANH

Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Vai trò của mối liên kết “4 nhà” được đặt ra từ năm 2002 với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa cho ND. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Trong đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các hộ nông dân với nhau vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau… Về tính pháp lý, hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Trong khi đó, vai trò liên kết giữa “4 nhà” lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên. Vì thế, thời gian qua còn xảy ra tình trạng DN và ND phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, mặt hạn chế của chính sách là chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ học vấn thấp nên tiếp cận khoa học còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của ND, các tổ, nhóm, HTX…, cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết.

Năm 2013, chuỗi liên kết “4 nhà” được triển khai thực hiện tại xã An Nhứt (huyện Long Điền) với mô hình cánh đồng mẫu lúa lớn 30ha chuyên sản xuất lúa sạch. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để triển khai mô hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Long Điền hỗ trợ 30% giống lúa chất lượng cao cho các hộ dân tham gia, cùng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa sạch, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, chính quyền địa phương còn kết nối với DN bao tiêu sản phẩm của ND với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên việc liên kết này không thể phát triển do ND phá vỡ cam kết, sau khi thu hoạch xong tại ruộng, ND lại bán cho tư thương.

Hay như sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh hiện nay được xem là mặt hàng có giá trị cao khi được các công ty đầu tư hình thành vùng nguyên liệu, tuy đã ký hiệp ước thỏa thuận với các DN đầu tư, nhưng đến mùa thu hoạch giá hồ tiêu xuống thấp, ND lại “găm hàng” chờ giá lên mới bán, không bán cho DN hoặc chỉ bán “nhỏ giọt”. Việc này làm DN gặp nhiều khó khăn khi không thể hoàn thành các hợp đồng đã ký kết.

Ông Phạm Tấn Phước, Trưởng ban Tuyên huấn Hội ND tỉnh cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, có khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “4 nhà”. Theo ông Phước, để tăng cường liên kết “4 nhà” trong giai đoạn hiện nay, các “nhà” trong chuỗi liên kết cần tích cực phối hợp chặt chẽ với nhau. Nhà nước cần thông tin về thị trường, đưa ra dự báo về cung cầu và mở rộng qui mô thị trường; sớm tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất nông sản tập trung theo “cánh đồng lớn”, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình sản xuất hợp tác như tổ hợp tác, HTX; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng miền, với biến đổi khí hậu; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao, quy trình bảo quản và chế biến nông sản. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa các hình thức liên kết, có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia như: DN liên kết với Nhà nước và ND; DN liên kết với DN và ND trong việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; DN liên kết với nhà khoa học, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và ND; ND liên kết với nhau và DN…

Để đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn Nghị định 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện kêu gọi các DN trong và ngoài nước về đầu tư trong lĩnh vực này. Đồng thời, xúc tiến triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch. Có như vậy mới thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trong quá trình hội nhập. - (Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn)

NGÔ THANH

Các tin mới:

23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016
23/8/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang