• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quả ngọt trên vùng đất khô cằn

Nguồn tin:  Báo Thanh Hóa, 20/07/2016
Ngày cập nhật: 22/7/2016

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Quách Thị Thủy, thôn Tiên Quang, xã Thành Vân (Thạch Thành).

Những quả đồi bát úp trải dài ngút tầm mắt được phủ kín một màu xanh của rừng keo, cao su, đồi mía, vườn rau... Ẩn mình dưới tán rừng xanh mát ấy là mô hình trang trại tiêu biểu của gia đình chị Quách Thị Thủy, thôn Tiên Quang, xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa).

Trò chuyện với chị Thủy, chúng tôi như cảm nhận trong tâm hồn người phụ nữ chất phác này là những trăn trở, lo toan làm thế nào để thoát khỏi cái đói, cái nghèo; làm sao để biến vùng đất hoang hóa trở thành quả ngọt. Khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương càng rạo rực, thôi thúc chị Thủy và chồng thực hiện ước mơ mà mình đang ấp ủ. Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm lối đi và rồi cũng quyết định phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp dưới tán rừng.

Thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng trang trại gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm thoát nghèo, gia đình chị Thủy đã vượt lên tất cả. Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Thủy cho biết, nhìn diện tích đất đồi hoang hóa được nhận, thấy đâu đâu cũng ngổn ngang toàn cỏ dại, lau lách không biết phải bắt tay từ đâu. Cùng với chồng và huy động tổng lực các thành viên trong gia đình để cải tạo đất, trồng cây. Làm quần quật ngày đêm, đôi khi quên cả ăn ngủ... Đất không phụ người, với tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự nỗ lực vươn lên, sau 5 năm, gia đình chị Thủy đã biến những đồi đất hoang hóa, khô cằn trở nên xanh tươi, trù phú với những ao cá, vườn cây... Đến nay, gia đình chị Thủy đã có 5 ha đất canh tác, trong đó có 2 ha cao su đang trong độ khai thác mủ. Dưới tán rừng cao su chị đầu tư gần chục con bò sinh sản. Dành một phần diện tích đào ao thả cá, tận dụng lá mía có sẵn để làm thức ăn cho cá, cho bò nên chi phí giảm đi đáng kể. Với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, năm 2013, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư cải tạo gần 3 ha đất để trồng mía, dứa gai, kết hợp chăn nuôi hàng trăm con gà, vịt dưới tán rừng cao su và đồi mía..., trung bình mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng. Với cách làm hiệu quả, mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi dưới tán rừng đã được xã Thành Vân nhân rộng ra khoảng 15 trang trại.

Nhận thấy phát triển kinh tế trang trại tổng hợp dưới tán rừng góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, đầu tư sản xuất trên diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, năm 2013, huyện Thạch Thành đã xây dựng “Đề án phát triển chăn nuôi dưới tán rừng và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi giai đoạn 2013-2020. Đề án ra đời đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dưới tán rừng cao su, đồi mía theo hướng trang trại, gia trại. Thâm canh trong chăn nuôi gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá vật nuôi và sản phẩm từ vật nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng. Đến nay, huyện Thạch Thành có 1.350 trang trại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 40% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện.

Cũng là phát triển trang trại đồi rừng, nhưng hướng đi ở huyện Như Xuân có những nét riêng. Mặc dù chưa phải là địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế trang trại rừng so với một số huyện có địa hình tương đồng trên địa bàn tỉnh, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn ý thức được lợi thế và lợi ích mà loại hình kinh tế này mang lại. Do vậy, để phát huy tối đa tiềm năng hiện có, huyện đã chỉ đạo nhân dân tập trung đẩy mạnh mô hình kinh tế trang trại rừng ở từng hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Việc cải tạo đồi, rừng thành trang trại đã trở thành phong trào và được người dân huyện Như Xuân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều mô hình thành công và được đánh giá là sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, đất đai, tạo ra sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đến nay, huyện Như Xuân có trên 100 trang trại phát huy hiệu quả, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động địa phương. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Kiện, thôn Đông Xuân, xã Thượng Ninh (Như Xuân) có trang trại chăn nuôi kết hợp vườn, ao, rừng. Từ những chính sách hỗ trợ của huyện, ông Kiện đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, kết hợp trồng các loại cây ăn quả, đào ao thả cá và trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Từ cách làm hiệu quả, gia đình ông Kiện đã có 20 con trâu, bò, 5 ha keo, 3 ha sắn và mía, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Ai từng đến huyện Mường Lát hơn chục năm trước hẳn chưa quên được hình ảnh những con đường đất quanh co một bên núi, một bên vực sâu. Những ngôi nhà tạm bợ chẳng đủ che nắng mưa; những ngọn đồi trơ trụi, khô héo đầy lau lách... Ngày ấy, huyện Mường Lát có biệt danh là địa phương có nhiều “không” nhất: không đường, không trường, không điện... Cuộc sống của nhân dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Sẽ khó lòng có Mường Lát đang khởi sắc như hôm nay nếu không có những chương trình, dự án và những mô hình phát triển kinh tế từ rừng. Một trong những mô hình tiêu biểu đã, đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp cho nhiều gia đình ở huyện Mường Lát vươn lên làm giàu đó là mô hình trồng rừng sản xuất, chủ yếu là xoan, lát. Người tiên phong trong việc này là ông Lương Văn So, bản Poong, xã Quang Chiểu. Kể chuyện về những ngày đầu lập nghiệp, ông So cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, người dân huyện Mường Lát chưa mặn mà với cây xoan, cây lát. Bởi thời gian trồng, chăm sóc và thu hoạch phải mất 7-8 năm. Quãng thời gian dài không có thu nhập nên đồng bào không mặn mà là có cái lý của họ. Tuy nhiên, các năm gần đây được Nhà nước cấp cây giống, gạo, bà con nhận thấy trồng xoan sẽ trở thành thế mạnh, là cơ hội để gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu nên ông So đã mạnh dạn đăng ký với xã trồng xoan, lát trên diện tích đã khai hoang trên sườn núi. Dưới tán rừng, ông So đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi vườn - ao - chuồng, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng. Đến nay, thành quả từ lao động gia đình ông So đã có 8 ha xoan, lát chuẩn bị cho thu hoạch, mỗi ha cho thu nhập trên 80 triệu đồng. 1.500 m2 ao cá, hàng chục con dê, trâu, bò, 1 trang trại nuôi gà, vịt với số lượng gần 400 con... tổng tài sản của gia đình ông So lên tới cả tỉ đồng. Từ thành công của gia đình ông So, người dân trong xã đã học tập, làm theo.

Hiện nay, huyện Mường Lát đã nhân rộng mô hình trồng xoan, lát trên sườn núi, toàn huyện đã trồng được 15.000 ha. Với cách làm này, Mường Lát đã phủ xanh một phần diện tích rừng nghèo kiệt, đất trống, đồi trọc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Xuân Minh

Các tin mới:

22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016
22/7/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang