• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đặc sản Hậu Giang

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 05/07/2016
Ngày cập nhật: 7/7/2016

Hậu Giang với nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... từ đó rất thích hợp cho phát triển đa dạng chủng loại nông sản nhiệt đới và bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với 11 loại nông sản có phẩm chất ngon, trở thành đặc sản của tỉnh.

Khóm Cầu Đúc với chất lượng và hương vị mang nét riêng của Hậu Giang.

Do là tỉnh thuần nông nên cây lúa đang đóng vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp của Hậu Giang. Sản phẩm này không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển. Tổng diện tích canh tác lúa hàng năm trên địa bàn Hậu Giang ổn định ở mức từ 200.000 - 210.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Một trong các điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất lúa của tỉnh là có kênh xáng Xà No, đây là con đường lúa gạo miền Hậu Giang, giúp phục vụ tưới tiêu và giao thương hàng hóa giữa các tỉnh vùng ĐBSCL.

Để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa, những năm qua, Hậu Giang thường xuyên đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, diện tích đất lúa được bà con nông dân sử dụng giống xác nhận chiếm hơn 70%, với các giống như: OM 4218, OM 5451, OM 7347, OM 4900, đặc biệt là lúa Hậu Giang 2 (HG2) đã được công nhận nhãn hiệu… Bên cạnh đó, hiện tỉnh đã xây dựng được 2 cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, với quy mô từ 300 - 500 ha/cánh đồng tại huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Tại các cánh đồng lớn đều có liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh cũng có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các địa phương còn lại.

Bên cạnh cây lúa, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh còn xây dựng nhiều mặt hàng nông sản khác, tạo được tiếng vang lớn và mang tính đặc trưng riêng của tỉnh. Trong đó, sản phẩm được nhiều người biết đến đó chính là nhãn hiệu “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, một loại cây trồng đã có mặt trên vùng đất phèn, mặn của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh trên 100 năm qua. Theo người dân của hai địa phương trên, do vùng đất nhiễm phèn và hàng năm thường bị ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn, ngoài cây khóm thì rất ít cây trồng khác thích nghi được. Chính vì vậy, nhiều nông dân chọn cây khóm để phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, diện tích trồng khóm trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000ha (chủ yếu khóm Cầu Đúc), trong đó có 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn. Nét đặc trưng và mang tính riêng của giống khóm Cầu Đúc Hậu Giang là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Nhờ chất lượng, hương vị hơn hẳn cây khóm trồng ở các vùng khác nên khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã vang danh khắp trong và ngoài nước. Cây khóm không những giúp người dân nơi đây no ấm mà hiện còn được xem là cây giảm nghèo hiệu quả.

Ông Võ Văn Thanh, hộ có hơn 50 năm trồng khóm tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Nhà nào có được 1ha khóm thì mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Khóm gần như cho trái quanh năm, do hiện nay đa phần bà con áp dụng biện pháp xử lý trái rải vụ nên luôn có đồng ra, đồng vô ổn định. Người trồng khóm vùng này không mau giàu, nhưng chẳng đến nỗi khó khăn. Có hộ chỉ được 5-7 công, nhưng nhiều hộ có tới 5-6ha khóm”.

Để nhãn hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang tiếp tục vươn xa, ngành chức năng tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư cho vùng khóm về cải tạo đất trồng, xây dựng đê bao khép kín để chống ngập úng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc. Hy vọng trong một ngày gần, đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm.

Cùng với hai nông sản chủ lực trên, mỗi khi nhắc đến Hậu Giang thì nhiều người còn nghĩ ngay đến bưởi Năm Roi, loại nông sản mà ngoài việc sử dụng để ăn thì nhiều nhà vườn tại Hậu Giang còn sáng tạo ra những trái bưởi hồ lô có khắc lên những chữ tài - phước - lộc - thọ, đặc biệt là hình bản đồ Việt Nam có hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện diện tích trồng bưởi Năm Roi tại Hậu Giang khoảng 3.000ha, tập trung ở huyện Châu Thành. Hàng năm, các nhà vườn có thể cung ứng khoảng 45.000 tấn bưởi Năm Roi cho thương lái các nơi đến mua để tiêu thụ trong và ngoài nước. Cây bưởi Năm Roi Hậu Giang đã được chứng nhận GlobalGAP với diện tích 55,4ha và được Công ty The Fruit Republic của Hà Lan bao tiêu trong diện tích này.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trên cơ sở định hướng ban đầu khi mới thành lập tỉnh về cây trồng, vật nuôi chủ lực vốn có, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, cũng như khai thác tốt lợi thế ở từng vùng sinh thái để phát triển các loại cây, con thế mạnh riêng của từng địa phương trong tỉnh. Đến nay, bước đầu đã hình thành được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Đó là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, lúa đặc sản 32.000ha tại các khu vực giao thông thuận lợi dọc theo kênh xáng Xà No và trục Quốc lộ 61, vùng nguyên liệu mía hơn 10.500ha, vùng nguyên liệu khóm 2.000ha, vùng cây ăn trái tập trung 10.000ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Như vậy, sau 12 năm thành lập, đến nay tỉnh Hậu Giang đã bắt nhịp cùng sự phát triển chung của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Trong những nhân tố góp phần tạo nên sự thành công đó phải kể đến vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã chọn 4 cây (lúa, mía, cây ăn trái, khóm) và 4 con (trâu, heo, gia cầm, thủy sản) để phát triển theo chiều sâu, tập trung tạo bước đột phá mới. Qua đây, đã khẳng định một số loại đặc sản nông nghiệp của tỉnh và bước đầu tạo thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến. Trong đó, có 3/11 nông sản chủ lực của tỉnh là cam sành, khóm, cá thát lát đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, các nông sản đã bước đầu sản xuất theo hướng GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng. Những nông sản này sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh đem trưng bày, quảng bá tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) được khai mạc vào ngày 11-7 tới đây tại Hậu Giang.

“Trước thềm MDEC - Hậu Giang 2016 được tổ chức tại Hậu Giang, hiện các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp tỉnh đang chuẩn bị các sản phẩm để tận dụng tối đa cơ hội này nhằm giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh, thông qua hình thức giới thiệu và tham gia hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động của MDEC”, ông Đời cho biết thêm.

Hiện Hậu Giang đã hình thành và xây dựng được 11 nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó đã có 9 nông sản được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, gồm: bưởi Năm Roi Phú Thành, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường Casuco, quýt đường Long Trị và đang tiến tới xoài Bảy Ngàn, riêng cam xoàn Phương Phú mới đưa vào loại nông sản chủ lực thứ 11 của tỉnh.

HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016
7/7/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang