• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Lộc (Thanh Hóa): Phát triển kinh tế trang trại theo hướng an toàn, bền vững

Nguồn tin:  Báo Thanh Hóa, 23/05/2016
Ngày cập nhật: 24/5/2016

Trang trại gà của gia đình anh Đào Xuân Khoa, xã Triệu Lộc. Ảnh: Ngọc Anh

Về Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), một xã ven biển đất chật, người đông, diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả do thường xuyên bị nước mặn xâm thực.

Khó khăn trên đồng đất quê hương đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo xã phải có cách nghĩ, cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo và đúng hướng mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Nói đi đôi với làm, Minh Lộc đã tiên phong trong việc xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi theo hình thức liên kết với Công ty cổ phần CiPi Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa. Toàn xã hiện có 33 trang trại và gia trại chăn nuôi gà hậu bị, gà thịt, lợn. Mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng trăm nghìn con gà hậu bị, hàng chục nghìn tấn thịt lợn, thịt gia cầm.

Mô hình trang trại của gia đình anh Phạm Văn Minh là một ví dụ điển hình. Anh Minh cho biết, hiện trang trại của anh có qui mô 1.000 con lợn thịt. Từ năm 2010, anh đầu tư nuôi theo quy trình khép kín. Điều quan trọng là trong các công đoạn nuôi, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm dịch được kiểm soát theo qui trình rất nghiêm ngặt. Từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật nuôi cho đến khâu tiêu thụ đều được Công ty cổ phần Ci Pi Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa bao tiêu trọn gói. Một năm gia đình anh nuôi được hai lứa. Anh còn tận dụng phân làm khí biôga và bón cho cây trồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu lời khoảng 600 triệu mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 2-4 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Đến Phú Lộc, một vùng quê có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, không chỉ đi đầu trong sản xuất ngành trồng trọt với các loại cây hàng hóa mới có giá trị kinh tế cao như ngô ngọt, dưa bao tử, cải chân vịt, ớt, bí xanh..., Phú Lộc còn là xã điển hình trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt với khu trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô lớn. Đó là trang trại của anh Nguyễn Văn Công, bình quân mỗi năm xuất hơn 25.000 con lợn giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, tổng giá trị hàng hóa đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí mỗi tháng trang trại đạt 100 - 200 triệu đồng.

Về vùng đồi Triệu Lộc, một xã có tiềm năng phát triển về du lịch tâm linh, sinh thái, các mô hình cây ăn quả, cây lâm nghiệp và còn được biết đến với khu trang trại gà sinh sản quy mô 15.000 con, lớn tốp đầu của tỉnh, đó là trang trại của anh Đào Xuân Khoa. Năm 2010, anh nhận thầu 0,5ha đất ruộng sâu trũng không thuận lợi cho việc trồng lúa, đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để chăn nuôi gà sinh sản và lấy trứng bán. Mỗi năm anh thu lãi từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3,5 triệu/người/tháng, thời vụ lên tới 10 người với mức lương 150.000 đến 200.000 đồng/ngày công. Trong 15.000 con gà sinh sản, chủ yếu là gà Ai Cập, gà lông màu (giống gà do Công ty CiPi cung cấp), gia đình tự đầu tư chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, gà được nuôi trên hệ thống lồng hiện đại, khép kín, đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Mỗi năm trang trại của gia đình anh đã cung cấp ra ngoài thị trường trong và ngoài tỉnh trên 4 triệu quả trứng, tổng giá trị hàng hóa đạt trên 5 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi tháng trang trại đạt trên 40 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc Nguyễn Thị Liên, cho biết: Với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, Hậu Lộc đã định hướng phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp như cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về quy hoạch đất, vốn, khoa học – kỹ thuật, huyện Hậu Lộc đã khuyến khích nhiều hộ dân chủ động khắc phục khó khăn, đổi mới tư duy, thay đổi thói quen sản xuất manh mún mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, bảo đảm các điều kiện phòng bệnh, vệ sinh thú ý, kiểm soát dịch bệnh. Tính đến tháng 5-2016, toàn huyện có 559 trang trại, trong đó có 82 trang trại đạt tiêu chí. Kinh tế trang trại là hướng đi bền vững, tạo đà thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng của huyện trong thời gian tới.

Để kinh tế trang trại phát triển theo hướng an toàn, bền vững, huyện đã thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở cả 3 qui mô lớn, vừa và nhỏ, ưu tiên qui mô vừa và nhỏ. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò, thỏ và chuyển đổi một phần đất không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp sang phát triển mô hình kinh tế trang trại bền vững. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế để khai thác có hiệu quả tối đa lợi thế của từng vùng. Đối với các xã vùng đồi, phát triển chăn nuôi bò, dê, gà theo hình thức bán chăn thả là chủ lực, nhằm tận dụng tối đa diện tích đất ven đồi, bìa rừng, đất bãi ven sông, quy hoạch phát triển theo mô hình chăn nuôi kết hợp: bò-dê-gà-thỏ. Với các xã ven biển, chú trọng phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm là chủ lực, mô hình kết hợp là gia cầm-lợn. Còn với xã vùng đồng, đây là lợi thế cho phát triển đa dạng các loại vật nuôi, nhằm tận dụng nguồn nông sản sẵn có của địa phương để phát huy tối đa thế mạnh của vùng, mô hình chăn nuôi kết hợp là lợn-gia cầm-trâu, bò-thỏ.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nhận thức đầy đủ và hưởng ứng cao các chính sách của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế trang trại. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gắn với thực tiễn sản xuất, các qui trình và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác quản lý nhà Nước về kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi... Lựa chọn cơ sở, xã, thôn xây dựng điểm để nhân rộng ra toàn huyện. Đặc biệt, tập trung xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Ngọc Anh

Các tin mới:

24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016
24/5/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang