• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đi mới cho nông sản Việt

Nguồn tin:  Đại Đoàn Kết, 03/05/2016
Ngày cập nhật: 5/5/2016

Từ tháng 7/2004, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Đến nay, hướng đi này đã lan tỏa đến nhiều hộ dân không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn ra các tỉnh, thành trong vùng.

Phương thức nông nghiệp công nghệ cao giúp nhiều hộ nông dân làm giàu.

Nông nghiệp tri thức

TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước đầu tư xây dựng mô hình NNCNC, tổ chức hoạt động của một khu NNCNC.

Ông Đinh Minh Hiệp- Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TP HCM cho biết, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Sau 12 năm xây dựng và 6 năm chính thức đi vào hoạt động, Khu NNCNC đã có những kết quả lớn, trong đó tập trung vào khâu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, đơn vị đã hoàn thiện 5 mô hình trình diễn (rau ăn lá, dưa lưới, hoa lan, ớt, cây ăn trái) ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Các mô hình này bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế, đạt chất lượng VietGap, GlobalGap. Trong đó, sản phẩm dưa lưới, ớt sản xuất từ quy trình công nghệ này đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cùng với việc chuyển giao giống, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NNCNC cùng các nhà đầu tư đã trồng cây trong nhà màn, kỹ thuật trồng lan hồ điệp trong điều kiện khí hậu TP HCM cho các hộ nông dân và tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp của TP.HCM cùng các tỉnh lân cận; đã nghiên cứu và chuyển giao thành công 124 đề tài về các phương pháp nhân giống, chuyển gen một số loại cây trồng và các chế phẩm sinh học.

Các nhà đầu tư tại Khu NNCNC, từ năm 2010 đến nay, đã cung cấp cho thị trường 59,5 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại, 8.097 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới), 11.438 lít chế phẩm sinh học.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nên sản xuất tại các Khu NNCNC của Israel đạt năng suất kỷ lục: năng suất cà chua đạt 250 - 300 tấn/ha, bưởi 100 - 150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha đã tạo ra giá trị sản lượng bình quân 40.000 - 50.000 USD/ha/năm, gấp 40 - 50 lần so với mô hình sản xuất trước đó.

Ở “thủ phủ” của khu NNCNC

Nhờ tiếp nhận chuyển giao quy trình, kỹ thuật canh tác từ Khu NNCNC, nhiều hộ dân huyện Củ Chi, TP HCM đã làm giàu trên mảnh đất của mình. Những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như hoa lan, dưa lưới, cà chua… đang biến vùng đất thép Củ Chi trở thành “thủ phủ” NNCNC của cả nước.

Anh Võ Minh Hưng, chủ cơ sở “Ba Hưng Sài Gòn”- một trang trại dưa lưới có thương hiệu lớn ở Việt Nam cho biết, bước đầu quy trình trồng được tiếp nhận từ các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu NNCNC), bao gồm chỉ dẫn kỹ thuật, nguồn giống, phân bón đến cả đơn vị thu mua.

Do cách trồng không quá phức tạp nên chỉ qua một vài vụ là thành thục. Với diện tích trồng 1.500m2, sau 4 vụ dưa, anh đã có lãi hơn 100 triệu đồng. Điều đặc biệt, theo anh Hưng, trồng dưa lưới không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro gần như không có. Dưa ở đây to, tròn, lưới đẹp nên được các thương lái trái cây ưa chuộng. Hầu như đến vụ thu hoạch nào, dưa cắt ra cũng đều có các xe chờ sẵn để vận chuyển đi khắp cả nước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân có 3.400m2 đất vườn tạp, trước đây chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày, dù đã bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc, nhưng do thường hay bị sâu bệnh, ảnh hưởng thiên tai, đạt năng suất thấp, giá cả bấp bênh, nên cuộc sống không ổn định vẫn luôn thiếu trước hụt sau.

Từ khi TP HCM triển khai thực hiện Chương trình hoa lan, cây cảnh ông Xuân đã đăng ký tham gia các lớp học về kỹ thuật trồng lan và đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng lan cắt cành hiệu quả của một số hộ nông dân ở các huyện Hóc Môn, quận Bình Tân. Sau khi đã nắm khá vững về kỹ thuật trồng, đặc biệt là được giúp đỡ về kỹ thuật từ Khu NNCNC, ông quyết định lập dự án, vay vốn ngân hàng, đầu tư cải tạo 3.400m2 vườn trồng rau sang trồng lan Mokara cắt cành.

Ông Xuân cho biết, lan Mokara là loài hoa đẹp, màu sắc phong phú: trắng, tím, hồng đỏ, vàng nâu, cam, xanh đang rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, có nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cả ổn định, tỷ suất lợi nhuận cao. Hiện nay, vườn lan Mokara của gia đình ông Xuân phát triển tốt, mỗi đợt cắt hoa bán cho thương lái tại vườn, với giá khoảng từ 8000 – 10.000 đồng/cành thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng/tháng, chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt. Không chỉ hoàn nợ cho ngân hàng mà gia đình ông còn có tích lũy đáng kể để phát triển thêm vườn lan.

Tạo chuỗi cung ứng nông sản sạch

Theo ông Từ Minh Thiện- Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TP HCM, nhiều nhà đầu tư các nước muốn tìm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Không riêng nhà đầu tư nước ngoài mà rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp của TP HCM mong muốn phát triển các dự án đầu tư quy mô lớn. Nhưng hiện Khu NNCNC của TP không có sẵn quỹ đất với diện tích đất lớn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Trong khi đó, các địa phương lân cận, quỹ đất còn rất lớn. Vì vậy, mới đây Khu NNCNC TP HCM và ngành nông nghiệp các như tỉnh Phú Yên, An Giang và Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp… đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu hút đầu tư CNC vào lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương này.

Được biết, TP HCM mới cho phép phát triển và mở rộng diện tích Khu NNCNC lên gần gấp 5 lần so với diện tích hiện tại. Theo đó, ngoài khu hiện hữu với diện tích hơn 88ha ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi tập trung cho trồng trọt đã được khai thác hết, thành phố sẽ phát triển thêm 3 khu khác, gồm khu 200ha bên cạnh khu hiện hữu này cũng tập trung cho hoạt động trồng trọt, nuôi cá cảnh nước ngọt, cây thủy sinh.

Hai khu còn lại sẽ được phát triển ở địa điểm khác của thành phố, trong đó một ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có diện tích quy hoạch 90ha sẽ tập trung phục vụ cho hoạt động chuyên ngành thủy sản như giống thủy sản và các chế phẩm sinh học sử dụng trong môi trường nuôi trồng thủy sản.

Khu còn lại có diện tích 100ha ở huyện Bình Chánh tập trung sản xuất và lai tạo các giống bò sữa, bò thịt, gà, heo và các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học. Định hướng này tiếp tục khẳng định quyết tâm của TP HCM trong việc phát triển NNCNC gắn liền với nông nghiệp đô thị. Và việc hình thành các vùng chuyên canh kể trên sẽ tạo sức lan tỏa NNCNC đến từng nông dân trên địa bàn TP HCM.

Quốc Định

Các tin mới:

5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016
5/5/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang