• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Tìm mô hình điểm cho nông nghiệp - Kỳ cuối: Thay đổi tư duy làm ăn

Nguồn tin:  Báo An Giang, 31/03/2016
Ngày cập nhật: 1/4/2016

Có vẻ như nỗi “sợ hãi” từ thời quan liêu, bao cấp vẫn còn ám ảnh nông dân nên khi nhắc đến những từ liên kết, hợp tác xã (HTX), nhiều người luôn tỏ ra e ngại. Dù có tham gia vào HTX, tư duy làm ăn nhỏ lẻ, manh mún vẫn bao trùm. Muốn nông nghiệp hội nhập thành công, cần thay đổi tư duy ấy.

Lợi ích hợp tác

30 năm sau đổi mới, chính sách giao đất về cho nông dân đã giúp An Giang từ tỉnh đói ăn trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Tuy nhiên, khi nhìn lại đời sống nông dân, dù có nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, chưa tương xứng với công lao đóng góp của họ và tiềm năng do thiên nhiên ưu đãi. Dân số tăng lên, đất nông nghiệp (NN) càng bị phân chia manh mún, nhỏ lẻ. Trên cùng một cánh đồng, mỗi nông dân làm một kiểu khiến nông sản khó xây dựng được thương hiệu, giá trị xuất khẩu thấp hơn các nước trong khu vực. Đó cũng là nguyên nhân khiến cây lúa, con cá liên tục gặp khó khăn.

Liên kết sản xuất là tất yếu

Trước bối cảnh đó, nhiều mô hình HTX đã hình thành theo hướng đổi mới, vẫn tôn trọng quyền sở hữu ruộng đất của hộ dân nhưng cũng cho thấy hiệu quả liên kết. Điển hình trong số đó là HTX NN Phú An (xã Phú An, Phú Tân), một trong 5 HTX NN của tỉnh được tổ chức JICA (Nhật Bản) và SOCODEVI (Canada) chọn thực hiện mô hình HTX kiểu mới. UBND huyện Phú Tân cũng chọn HTX này để xây dựng mô hình điểm gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020. Ông Nguyễn Văn Mỉnh Em, Giám đốc HTX NN Phú An, cho biết, năm 2014, Công ty Tân Thạnh An đã ký hợp đồng bao tiêu nông sản của HTX với tổng diện tích 1.100 héc-ta/năm (vụ đông xuân 400 héc-ta, hè thu 300 héc-ta và thu đông 400 héc-ta). Thấy có hiệu quả, năm 2015, có thêm Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định ký hợp đồng bao tiêu nếp, nâng diện tích hợp tác vụ hè thu lên 800 héc-ta (vụ đông xuân 2014 - 2015 vẫn 400 héc-ta). Đến vụ đông xuân 2015 - 2016, diện tích ký hợp đồng được nâng lên 800 héc-ta. “Khi tham gia liên kết, đầu ra của nếp được tiêu thụ tập trung với giá ổn định, hợp lý, không lo bị thương lái ép giá như trước đây. Thông qua HTX, nông dân tham gia hợp tác được công ty cho tạm ứng chi phí đầu vụ từ 2 – 2,5 triệu đồng/héc-ta, không phải đi vay lãi suất cao bên ngoài. Nhờ ổn định đầu ra, tiết giảm được chi phí sản xuất mà lợi nhuận tăng lên” – ông Mỉnh Em chia sẻ.

Phải bỏ lối làm ăn nhỏ lẻ

Dù liên kết làm ăn hiệu quả, vinh dự được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đưa vào danh sách 100 mô hình đạt danh hiệu “Cánh đồng vàng” năm 2015 nhưng cũng như nhiều HTX khác, HTX NN Phú An vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. “Phải nói rằng, do nông dân của mình vẫn thích làm ăn riêng lẻ nên tỷ lệ thành viên tham gia HTX vẫn còn thấp so với tổng số bà con có đất sản xuất trên địa bàn. Từ đó, chưa phát huy được tính xã hội hóa trong tham gia mô hình HTX kiểu mới. Do đa số nông dân có diện tích nhỏ lẻ, phải ký hợp đồng với rất nhiều hộ nên gặp không ít khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích thu mua của các công ty liên kết chỉ đạt từ 60 – 75% so diện tích hợp đồng ký kết” – ông Mỉnh Em phân tích.

Không riêng gì HTX NN Phú An, nhiều mô hình liên kết đã được chứng minh hiệu quả qua thực tế vẫn vướng chuyện hợp đồng nhỏ lẻ với từng hộ dân, kể cả mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật của Công ty TNHH Angimex – Kitoku và “Cánh đồng lớn” của Tập đoàn Lộc Trời. Đối với những doanh nghiệp có diện tích liên kết nhỏ hơn, việc ký kết hợp đồng riêng lẻ cũng khiến tình trạng “bẻ kèo” diễn ra phổ biến. Bà Võ Thị Phỉ, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2015, công ty đã mở rộng vùng liên kết sản xuất với nông dân các huyện Châu Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới và Tri Tôn, đạt diện tích gần 2.000 héc-ta. Đồng thời, duy trì thành công 2 tổ sản xuất lúa GlobalGAP với diện tích 120 héc-ta ở huyện Châu Phú và Thoại Sơn, giúp nông dân từng bước làm quen với sản xuất sạch, nâng cao uy tín cho hạt gạo Việt Nam. “Tuy nhiên, trong xây dựng “Cánh đồng lớn”, công ty vẫn gặp khó khăn khi nhiều nông dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến tồn dư thuốc trên sản phẩm, ảnh hưởng chất lượng gạo xuất khẩu. Nhiều nông dân còn không tuân thủ hợp đồng ký kết, thường phá vỡ hợp đồng khi giá lúa trên thị trường cuối vụ cao hơn thời điểm ký kết” – bà Phỉ lo lắng. Còn ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc ngành Lương thực của Tập đoàn Lộc Trời thì cho rằng, khi diện tích liên kết càng mở rộng, công ty càng vất vả quản lý hàng chục ngàn hợp đồng ký kết riêng lẻ với từng hộ nông dân. Bản thân lực lượng “3 cùng” của tập đoàn phải làm việc với nhiều hộ dân, nhiều đầu mối giao nhận vật tư, phát sinh nhiều thủ tục giấy tờ nên hiệu suất không cao.

Để tìm kiếm mô hình HTX có thể khắc phục được những hạn chế trên, mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến tìm hiểu hoạt động của HTX NN Vĩnh Bình (Châu Thành), do tỉnh kết hợp Tập đoàn Lộc Trời xây dựng thí điểm. Đây là mô hình HTX kiểu mới thật sự, khép kín quy trình sản xuất từ cung ứng vật tư đầu vào đến bao tiêu đầu ra. Hợp đồng không ký riêng lẻ với từng hộ dân mà thông qua HTX. Bài toán về nhân sự HTX cũng được giải quyết khi Tập đoàn Lộc Trời cử cán bộ có chuyên môn cùng tham gia vào Hội đồng quản trị. “Mô hình HTX này cần được nâng chất thêm, hoàn thiện cơ chế hoạt động để xây dựng thành mô hình mẫu, nhân rộng ra các địa phương khác” – Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

NHÓM PV KINH TẾ

Các tin mới:

1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016
1/4/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang