• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tìm giải pháp thích nghi với hạn, mặn

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng, 21/03/2016
Ngày cập nhật: 22/3/2016

Với tình hình hạn, mặn khốc liệt hiện nay, nhiều ý kiến đặt vấn đề có nên xây dựng những công trình để chống hạn, mặn triệt để hay là chọn giải pháp thích nghi, cùng sống chung với hạn, mặn như đã từng sống chung với lũ ở vùng ngập ĐBSCL. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, là chuyên gia nông nghiệp đã nhiều năm gắn bó với vựa lúa ĐBSCL xung quanh những giải pháp ứng phó với hạn, mặn.

TS Lê Văn Bảnh

* Phóng viên: Thưa ông, hạn hán và xâm nhập mặn đang gây ra những thiệt hại khá lớn cho nông dân trồng lúa và cả nuôi thủy sản, rau màu, cây ăn trái… ông nhận định thế nào khi tình hình càng lúc càng phức tạp hơn?

* TS LÊ VĂN BẢNH: Đúng là hạn, mặn đang gây khó khăn cho nhiều nơi trong cả nước, nhất là các tỉnh ĐBSCL - vùng sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp chủ lực. Qua theo dõi thì hạn, mặn hiện nay chưa có điểm dừng và sẽ còn tiếp tục khốc liệt hơn trong các tháng 4, 5, 6. Tuy nhiên, về cơ bản xảy ra hạn, mặn là không bất ngờ, bởi hàng chục năm trước các nhà khoa học và ngành chức năng đã dự báo về hạn, mặn sẽ gay gắt ở ĐBSCL. Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng tại Việt Nam của Bộ TN-MT thì mực nước biển ở ĐBSCL có thể dâng cao thêm 100cm vào năm 2100, khi đó khoảng 40% diện tích khu vực này sẽ bị nước mặn xâm nhập. Thực tế thời gian qua, các bộ ngành trung ương, các địa phương… đã tích cực tuyên truyền để chính quyền và người dân hiểu; đồng thời tổ chức nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Đối với đợt hạn, mặn dữ dội hiện nay có thể xem như là thiên tai “kép” khi mà nắng nóng, khô hạn kèm theo xâm nhập mặn hoành hành trên diện rộng.

* Nhiều người xem nước mặn như là một tác hại và đề xuất chống triệt để. Vậy theo ông, chúng ta cần ứng phó gì với hạn, mặn hiện nay cũng như về lâu dài.

* Chúng ta cần xác định rõ mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn đã, đang và sẽ diễn ra như thế nào, mức độ ra sao… từ đó tìm ra giải pháp phù hợp về trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề đặt ra là chúng ta đối phó hay thích nghi với hạn, mặn. Thời gian qua các địa phương đã thực hiện nhiều công trình đối phó với hạn, mặn nhưng tính hiệu quả chưa cao bởi làm manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết. Tôi lấy ví dụ như ở Israel có nhiều diện tích đất là sa mạc nhưng họ vẫn phát triển những dự án nông nghiệp hàng đầu thế giới; hay như Hà Lan có khoảng 27% diện tích nằm dưới mực nước biển nhưng lại là quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu châu Âu. Do đó, vấn đề nông nghiệp ĐBSCL là cần thích nghi với điều kiện hạn, mặn hiện tại cũng như trong tương lai; bởi chống lại thiên nhiên bao giờ cũng khó hơn tìm cách thích nghi với thiên nhiên. Tóm lại, chúng ta rất khó mà “bẻ nạng chống trời”.

Nông dân vùng ven sông Hậu (tỉnh Vĩnh Long) trồng rau màu ngay mùa hạn cho thu nhập cao

* Vậy theo ông, chúng ta nên thích nghi bằng cách nào?

* Cần nhìn nhận rằng, nước mặn có cái hại nhưng cũng có cái lợi. Vì vậy, để thích nghi trong điều kiện hạn, mặn hiện tại và lâu dài thì phải tổ chức lại sản xuất nền nông nghiệp ĐBSCL một cách hợp lý, khoa học. Dựa vào điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng nơi như vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn, vùng nước lợ… để đưa ra mô hình sản xuất phù hợp cây gì, con gì. Vấn đề này Nhà nước phải tiên phong và khi tìm ra phương án sản xuất hiệu quả cho từng nơi thì khuyến cáo nông dân áp dụng.

Thực tế cho thấy ở các vùng ven biển ĐBSCL có rất nhiều nông dân nuôi tôm cho thu nhập cao gấp hàng chục lần so làm lúa; rồi những vùng trồng cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… mang lại kinh tế cũng rất cao; những vùng trồng rau màu ở An Giang, Vĩnh Long… có thể sản xuất quanh năm và làm ngay mùa khô hạn hiện nay mà vẫn cho hiệu quả hơn cây lúa. Song song với việc chuyển đổi sản xuất thì phải đẩy mạnh việc nghiên cứu giống lúa chịu mặn. Hiện ở ĐBSCL đã có những giống lúa thích ứng với độ mặn 4‰. Mặt khác, áp dụng phương thức giảm thời gian để cây lúa đứng trên đồng, bằng cách gieo mạ để cấy ở những vùng thiếu nước tưới, bị ảnh hưởng hạn, mặn… Đối với cây ăn trái cũng tăng cường nghiên cứu các giống có khả năng thích nghi, chống chịu mặn tốt.

* Hướng mở là vậy, nhưng thực tế việc chuyển đổi sản xuất ở nhiều nơi vẫn rất khó khăn?

* Đây là vấn đề nan giải. Mấy ngày qua có nhiều ý kiến cho rằng không nên ép dân trồng lúa, hoặc nếu bỏ lúa thì trồng cây gì có hiệu quả hơn… Việc này rất bức thiết và giải quyết không đơn giản. Tôi lấy ví dụ, nhiều năm rồi cả nước luôn thiếu bắp lai và đậu nành để cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn. Các địa phương cũng khuyến cáo nông dân trồng bắp, đậu nành, nhưng thực tế diện tích phát triển thấp. Nếu như cây lúa chúng ta đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch… rất tốt; trong khi sản xuất cây bắp vẫn phụ thuộc nhiều vào thủ công, nên chi phí giá thành cao. Các nhà máy chế biến thức ăn nói, họ nhập nguyên liệu nước ngoài rẻ hơn mua trong nước khoảng 30%, chưa kể độ đồng đều cao, chất lượng tốt… vì vậy bắp và đậu nành nội địa không cạnh tranh lại. Nói điều này để thấy rằng, khi chúng ta chuyển đổi mô hình sản xuất thì phải làm đồng bộ, có sự đầu tư bài bản, tới nơi… mới đem lại hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại trên, theo tôi việc chuyển đổi sản xuất nên gắn với nhu cầu thị trường. Ở đó, vai trò của doanh nghiệp là khá quan trọng. Chúng ta nên kéo doanh nghiệp vào cùng ngồi với nông dân, với ngành chức năng, nhà khoa học… bàn giải pháp nếu giảm lúa ở nơi này, nơi khác (tùy theo từng vùng) thì nên chuyển sang trồng cây gì, con gì, bán ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu, hiệu quả ra sao. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng và quyết định sự thành bại của việc chuyển đổi sản xuất thích nghi với hạn, mặn. Cái khó thời gian qua là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quá ít, vì thế Nhà nước có cơ chế mạnh hơn nữa để kéo nhiều doanh nghiệp nhảy vào nông nghiệp.

Tôi xin lưu ý thêm rằng, việc thích nghi với hạn, mặn và chuyển đổi cơ cấu sản xuất cần xem lại yếu tố liên kết vùng. Tránh tình trạng từng địa phương mạnh ai nấy làm sẽ rất tốn kém, rồi chồng chéo nhau và hiệu quả không cao. Câu hỏi đặt ra là chuyện liên kết vùng đã được nói rất lâu, bàn bạc nhiều lần, nhưng tới nay cứ ì ạch…

* Xin cảm ơn ông.

HUỲNH LỢI (thực hiện)

Các tin mới:

22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016
22/3/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang