• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những nông dân tiên phong

Nguồn tin:  Báo Cà Mau, 27/12/2022
Ngày cập nhật: 30/12/2022

Bằng nội lực, sự cần cù và học hỏi, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều hộ nông dân Cà Mau vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, không hiếm những nông dân sản xuất giỏi. Không những đảm bảo vững chắc về kinh tế, họ còn góp phần cùng địa phương giải quyết lao động, việc làm cho nhiều đối tượng lao động tại đây.

“Vua cá chình” là cách gọi thân thương và cũng để tôn vinh người đã tiên phong, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương là nghề nuôi cá chình. Ðó là ông Nguyễn Hữu Ánh (65 tuổi, xã Tân Thành, TP Cà Mau).

Ngược thời gian trở về những năm 1999, đây là thời điểm ông Ánh bắt đầu biết đến mô hình nuôi cá chình. Lúc này, ở Cà Mau hầu như chưa có ai nuôi loài cá xa lạ này. Thông qua một người quen cũng là thương lái thu mua cá, ông Ánh đánh liều nuôi thử loài cá chình.

Ông Ánh chia sẻ: “Thấy nhu cầu thị trường về loài cá này lớn, người này nhiều lần khuyên tôi nuôi thử cá chình. Lúc đó, tôi đang làm ruộng và nuôi cá bống tượng. Thời điểm trên cá chình là loài cá còn khá xa lạ với nông dân Cà Mau, chưa ai áp dụng nuôi nên tôi đã rất đắn đo. Nhưng có lẽ đó là cái duyên, cuối cùng tôi cũng đào thử một ao để nuôi cá chình”.

Nói là làm, mặc dù chịu sự ngăn cản lớn của vợ nhưng vào năm 2000, ông Ánh quyết bán 100 giạ lúa để mua 400 con cá chình giống về nuôi thử nghiệm. “Lúc đó vợ tôi ngăn cản cũng đúng, bởi chính tôi còn không tin là mình thành công”, ông Ánh bộc bạch.

Do có sẵn kinh nghiệm từ việc nuôi cá bống tượng nên ông không gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi cá chình. Sau 18 tháng thả nuôi, ông tát ao bán được 330 con cá chình với trọng lượng từ 1-3 kg/con. Ông thu về 65 triệu đồng.

"Ðó là số tiền cũng khá lớn vào thời điểm đó, nó lại càng lớn đối với tôi. Cầm tiền trong tay mà tôi đổ mồ hôi luôn! Từ nhỏ tới lớn, đến lúc tự lập làm kinh tế tôi chưa bao giờ cầm được số tiền lớn như thế!", ông Ánh tâm đắc.

Sau đó, ông Ánh trích ra 40 triệu đồng tiền lãi từ vụ nuôi thử nghiệm thuê cơ giới đào thêm 8 ao mới và bắt con giống về thả nuôi. Hiệu quả đem lại quá lớn đã khiến không ít người ngỡ ngàng và thán phục.

Theo ông Ánh, những năm sau đó, thấy mô hình hiệu quả, nhiều người địa phương đã phát triển nuôi cá chình. Ðến giai đoạn 2014-2015, nuôi cá chình trở thành một phong trào có tiếng ở Tân Thành. Trong đó, không ít người vươn lên làm giàu, những ngôi nhà kiên cố được mọc lên chỉ sau vài vụ nuôi cá chình thành công.

Có được nguồn vốn từ nhiều năm nuôi cá chình, năm 2019, ông Ánh quyết định đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua 5,5 ha đất tại Ấp 3, xã Tân Thành, để xây dựng lại mô hình. Ở đây, ông Ánh thuê cơ giới đào 30 ao (800 m2/ao) và bắt cá chình giống về nuôi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm ông Ánh thu lãi từ 1,3-1,5 tỷ đồng.

Trải qua hơn 22 năm gắn bó với con cá chình với nhiều thăng trầm, hơn ai hết ông Ánh hiểu rõ, để có được “trái ngọt” người nông dân cần sự kiên trì. Ðã có lúc sản lượng cá chình ở địa phương vượt nhu cầu, giá cả bấp bênh, nhưng chính nhờ kinh nghiệm và quyết tâm với con đường đã chọn, ông Ánh đã vượt qua và trụ vững.

Trải qua hơn 22 năm gắn bó với con cá chình với nhiều thăng trầm, hơn ai hết ông Nguyễn Hữu Ánh hiểu rõ, để có được “trái ngọt” người nông dân cần sự kiên trì.

Rời TP Cà Mau, chia tay "vua cá chình", chúng tôi về quê hương Ðầm Dơi. Từ sau chuyển dịch kinh tế, nơi đây cũng được xem là "thủ phủ tôm" tại xứ Cà Mau. Và con tôm cũng đem đến sự giàu sang, đổi thay cho nhiều hộ gia đình nơi đây.

Tại xứ Ðầm ai cũng biết tiếng tăm ông Châu Hoàng Bon (Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi). Cũng giống như ông Nguyễn Hữu Ánh, ông Bon cũng là một nhà nông nòi sinh ra và lớn lên trên quê hương Cà Mau. Theo dòng chảy của sự phát triển, khi quê hương Ðầm Dơi thực hiện chuyển dịch kinh tế để thích ứng với thời đại, cũng là lúc cuộc sống của ông thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Ông Bon chia sẻ: "Lúc đầu tôi cũng không nghĩ mình sẽ trụ được ở cái nghề nuôi tôm công nghiệp này. Năm 2006 bắt đầu thử nghiệm, những năm đầu cũng có nhiều bấp bênh, nhưng với sự đam mê và ham học hỏi đã giúp tôi gắn bó với với nghề này".

Ðến thời điểm hiện tại, ông Bon đã sở hữu hơn 2 ha đất nuôi tôm siêu thâm canh, thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Từ năm 2017 đến nay, từ việc nuôi tôm siêu thâm canh đã đem về lợi nhuận cho ông hơn 11 tỷ đồng.

Bằng sự tương thân tương ai, lá lành đùm lá rách, với số tiền kiếm được, ông đều trích ra hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

"Gia đình luôn xác định ngoài việc làm giàu chính đáng, gia đình còn là điểm tựa cho cộng đồng dân cư: Sống có nghĩa, có tình, giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn, tạo sự đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, trung thực, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm trong sản xuất, chi tiêu hàng ngày. Năm 2017-2021 gia đình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho 80 người trong ấp; giúp đỡ cho 15 lao động có việc làm. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới bản thân luôn đi đầu, gương mẫu đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo vài chục triệu đồng, cùng nhiều khoản đóng góp khác, nhằm giúp phần nào cho hộ nghèo, hộ khó khăn phấn đấu vươn lên làm ăn ổn định trong cuộc sống", ông Bon chia sẻ.

Ông Châu Hoàng Bon (Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi) với bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích trong lao động sản xuất, ông xem đây là động lực để tiếp tục phấn đấu.

Trên thực tế, còn nhiều và rất nhiều cá nhân tiêu biểu trên quê hương Cà Mau, từ sự chịu khó, ham học hỏi đã vươn lên làm giàu chính đáng. Thể hiện nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Các hộ sản xuất giỏi cũng là nòng cốt tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành hạt nhân dẫn dắt phong trào thi đua phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bà Trần Thị Quyết, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, đánh giá: "Các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ... trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn; thu hút, động viên nông dân phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Văn Ðum

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang