• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những nông dân không cam chịu khó nghèo

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên, 22/11/2022
Ngày cập nhật: 24/11/2022

Giai đoạn 2019-2022, xã Dân Tiến (Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) có gần 1.000 lượt gia đình hội viên nông dân đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (37 hộ cấp tỉnh, 73 hộ cấp huyện, còn lại là cấp xã). Ông Đỗ Văn Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã tâm đắc: Họ là những nông dân không cam chịu khó nghèo, quyết tâm vượt lên chính mình, trở thành những triệu phú ngay trên vùng đất khó.

Cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện Võ Nhai trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi lợn tại mô hình của gia đình bà Lê Thị Thắm, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến.

Nằm ở phía Nam của huyện Võ Nhai, xã vùng cao Dân Tiến có tổng diện tích đất tự nhiên gần 5.500ha. Xã gồm 13 xóm, với hơn 1.600 hộ dân. Nguồn thu nhập chính của người dân trong xã chủ yếu tới từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nhỏ. Cách đây khaonrg chừng hơn 10 năm, Dân Tiến là xã thuần nông đặc biệt khó khăn. Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, đường sá đi lại khó khăn... Do đó, non nửa số hộ ở xã từng thuộc diện hộ nghèo.

Để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, các hộ sản xuất nông nghiệp đã tự nguyện chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm làm ăn với nhau thông qua việc tham gia Hội Nông dân. Đến nay, 100% xóm có chi hội nông dân, với tổng số hơn 1.000 hội viên, chiếm hơn 81% lao động nông nghiệp trên địa bàn.

Bà Lê Thị Thắm, xóm Tân Tiến, cho biết: Thông qua tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nông dân chúng tôi được xích lại gần nhau hơn. Bởi chúng tôi được gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn đầu tư, giống cây trồng, vật nuôi để cùng phát triển kinh tế gia đình…

Từ 3 năm trở lại đây, gia đình bà Thắm nuôi thường xuyên hơn 200 con gà, vịt/lứa; mỗi lứa hơn 100 con lợn thịt và 15 lợn nái; trồng 350 gốc nhãn, bưởi, thanh long. Bình quân mỗi năm, gia đình bà còn thu 10 tấn ngô hạt, chưa kể đến 10ha đất trồng rừng và cây dược liệu. Tính ra, trừ chi phí đầu tư, gia đình bà Thắm có thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.

Không chỉ bà Thắm, nhiều nông dân ở xã Dân Tiến đã trực tiếp làm thay đổi diện mạo quê hương mình bằng các mô hình kinh tế ổn định, mang lại thu nhập cao. Từ cơ sở, những nông dân làm kinh tế giỏi chủ động chia sẻ, giúp hộ khó khăn cùng vượt lên. Trong thời gian từ năm 2019 đến nay, nông dân xã Dân Tiến đã giúp nhau hàng tỷ đồng thông qua hình thức cho vay vốn, giống cây trồng, vật nuôi không tính lãi. Nhờ đó, nhiều hội viên không phải đi vay tiền bên ngoài với mức lãi suất cao để mua vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ngày giáp vụ không phải bán lúa non ngoài đồng.

Để “tiếp sức” cho hội viên trong phát triển kinh tế, giai đoạn 2019-2022, Hội Nông dân xã Dân Tiến đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng mở 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 1.000 lượt hội viên. Hội phối hợp với Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Võ Nhai cung ứng hơn 100 tấn phân bón trả chậm cho hội viên để sản xuất kịp khung thời vụ; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 277 lượt hội viên vay, với tổng dư nợ 15,5 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 224 lượt hộ vay, với tổng dư nợ gần 25 tỷ đồng. Đặc biệt ở xóm Ba Phiêng, 10 hộ được vay tổng vốn 400 triệu đồng để thực hiện Dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản”...

Điều kiện cần và đủ với nông dân là vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật được hỗ trợ kịp thời, tạo cho bà con khí thế phấn chấn, tự tin vươn lên. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao ngay trên miền đất khó Dân Tiến. Điển hình ở xóm Làng Mười có mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Dương Văn Liên, thường xuyên nuôi 7 con bò sinh sản trở lên; xóm Ba Phiêng có mô hình chăn nuôi trâu của gia đình ông Địch Văn Dương, nuôi thường xuyên từ 5 con trâu trở lên; xóm Đoàn Kết có mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Lê Văn Khuynh, nuôi thường xuyên 5.000-8.000 con gà trong chuồng… Các mô hình này có thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng/năm đã trừ chi phí.

Do tiền vốn hạn chế, các hộ ông Liên, ông Dương hay ông Khuynh thực hiện chăn nuôi gối vụ, duy trì tổng đàn vật nuôi ở một số lượng nhất định. Ví như hộ ông Khuynh, cứ bán đi 1.000 con gà thương phẩm thì nhập về 1.000 con giống. Bằng cách này, tháng nào các hộ cũng có sản phẩm xuất bán. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ổn định, cơ hội vươn lên làm giàu cũng nhiều hơn đối với những nông dân giàu nghị lực...

Phạm Ngọc Chuẩn

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang