• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng nuôi, trồng

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 01/08/2022
Ngày cập nhật: 4/8/2022

Mã vùng nuôi, trồng được coi là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu nông sản, cũng là điều kiện để nông sản có thể tiêu thụ trong nước với giá trị cao. Việc các vùng sản xuất nuôi, trồng có mã cũng thích ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp số hiện nay. Từ những yêu cầu trên, gần đây, các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng nuôi, trồng trên toàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng nuôi, trồng được hiểu là mã định danh cho một vùng sản xuất. Các vùng sản xuất có mã số là minh chứng về sản xuất theo quy trình, đảm bảo ATTP, có nguồn gốc, qua đó cơ quan quản lý, khách hàng thu mua nông sản theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo quy định hiện nay, liên quan đến mã số các vùng canh tác nông nghiệp bao gồm mã vùng trồng trọt, mã vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), chứng chỉ rừng, giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn an toàn dịch bệnh, giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... Việc rà soát thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các vùng canh tác cũng là một khía cạnh của cấp mã vùng.

Mô hình nuôi tôm thương phẩm tại Công ty TNHH Phương Anh (phường Hải Hòa, TP Móng Cái) đã được cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đang tập trung cấp mã vùng NTTS, cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực cho các cơ sở NTTS, trong đó tập trung vào các vùng nuôi tôm. Con tôm nuôi là một trong những nông sản chủ lực của nông nghiệp Quảng Ninh với 7.000ha nuôi tôm, trong đó gần 4.000ha nuôi theo hướng công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, tổng sản lượng tôm nuôi đặt ra cho Quảng Ninh năm 2022 này là 25.000 tấn.

Hiện hầu hết các cơ sở NTTS lớn trên địa bàn tỉnh đều có khá đầy đủ các giấy chứng nhận liên quan mã vùng NTTS. Đối với các cơ sở NTTS nông hộ, quy mô nhỏ cũng đang được các ngành chức năng triển khai cấp mã vùng. Tiêu biểu như tại TP Móng Cái, hiện nay, việc cấp mã vùng trồng đang được triển khai tại các vùng nuôi tôm tập trung toàn thành phố, bao gồm Vạn Ninh, Trà Cổ, Bình Ngọc, Hải Hòa... Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã cấp được gần 120 mã số vùng NTTS cho người dân.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, việc cấp mã vùng trồng được đánh giá thực hiện thuận lợi hơn, do đảm bảo về diện tích canh tác, chủng loại cây trồng, một số vùng đã và đang canh tác theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Trong số này, 45ha mô hình canh tác lúa - rươi tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên đã được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, mới đây, đơn vị chức năng đã thí điểm triển khai mô hình mã hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS. Báo cáo của Sở NN&PTNT cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 1.100ha đất trồng trọt được chứng nhận VietGAP, bao gồm 331ha na, 33ha chè, 195ha lúa, 80ha rau củ, 446ha cây ăn quả (vải, thanh long, cam...); 14 vùng trồng cây ăn quả và 5 cơ sở đóng gói quả tươi đủ điều kiện xuất khẩu. Đây là những mã vùng trồng quan trọng, cho phép các doanh nghiệp nông sản có vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu.

Diện tích canh tác người dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) triển khai mô hình canh tác lúa - rươi và được cấp giấy chứng nhận vùng canh tác hữu cơ.

Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, các cánh rừng trồng khi đạt đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ rừng. Đây là một loại thông số chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, đảm bảo được khai thác trên diện tích rừng trồng, phù hợp về mật độ, quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, đủ tuổi khai thác và có trồng bù sau khai thác... Trong lĩnh vực chăn nuôi, chuyển động mới nhất gần đây liên quan đến nội dung cấp mã vùng sản xuất là nhiều cơ sở nuôi tập trung đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Có thể thấy, việc cấp mã cho các vùng sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu để nông nghiệp hội nhập kinh tế số, khẳng định chất lượng, giá trị trong thị trường tiêu thụ trong nước và có cơ hội xuất khẩu vào thị trường nước ngoài. Hiện nay, từ các mã vùng sản xuất này, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc và đưa các sản phẩm nông sản, thủy sản lên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, là hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, địa chỉ truy cập hệ thống https://qn.check.net.vn/, đã tích hợp thành công Hệ thống vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa chỉ http://checkvn.mard.gov.vn/.

Với những bước tiến trên trong công tác cấp mã vùng nuôi, trồng sẽ là cơ sở để nông nghiệp Quảng Ninh phát triển bền vững, mang lại giá trị, lợi nhuận cao cho người dân.

Việt Hoa

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang