• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Chợ Lách tất bật mùa hoa kiểng Tết

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 19/12/2022
Ngày cập nhật: 20/12/2022

Vùng đất Chợ Lách được xem là “Vương quốc” hoa, cây kiểng của tỉnh Bến Tre và cả nước. Mỗi năm cung cấp hàng triệu sản phẩm phục vụ thị trường Tết. Những ngày này, đi dọc các con đường quanh các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Vĩnh Hòa, Phú Sơn… đâu đâu cũng thấy người dân tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng để cận Tết mang ra chợ bán.

Người dân làng hoa Chợ Lách chăm sóc hoa giấy chuẩn bị bán Tết.

Cả làng tất bật

Theo nhiều nghệ nhân, làng hoa Chợ Lách hình thành cách đây hơn một thế kỷ. Người có công đầu đặt nền móng cho nghề trồng hoa, cây kiểng ở Chợ Lách là nhà khoa học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) khi ông mang nhiều cây giống, hoa kiểng về cho dân vùng này trồng. Qua thời gian, nghề trồng hoa, cây kiểng truyền thống tại Chợ Lách phát triển cho đến nay với hàng ngàn nông hộ sản xuất quanh năm, nhiều nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Có thâm niên hơn 20 năm trồng hoa bán Tết, ông Trần Văn Hậu, ngụ xã Long Thới tất bật gần như quanh năm để chăm sóc hoa cúc mâm xôi, quất (tắc) bán Tết. Ông Hậu đang chăm sóc 1.500 giỏ hoa cúc mâm xôi đang chuẩn bị ra hoa, cho biết: “Người dân làng nghề hầu như nhà nào cũng trồng hoa, cây kiểng để bán trong dịp Tết. Để trồng cúc mâm xôi tôi phải chuẩn bị trước 6 tháng để gieo hạt, chăm sóc kỹ lưỡng nhằm giúp ra hoa ngay đúng dịp Tết. Trước đây, cứ độ 25 tháng Chạp là tôi cùng vợ chuyển hoa xuống ghe để chở ra chợ Tết bán đến đêm 30 khi mọi người đón giao thừa mới trở về nhà. Ăn Tết được vài bữa lại tất bật chuẩn bị phân bón, cây giống trồng cho mùa Tết năm sau. Cứ như vậy năm này qua năm khác, người dân làng hoa luôn vất vả để làm đẹp cho đời trong những ngày Tết”.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách Trần Minh Mẫn cho biết: “Trên địa bàn huyện có hơn 6.000 hộ chuyên trồng hoa, cây kiểng. Trong đó, có 2.500 hội viên Hội Sinh vật cảnh, khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và 7 nghệ nhân cấp quốc gia. Làng nghề truyền thống này có từ rất lâu đời và ngày một phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Làng hoa giờ không chỉ nổi tiếng hoa nở, mai vàng mà còn rất nhiều loại hoa treo, hoa giấy được bán trong Nam, ngoài Bắc vào dịp Tết Nguyên đán. Người dân làng nghề tuy vất vả quanh năm nhưng được cái là thu nhập khá cao và giúp nhiều người có việc làm”.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Vụ hoa kiểng Tết năm 2023, huyện Chợ Lách sản xuất hơn 12 triệu sản phẩm, tăng hơn 4 triệu sản phẩm so với năm trước. Thông qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, nhà vườn trực tiếp giới thiệu, bán sản phẩm cho người tiêu dùng và bán theo cách truyền thống thông qua thương lái. Hiện nay, hơn 60% sản phẩm đã được các thương lái, người tiêu dùng đặt hàng.

Phát triển làng nghề truyền thống

Mặc dù vất vả nhưng thế hệ này đến thế hệ khác, người dân làng hoa Chợ Lách vẫn giữ nghề và truyền lại cho thế hệ con cháu. Gia đình ông Phạm Văn Màu, ngụ xã Vĩnh Hòa có 4 thế hệ theo nghề trồng hoa, cây kiểng. Ông Màu cho biết: “Năm 14 tuổi tôi đã học nghề trồng hoa, cây kiểng từ ông ngoại, các cậu, dì. Lúc đó, trồng các loại cây đơn giản như: vạn thọ, mai vàng, mai chiếu thủy… đợi đến Tết chở ra chợ bán. Cách đây hơn chục năm, tôi bắt đầu chuyển sang trồng hoa giấy cho đến nay”. Nghề trồng hoa giấy tuy vất vả nhưng mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình ông. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hơn 1 tỷ đồng từ việc bán hoa giấy. Hiện tại, toàn bộ 4.000m2 đất của gia đình ông đều trồng hoa giấy bán quanh năm. Ông Màu đang truyền nghề lại cho đứa con trai là Phạm Quốc Thái để tiếp nối nghề của cha ông. Thái cho biết: “Mấy năm trước em làm thợ bạc tại TP. Hồ Chí Minh, cuộc sống cũng khá ổn định. Gần đây cha em kêu về phụ giúp nên em quyết định nghỉ việc về quê tiếp tục phát triển nghề trồng hoa, cây kiểng truyền thống của gia đình”.

Ông Phạm Văn Màu truyền nghề sản xuất hoa, cây kiểng cho con trai.

Nghệ nhân Lê Gặp Em, 59 tuổi, ngụ xã Tân Thiềng gắn bó gần như cả cuộc đời để tạo dáng cây kiểng. Vườn cây linh sam, mai vàng, tùng, nguyệt quế… của ông được tạo dáng cẩn thận có giá hàng tỷ đồng. Ông Em cho biết: “Hơn 1 năm nay tôi tạo kênh YouTube để truyền dạy lại cho những người đam mê cây kiểng cách tạo dáng sao cho đẹp. Đến nay, có khoảng 4 ngàn người được tôi chỉ dạy trực tiếp và qua mạng xã hội sẽ là thế hệ tiếp nối truyền thống trồng hoa, cây kiểng của làng nghề Chợ Lách nổi tiếng từ xưa đến nay”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: Bên cạnh việc triển khai xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, tỉnh vừa triển khai Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Đề án sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 - 500ha trên diện tích 1.500ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng. Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2017, tỉnh thực hiện việc thí điểm Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách kết nối 4 ấp gồm: Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn), An Hòa (xã Long Thới), Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành). Vòng kết nối với tổng diện tích 1.490ha đi qua 4 xã. Trung tâm đặt tại xã Vĩnh Thành trong khu lưu niệm nhà khoa học Trương Vĩnh Ký. Từ đó, khách du lịch có thể tham quan các điểm du lịch của địa phương ở xung quanh như Nhà thờ Cái Mơn, nhà cổ, vườn sầu riêng, làng hoa giấy, vườn cây ăn trái, vườn sản xuất cây giống lớn nhất cả nước…

Bài, ảnh: Hoàng Trung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang