• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh: Kết quả chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cá đĩa cho nông dân huyện Hóc Môn

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM, 10/10/2019
Ngày cập nhật: 12/10/2019

Cá cảnh là một trong những chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) ưu tiên phát triển và là đối tượng giúp cho người dân tạo ra giá trị và thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích. Nghề nuôi cá cảnh hiện đang phát triển mạnh về sản xuất lẫn xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao, đây là động lực phát triển trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, quy hoạch khu làng nghề sinh vật cảnh quy mô 500 ha dọc theo sông Sài Gòn ở huyện Củ Chi,… Hiện tổng diện tích sản xuất, nuôi cá cảnh trên toàn Thành phố hiện đạt khoảng gần 90 ha với gần 300 cơ sở/hộ nuôi, tập trung ở một số quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Quận 9,… Với năng lực sản xuất cung cấp ra thị trường khoảng 124 triệu con/năm (số liệu tháng 7/2019) và với hơn 60 chủng loại, chủ yếu là cá đĩa, chép nhật, Koi, bảy màu, la hán, chép Nam Dương, Neon, ông tiên, tứ vân, xiêm…

Trong các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới thì cá đĩa là khó nuôi nhất, nhưng giá trị kinh tế đem lại cao gấp nhiều lần, chính vì thế để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất cá đĩa giống giúp nâng cao thu nhập cho nông hộ, từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019 Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã hỗ trợ xây dựng 04 mô hình trình diễn khuyến nông “Sản xuất giống cá đĩa” cho 08 hộ trên 04 quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12 và Bình Chánh với quy mô 25 cặp cá đĩa giống/ hộ, 50 cặp/mô hình, trong đó Khuyến nông hỗ trợ 100% chi phí giống với giá giống 800.000 đồng/cặp (size 8 – 10 cm/con), tổng kinh phí khuyến nông hỗ trợ là 160 triệu đồng/04 mô hình, còn các hộ đối ứng phần thức ăn, công chăm sóc, điện nước,…. Mục tiêu mô hình về mặt kỹ thuật tỷ lệ tham gia sinh sản của cá mẹ là từ 60-80%, tỷ lệ đậu cá con từ 800 - 1.000 con/ cá mẹ/năm. Về mặt kinh tế: năng suất phải đạt 21.600 con/01mô hình/2 hộ, giá thành khoảng 2.000 đồng/con, ước lợi nhuận đạt 136.000 triệu đồng.

Đánh giá kết quả việc chuyển giao mô hình tại hộ Ông Hồ Đắc Lợi (Ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm) và hộ bà Lê Thị Hòa (Ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp), huyện Hóc Môn sau 9 tháng thực hiện: Tỷ lệ sống đạt 80%, tỷ lệ tham gia sinh sản của cá mẹ đạt 70% (với hộ ông Lợi là 18 cặp đẻ và hộ bà Hòa thì 16 cặp). Trung bình mỗi cá đẻ 1 - 2 ổ trứng/tháng và nở >100 con/ ổ, tỷ lệ đậu cá con chỉ sau 3 - 4 tháng cho đẻ hiện đạt trên 400 con, ước cả năm đạt 800 cá con/cái với giá bán cá con size 2 từ 10.000 – 12.000 đ/con (sau 2 tháng nuôi) và giá 180.000 – 200.000 đ/con (size 8 - 10, sau 8 tháng nuôi), sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng/ mô hình.

Theo Ông Quách Vĩ An – đại diện hộ bà Hòa cho biết: Tôi rất vui vì được tham gia mô hình do nhà nước hỗ trợ. Giống cá đĩa do Trung tâm Khuyến nông TP chuyển giao tốt, màu sắc đẹp, ít nhiễm bệnh, hao hụt ít. Mặc dù đây là loại cá rất khó nuôi nhưng do được tư vấn kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, từ tìm hiểu và nghiên cứu kỹ con cá này nên tôi cũng không khó khăn gì trong việc chăm sóc. Trung bình mỗi ngày tôi thay nước 01 lần (thay khoảng 70% nước/hồ). Thức ăn gồm trùn chỉ và tim bò xay nhuyễn. Mỗi ngày trung bình 01 con ăn khoảng 02 gam thức ăn (01 trùn, 01 tim bò) tùy cá lớn nhỏ. Hầu hết cá giống chuyển giao đã và đang bắt cặp đẻ, đến nay đã sản xuất được hơn 500 con cá đĩa thương phẩm size 5 - 6 (khoảng 3 tháng nuôi), chúng tôi sẽ nuôi thêm 4 tháng nữa mới bán cho có giá. Hiện thị trường cá đĩa đang ổn định nên không mấy khó khăn về đầu ra, giá dao động từ 180.000 – 400.000 đồng/con (size 10-12, tùy loại cá). Thời gian tới mong nhận được nhiều loại giống mới để từng bước nâng cao chất lượng và giá trị đàn cá giống ra thị trường.

Phát biểu tại buổi hột thảo tổng kết, bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM nhấn mạnh: Năm 2018, Ủy ban nhân dân TP.HCM ban hành danh mục 06 nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp TP có tỷ trọng và giá trị cao; Có khả năng mở rộng sản xuất giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; Có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân ngoại thành trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhóm sản phẩm thủy sản tiềm năng là cá cảnh. Cá đĩa là loài cá cảnh khó nuôi nhất hiện nay bởi vì cá đĩa có rất nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học với họ hàng cá rô phi nói riêng và các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới nói chung. Chính vì vậy, để nuôi thành công, người nuôi cần nắm vững kỹ thuật nuôi, phải theo dõi kỹ các biến động về môi trường để xử lý kịp thời khi có bất lợi xảy ra. Đặc biệt chú ý 2 điều: một là cá đĩa rất nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng mạnh. Khả năng thích nghi với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, độ cứng của nước rất thấp. Dễ bị nhiễm nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút. Hai là cá đĩa đòi hỏi rất cao về chất lượng nước như độ pH cá sinh sản phải đạt từ 6 - 6.2, cá con: 6.5 – 6.8 và cá trưởng thành 6 – 6.8. Độ cứng của nước đối với cá đĩa sinh sản: 5-60dH (10dH – 17,9mg CaCO3/L), cá con < 04 tuần tuổi): 8 - 100dH, cá > 4 tuần tuổi: 5 - 60dH… Qua khảo sát, đánh giá kết quả mô hình được thực hiện tại Hóc Môn, các mục tiêu về mặt kỹ thuật và kinh tế đều đạt cao hơn so với yêu cầu mô hình mang lại. Thấy 02 hộ tham gia phấn khởi làm động lực giúp cho chúng tôi ngày càng cố gắng hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật để chuyển giao cho bà con đạt kết quả tốt nhất, đồng thời để đạt kết quả khả quan này, chúng tôi cám ơn sự hợp tác nhiệt tình và sự quan tâm của 02 hộ tham gia. Trong năm 2019, đơn vị chúng tôi sẽ chuyển giao một số loại giống cá cảnh nhập ngoại với mong muốn ngày càng cải thiện lại nguồn giống cá đĩa nói chung và cá loài cá cảnh nói riêng trên địa bàn Thành phố đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Giá giống cá đĩa nhập ngoại khoảng 2.600.000 đồng/con, Khuyến nông sẽ hỗ trợ 50% chi phí giống, 50% chi phí thức ăn (định mức hỗ trợ theo Nghị định 83/2018/CP ngày 24/5/2018 về Khuyến nông). Bà con nông dân nào có nhu cầu liên hệ với Trạm Khuyến nông địa phương để đăng ký tham gia.

Vân Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang