• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngăn chặn, diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 03/12/2018
Ngày cập nhật: 5/12/2018

Theo cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 19 loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Một số loài đã phát tán rất nhanh nhưng chưa có kế hoạch diệt trừ phù hợp. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.

Đề tài “Đánh giá hiện trạng sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh và đề xuất biện pháp quản lý” do Tiến sĩ Lê Hoài Nam - Giám đốc Chi nhánh phía nam, Trung tâm Tư vấn công nghệ, Tổng cục Môi trường làm chủ nhiệm, thực hiện trong 2 năm 2016 - 2017. Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, trên địa bàn tỉnh có 19 loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Cụ thể, về thực vật có 11 loài gồm: cỏ lào, trinh nữ móc, mai dương, ngũ sắc, lục bình, keo dậu, sò đo cam, cỏ cứt lợn, cỏ tranh, cúc xuyến chi, dây bìm Bois. Về động vật có 8 loài: rùa tai đỏ, cá tỳ bà lớn còn gọi là cá lau kính, cá ăn muỗi, cá trê phi, cá rô phi đen, ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi và bọ hại lá dừa.

Theo kỹ sư Trần Giỏi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, ở Việt Nam, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã xuất hiện, phát triển và xâm lấn, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, gây tổn thất về kinh tế, điển hình là loài ốc bươu vàng và mai dương. Tuy vậy, nhận thức và hiểu biết của cán bộ quản lý cũng như cộng đồng về sinh vật ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại.

Nghiên cứu sự xâm lấn của cá tỳ bà. (Ảnh do Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Chi nhánh ven biển cung cấp)

Trong số các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, một số loài cũng có tác dụng tích cực về mặt kinh tế như: khai thác làm hàng thủ công mỹ nghệ (lục bình), dược liệu (ngũ sắc, cỏ lào, cỏ tranh, keo dậu, cúc xuyến chi), cây cảnh (sò đo cam), thức ăn gia súc, phân xanh (keo giậu)… Tuy nhiên, nhiều loài có nguy cơ xâm lấn mạnh, o ép loài bản địa, gây nguy hại, khó tiêu diệt, không thể kiểm soát như: bọ hại dừa, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng… Đặc biệt, loài mai dương và trinh nữ móc đã lan tràn khắp nơi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nếu để lớn rất khó diệt bởi đây là những loài có gai, móc nhọn.

Hiện nay, công tác tuyên truyền phổ biến và tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai xâm hại còn nhiều hạn chế. Nhiều nông dân chưa biết đâu là loài ngoại lai xâm hại để phòng trừ, tiêu diệt, thậm chí còn gây nuôi, phát triển. Nhiều người chơi sinh vật cảnh vẫn thích gây nuôi những loài mới mà chưa hiểu tác hại của nó đối với môi trường sống. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã chứng kiến nhiều khu vực sông, suối, ao, hồ, vùng gò bãi, cây mai dương, trinh nữ móc gần như lấn át các loài bản địa.

Theo ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, sở đã lồng ghép và phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ của sinh vật ngoại lai xâm hại, các biện pháp phòng ngừa và xuất bản các ấn phẩm truyền thông về sinh vật ngoại lai xâm hại nhằm hỗ trợ công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế, chưa tác động sâu sắc tới người dân. Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sinh vật ngoại lai xâm hại cho người dân, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục khảo sát, lập kế hoạch diệt trừ một số loài ngoại lai nghiêm trọng trên địa bàn như: mai dương, trinh nữ móc...

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1896 phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu chung là ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Ngoài nội dung điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường năng lực quản lý, năng lực khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai, đề án còn thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng tại Việt Nam gồm: ốc bươu vàng, mai dương và trinh nữ móc.

V.LẠC

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang