• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai: ‘Lá phổi’ xanh của Đông Nam bộ

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 26/11/2018
Ngày cập nhật: 28/11/2018

Ngày 28-11, tại Đồng Nai sẽ diễn ra Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2018 của Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới tại Việt Nam”. Hiện nay, nước ta có 9 khu DTSQ được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới.

Nhiều loại động vật quý hiếm hiện được bảo tồn ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Ngày 29-6-2011, Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu DTSQ thứ 580 của thế giới với tổng diện tích gần 970 ngàn hécta. Khu DTSQ Đồng Nai trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó, có hơn 80% diện tích vùng lõi nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai.

* Bảo tồn nhiều loài quý hiếm

Khu DTSQ Đồng Nai là nơi có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, đại diện cho rừng miền Đông Nam bộ. Qua điều tra, đã ghi nhận được gần 2,4 ngàn loài thực vật, trên 8 ngàn loài động vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam - WCS thì Đồng Nai là nơi còn giữ được nhiều rừng tự nhiên và bảo tồn được nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, thế giới như: voi, bò tót, gấu chó, tê giác java, gà so cổ hung... Ngoài ra, Khu DTSQ Đồng Nai còn bảo tồn nhiều loại thực vật quý hiếm như: gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, thủy tùng, căm xe, trắc.

Cùng với các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, Khu DTSQ Đồng Nai còn được biết đến bởi 3 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Địa đạo Suối Linh và Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên.

Ngoài ra, vùng đất này còn ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa lớn, là nơi giao thoa văn hóa của trên 30 dân tộc.

TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý Khu DTSQ Đồng Nai cho biết: “Từ khi được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới, ban quản lý luôn thực hiện tốt 3 chức năng là: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ”. Khoảng 15 năm nay, Đồng Nai đã tiến hành đóng cửa rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học và làm chậm lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho hay: “Đồng Nai được Trung ương đánh giá là một trong số ít tỉnh, thành của cả nước còn giữ được nhiều rừng tự nhiên. Vì đã đóng cửa rừng nhiều năm nên các loài động, thực vật trong rừng tự nhiên của tỉnh rất đa dạng và phong phú”.

* Lá phổi xanh của khu vực

Nhiều nhà khoa học đánh giá, Khu DTSQ Đồng Nai được xem như là lá phổi xanh cho khu vực Đông Nam bộ. Đồng Nai có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát triển rừng và luôn hướng đến mục tiêu “Bảo tồn để phát triển - phát triển để bảo tồn”.

TS.Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh nhận xét: “Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước trong việc đóng cửa rừng từ rất sớm để phục hồi và phát triển. Trước khi Đồng Nai đóng cửa rừng thì rừng đã bị khai thác rất kiệt, nhưng sau đó đã được phục hồi nhanh. Ở Việt Nam hiện còn rất ít tỉnh, thành giữ lại được trên 170 ngàn hécta rừng liền khoảnh như Đồng Nai”.

Cũng theo TS.Đồng thì tỉnh giữ rừng rất nghiêm ngặt, gần như không còn tình trạng vào rừng khai thác gỗ lớn như các tỉnh, thành khác. Do đó, Khu DTSQ Đồng Nai là khu vực có đa dạng sinh học phong phú và là nơi lưu trú của các loại thực vật, động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới.

Khu DTSQ Đồng Nai chia làm 3 phần là: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trong đó, vùng lõi có diện tích hơn 173 ngàn hécta gồm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên, vùng đệm gần 350 ngàn hécta và vùng chuyển tiếp gần 447 ngàn hécta. Trong những năm qua, Khu DTSQ Đồng Nai đã cùng với 8 khu DTSQ khác của Việt Nam đã luôn bảo tồn và phát triển để tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

9 khu DTSQ Việt Nam được UNESCO công nhận gồm: Khu DTSQ Đồng Nai, rừng ngập mặn Cần Giờ, Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và đảo Kiên Giang, miền Tây Nghệ An, mũi Cà Mau, cù lao Chàm - Hội An, Langbiang.

Hương Giang

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang