• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trà Vinh: Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy xã Đông Hải: Rộn ràng mùa giáp Tết

Nguồn tin: Cổng TTĐT Trà Vinh, 12/02/2018
Ngày cập nhật: 17/2/2018

Năm nào cũng vậy, thời gian cận Tết là giai đoạn “nước rút” trong năm, nên các cơ sở, hộ sản xuất các loại thủy sản ở Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) rộn ràng lên, tập trung nhân lực, vật lực, thu gom nguyên liệu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường Tết, phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là thời gian, số lao động trong làng nghề tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống…

Phân loại tôm khô tại cơ sở thu mua, chế biến thủy sản Tiến Hải

Ông Lữ Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, huyện Duyên Hải chia sẻ: Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy năm 2017 tương đối ổn định. Hiện làng nghề có 7 cơ sở và 356 hộ, tập trung tại 3 ấp Xóm Đáy, Động Cao và Định An; tổng số lao động trong làng nghề là 1.148 người. Trong đó, có 998 lao động thường xuyên, 80 lao động phục vụ cho cơ sở sản xuất và 1.068 lao động tại hộ (gia đình). Theo số liệu tổng kết cuối năm, sản lượng sản xuất của làng nghề năm 2017 khoảng 4.563 tấn sản phẩm các loại, tổng giá trị khoảng 196,72 tỷ đồng. Trong đó, tôm khô khoảng 350 tấn, giá trị 140 tỷ đồng; cá khô 613 tấn, giá trị khoảng 24,5 tỷ đồng; ruốc khô 1.700 tấn, giá trị 17 tỷ đồng, phân cá khô 1.900 tấn, giá trị 15,2 tỷ đồng. Kết quả sản xuất, kinh doanh của 7 cơ sở/doanh nghiệp thuộc làng nghề năm 2017: Đối với sản xuất phân cá, phân ruốc, tôm khô, cá khô khoảng 2.893 tấn, giá trị khoảng 139,52 tỷ đồng. Đối với hộ sản xuất khoảng 1.670 tấn, giá trị khoảng 57,2 tỷ đồng.

Đến thăm làng nghề vào những ngày giáp Tết, không khí ở đây thật nhộn nhịp. Ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở thu mua chế biến thủy sản Tiến Hải cho biết: Cơ sở của ông nếu đủ nguyên liệu, sẽ sản xuất bình quân từ 5 - 7 tấn tôm/ngày, nhưng năm nay, chỉ sản xuất bình quân hơn 1 tấn/ngày. Cơ sở của ông có 10 lao động thường xuyên và từ 15-17 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 20.000 đồng/giờ….

Qua tìm hiểu, nguồn nguyên liệu phục vụ cho làng nghề bị lệ thuộc phần lớn vào sản lượng khai thác. Hiện nay, toàn xã có 185 ghe đánh bắt, tuy nhiên chỉ có 6 chiếc trên 90CV, số còn lại không thể đánh bắt xa bờ. Do đó, sản lượng tôm, cá tươi, phân ruốc từ nguồn khai thác biển năm 2017 có phần nào giảm hơn so với những năm trươc đây, ước chỉ khoảng 20 ngàn tấn, đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho chế biến 4.563 tấn sản phẩm. Các sản phẩm kinh doanh chủ lực của làng nghề: Tôm khô, cá khô, ruốc khô, phân cá khô, tôm biển khoảng 1.750 tấn; cá các loại 1.910 tấn; thủy sản khác 15.450 tấn; thị trường tiêu thụ chủ yếu nội địa, cung cấp cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải được công nhận ngày 11/9/2009. Qua gần 10 năm hoạt động, tuy có những thuận lợi và khó khăn đan xen, song phải khẳng định rằng hoạt động của làng nghề phát triển khá, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nhất là đối với xã vùng ven biển, có thế mạnh về kinh tế biển.

Ông Lữ Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Thấy được tiềm năng và lợi thế phát triển của địa phương, xã đã quan tâm, tranh thủ nhiều nguồn vốn, áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm tạo cho Làng nghề “đứng vững”. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế chung của huyện, xã có thêm nhiều hộ dân tham gia khai thác, chế biến thủy sản và có nhiều doanh nghiệp được thành lập nên kinh tế của xã cũng được cải thiện. Song song đó, địa phương cũng quan tâm thực hiện việc bảo tồn và phát triển làng nghề, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân ý thức bảo vệ môi trường, giữ vững nghề truyền thống. Triển khai quán triệt Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Song song với những tích cực, hiện nay hầu hết các chủ cơ sở và hộ sản xuất đều rất cần vốn để mở rộng sản xuất, trang bị máy móc, thiết bị nhưng lại thiếu tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng. Các kho chứa hàng và sân phơi của các cơ sở, hộ sản xuất đã tận dụng nhà ở, sân nhà nên khả năng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là rất cao. Kết cấu hạ tầng khu vực làng nghề có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng với quy mô và tiềm năng phát triển: chưa có sân phơi tập trung, bến để tàu thuyền neo đậu để chuyển sản phẩm đánh bắt về và cung cấp hậu cần nghề cá…

Với những khó khăn đó, UBND xã đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2018: Tuyên truyền vận động nhân dân ý thức bảo vệ môi trường làng nghề. Vận động các cơ sở xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làm ra, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề thoát nước phục vụ làng nghề và hậu cần nghề cá. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong làng nghề. Phân công cán bộ phụ trách trực tiếp, đáp ứng nhu cầu và các vấn đề cần giải quyết của làng nghề để hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện. Quảng bá sản phẩm thông qua nhiều hình thức như: Tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông tin hình ảnh sản phẩm làng nghề... nhằm mục đích giới thiệu cho mọi người biết đến sản phẩm của làng nghề.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 làng nghề: Làng nghề Đan đát xã Đại An, Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang, Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Tân (huyện Trà Cú); Làng nghề Bánh tét xã Kim Hòa, Làng nghề sơ chế biến thủy sản thị trấn Mỹ Long, Làng nghề làm cốm dẹp, xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang); Làng nghề sơ chế biến thủy sản Đông Hải (huyện Duyên Hải); Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp xã Lương Hòa, Làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh, Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ (huyện Châu Thành), Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp xã Đức Mỹ (huyện Càng Long); Làng nghề bó chổi Tân Hòa (huyện Tiểu Cần); Làng nghề trồng hoa kiểng ấp Long Bình, Phường 4 và Làng nghề trồng hoa kiểng ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức (thành phố Trà Vinh).

Trường Hiếu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang