• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Dồn sức phát triển ngành tôm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 12/12/2018
Ngày cập nhật: 13/12/2018

Nhiều năm qua nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm được xem là thế mạnh về kinh tế của các địa phương ven biển ĐBSCL. Có thể nói, con tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, mang về giá trị lớn; qua đó giúp nhiều gia đình vươn lên khá giả.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Minh Phú - Cà Mau.

Có lãi nhưng vẫn… lo

Những ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL có chiều hướng tăng làm cho người dân và doanh nghiệp phấn chấn. Ông Bùi Hoàng Anh, ngụ xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết: “Tôm sú loại 30 con/kg được các nhà máy và thương lái thu mua giá khoảng 180.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 50 con/kg có giá khoảng 120.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 80 con/kg giá hơn 100.000 đồng/kg… Với giá này, người nuôi lời nhẹ, nhưng không bằng các năm trước”. Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố Võ Văn Chồi cho hay: “Từ đầu năm 2018 đến nay, nông dân trong xã thả nuôi khoảng 2.200ha tôm các loại, hiện tại giá tôm nhích lên nên bà con có lãi từ 10.000-30.000 đồng/kg (tùy loại) và ai cũng hy vọng thời điểm cuối năm giá tôm tiếp tục tăng, do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới mạnh lên. Con tôm là kinh tế chính của vùng này, vì vậy giá tôm tăng hay giảm đều tác động trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân nơi đây”.

Đi dọc theo vùng ven biển ở Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang… chúng tôi chứng kiến nhiều nông dân tranh thủ thu hoạch tôm để bán cho thương lái. Ông Phạm Văn Hải, ngụ xã nông thôn mới Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), bộc bạch: “Thời điểm quý II-2018, không hiểu do đâu mà giá tôm thẻ ở ĐBSCL liên tục giảm mạnh khiến hàng loạt hộ nuôi lo lắng. Lúc đó, thương lái thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000-75.000 đồng/kg, giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó tôm thẻ loại 60 con/kg, giá cũng rất thấp chỉ 100.000 đồng/kg… Với mức giá này, người nuôi gần như không có lãi, thậm chí lỗ vốn đầu tư. Nay đã vào giai đoạn cuối năm và giá tôm nhích lên nên bà con có phần an tâm hơn”. Ông Lê Văn Vũ, ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre), nhớ lại: “Cách nay vài tháng, cùng với rớt giá thì tôm thẻ đang đối mặt với dịch bệnh bởi thời tiết thay đổi khi xuất hiện mưa nhiều. Không ít ao tôm thẻ đột ngột bị bệnh và chết tràn lan khiến nông dân lỗ trắng. Bây giờ thì mọi việc đã ổn hơn…”.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá tôm nguyên liệu trong năm 2018 có nhiều biến động. Nếu như tôm sú duy trì giá tương đối ổn định thì tôm thẻ lại giảm 10.000-30.000 đồng/kg (tùy theo cỡ tôm); tôm thẻ giảm chủ yếu ở loại từ 80-100 con/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu ở thị trường Hoa Kỳ còn tồn kho cao, tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch hạn chế. Ngoài ra, sản lượng thu hoạch tôm thẻ ở một số nước sản xuất tôm lớn đều tăng, dẫn đến nguồn cung dồi dào; thế là các nhà nhập khẩu ép giảm giá tôm.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp… bình tĩnh ứng phó bởi hàng chục năm qua chúng ta phát triển rất tốt ngành tôm nên không có lý gì mà không giải quyết được. Chính sự điều phối kịp thời, nuôi rải vụ tôm, tránh thu hoạch ào ạt lúc thị trường khó khăn… và đến nay giá tôm tăng trở lại theo hướng có lợi cho nông dân và doanh nghiệp. Cũng từ sự ứng phó hợp lý, cộng với kinh nghiệm thương trường nên không ít doanh nghiệp xuất khẩu từ chỗ khó khăn đã chủ động điều tiết thị trường, tăng dần số lượng xuất khẩu…

Hướng tới mục tiêu bền vững

Bộ NN&PTNT dự báo, cả năm 2018, ngành tôm có khả năng xuất khẩu từ 3,8-4 tỉ USD, tương đương năm trước. Hiện nay, sản phẩm tôm của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 90 thị trường trên thế giới và ngày càng được người tiêu dùng các nước ưa chuộng. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng nếu chúng ta tận dụng tốt các cơ hội thì xuất khẩu tôm cả năm 2018 có khả năng đạt 4 tỉ USD. Song, chúng ta cần tính toán những bước đi dài hạn…

Dù con tôm mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu của ngành thủy sản, song, trên thực tế việc sản xuất và xuất khẩu tôm còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa mang tính bền vững. Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua tỉnh chọn con tôm là thế mạnh để đột phá phát triển. Hiện toàn tỉnh thả nuôi khoảng 278.000ha tôm mỗi năm, sản lượng 146.000 tấn, cung ứng cho 34 nhà máy chế biến xuất khẩu với kim ngạch khoảng 1 tỉ USD/năm. Hiệu quả của con tôm là rất cao, song trước tình trạng dịch bệnh thường xuyên xuất hiện, những tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn… gây khó khăn không nhỏ cho con tôm, vì thế tỉnh đang đầu tư đồng bộ để phát triển bền vững nghề này. Theo đó, Cà Mau sẽ tập trung chuyển đổi một số diện tích sản xuất cây, con kém hiệu quả sang nuôi tôm. Tỉnh xây dựng đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020 và định hướng năm 2030”, với mục tiêu là ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển nghề nuôi tôm hiện đại, hiệu quả. Cà Mau sẽ đa dạng hóa các loại hình nuôi tôm như: nuôi siêu thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm - lúa, tôm - rừng… tùy điều kiện từng nơi mà áp dụng phù hợp. Tỉnh đầu tư mạnh về hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi tôm; tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, vật tư phục vụ nuôi tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng con tôm.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tình hình xuất khẩu tôm đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia… Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ nuôi tôm tự phát, nhỏ lẻ dẫn đến chi phí đầu tư cao, chất lượng chưa như mong muốn. Điều này cần nhanh chóng khắc phục. Tổng cục Thủy sản cho biết, để giảm giá thành trong nuôi tôm, các hộ nông dân cần kết nối với nhau nhằm thuận lợi trong việc mua con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi và dễ dàng liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho con tôm. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi các thiết bị hiện đại hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi tôm chất lượng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nước biển dâng sẽ làm nhiều nơi bị nhiễm mặn gây khó cho một số cây trồng khác, nhưng chuyển đổi sang tôm sẽ thích ứng - nhất là vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tôm trên thế giới rộng lớn và chưa có ngưỡng giới hạn. Vấn đề hiện nay là rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh diện tích nuôi hợp lý; cơ cấu lại vùng nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để hình thành chuỗi giá trị. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 10 tỉ USD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang