Nguồn tin: Nhân Dân, 02/01/2018
Ngày cập nhật:
3/1/2018
Vùng nuôi cá tra của Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu thủy sản An Giang.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11-2017, xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là xuất khẩu sang các thị trường lớn, chất lượng cao như Mỹ và EU đang giảm sâu, đối lập với mức tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc…
Giảm mạnh ở thị trường lớn
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11-2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 319,7 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại thị trường EU, kim ngạch đạt 180,107 triệu USD, chiếm tỷ lệ 11,4%, giảm 22,1% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt, tại thị trường Tây Ban Nha, riêng 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra đã giảm hơn 70% và dự đoán cả năm sẽ giảm khoảng 60 đến 75% so với năm 2016.
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh tại thị trường Mỹ và EU là do hàng rào kỹ thuật và thương mại. Như tại thị trường Mỹ là do kết quả thuế chống bán phá giá của các đợt xem xét hành chính đều ở mức cao, khiến số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường này ngày càng giảm. Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 60 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ, nhưng thực tế chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có xuất khẩu hàng với số lượng không lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với rào cản kỹ thuật từ ngày 2-8-2017, thời điểm tất cả lô hàng các loài cá da trơn nhập khẩu vào thị trường này chính thức phải thanh tra theo đạo luật Farm Bill, khiến doanh nghiệp tổn hại chi phí và mất nhiều thời gian chờ đợi trước khi sản phẩm được chính thức cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ.
Còn đối với thị trường EU, theo VASEP, xuất khẩu giảm mạnh là do sản phẩm cá tra Việt Nam bị cạnh tranh áp đảo từ các sản phẩm cá thịt trắng trong khu vực. Riêng đối với thị trường Tây Ban Nha là do “cú sốc” khủng hoảng truyền thông ngay từ đầu năm 2017 với những thông tin không tốt về cá tra Việt Nam. Trước những khó khăn, thách thức tại thị trường Mỹ và EU, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường “dễ tính” hơn là
Trung Quốc, cùng vào đúng thời điểm nhu cầu về cá tra tại thị trường này tăng mạnh với rất nhiều phân khúc. Tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 373,350 triệu USD, chiếm tỷ lệ 22,9%, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2016.
Nỗ lực đa dạng hóa thị trường
Việc xuất khẩu cá tra tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc cũng có thể nói là điều đáng mừng, nhất là trong bối cảnh các thị trường như Mỹ và EU ngày càng dựng lên nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật. Tuy nhiên, như nhận định của nhiều doanh nghiệp cũng như cảnh báo của VASEP thì xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đây là thị trường thiếu tính ổn định về hải quan, kiểm dịch, yêu cầu chất lượng… Mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2017 rất ấn tượng nhưng khó có thể dự đoán được trong năm 2018 phát triển theo chiều hướng nào. Chính vì vậy, để có thể ổn định được hoạt động xuất khẩu cá tra trong năm 2018 thì một trong những yêu cầu cần thiết là các doanh nghiệp cần sớm thực hiện đa dạng hóa thị trường. Thực tế, trong năm 2017, các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng linh hoạt sang một số thị trường như Bra-xin, Mê-xi-cô, A-rập Xê-út...
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang ba thị trường lần lượt đạt 93,8 triệu USD; 93,2 triệu USD và 50,2 triệu USD, tăng 69,2%; 21,9% và 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thì chúng ta vẫn cần nỗ lực hết sức để lấy lại mức tăng trưởng ở các thị trường lớn và có tính truyền thống như Mỹ và EU vì đây là những thị trường chất lượng cao, cho nên vừa có ý nghĩa về mặt số lượng vừa có ý nghĩa về mặt chất lượng khi ngành sản xuất cá tra Việt Nam có động lực để tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Cùng với tôm, cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp nhiều rào cản tại các thị trường lớn. Do đó, thời gian tới, không có cách nào khác là các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh thân thiện của cá tra Việt Nam đến người tiêu dùng. Đồng thời, toàn ngành cá tra tiến tới tái cơ cấu từ quy hoạch diện tích, sản lượng nuôi trồng đến khâu chế biến và tiêu thụ để đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Tiến Anh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.