• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu cá tra sẽ cán đích ‘2 tỉ USD’

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 31/10/2018
Ngày cập nhật: 1/11/2018

“Tình hình xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới hiện đang diễn biến theo chiều hướng có lợi”, đây là nhận định vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra. Đáng chú ý các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Mỹ đều tăng. Sau xuất khẩu gạo, tôm, đến lượt cá tra đang được mùa là một tín hiệu lạc quan cho các mặt hàng nông sản Việt Nam - nhất là khu vực ĐBSCL.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phan khởi thu hoạch cá tra.

Người nuôi hết “treo ao”

Từ tháng 9 đến cuối tháng 10-2018, giá cá tra tiếp tục tăng mạnh và xác lập mức giá kỷ lục mới 35.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. “Hồi cuối tháng 9-2018, giá cá tra tăng lên 32.000 đồng/kg. Đây là mức giá ước mơ của người nuôi cá lâu nay, nhiều hộ nuôi đã bán ngay. Tuy nhiên, tham khảo nhiều nguồn tin đoán giá cá tra có thể nhích lên nữa, tôi đã chờ sang tháng 10-2018, bán với mức giá 35.000 đồng/kg. Bán 300 tấn cá đợt này lợi nhuận tăng mạnh!”, anh Nguyễn Thanh Hùng, một người nuôi cá tra ở Cần Thơ, cho biết. Nhiều người dân bán cá trước đó, hơi tiếc nuối một chút nhưng mức lợi nhuận vẫn cao. Theo anh Hùng, với mức giá 35.000 đồng/kg, nông dân có thể đạt lợi nhuận 11.000 đồng/kg. Giá thành cá tra hiện nay khoảng 24.000 đồng/kg. Trong đó, phần cá tra giống đội giá khá cao, chiếm khoảng 5.000 đồng/kg.

Từ đầu năm 2017 đến nay, giá cá tra nguyên liệu khu vực ĐBSCL ở mức cao ổn định, khiến nhiều hộ dân quay lại đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá. “Trong 2 năm qua, gần 70% các hộ dân treo ao trước đây đã quay lại nuôi cá tra. Giá cá tra tăng mạnh khiến người dân phấn khích nuôi. Đây được xem là tín hiệu tốt khi tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. Tại Đồng Tháp, tình hình cũng diễn ra tương tự, đưa tỉnh này trở lại ngôi đầu trong nuôi cá tra với hơn 1.000/3.500ha toàn vùng. Câu chuyện giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh, kéo theo giá cá tra giống vọt tăng cao ngất. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm ngoái, giá cá giống dao động từ 27.000-39.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Sau đó, giá cá giống giảm 17.000-18.000 đồng/kg từ tháng 5 đến tháng 8. Đến cuối năm 2017, giá cá giống tăng lên dao động khoảng 45.000-50.000 đồng/kg. Năm 2018, giá cá giống cao từ đầu năm đến tháng 3 bắt đầu giảm khoảng 22.000 đồng/kg đến tháng 8, hiện nay tăng lên khoảng 67.000 đồng/kg. Hệ lụy của nó cũng phát sinh những vấn đề nan giải. Cụ thể nông dân Long An đã đào xới nhiều diện tích đất lúa, lập ao nuôi cá tra giống gần 1.000ha. Hiện nay nhiều hộ nuôi cá tra giống đang trả giá rất đắt, khi thất bại nặng nề do nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật. Rất may, cùng lúc này Bộ NN&PTNT đã triển khai Đề án nuôi cá tra giống chất lượng cao 3 cấp tại An Giang và Đồng Tháp, với mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng. Đây được xem là bước tiến căn cơ của ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá ở ĐBSCL.

Quảng bá cá tra

Hiện nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu, góp phần quan trọng cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, chiếm 24,1% (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017). Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,6 tỉ USD, tăng gần 29,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt trong tháng 9-2018, thị trường tiêu thụ cá tra tại Mỹ tăng mạnh với 42,9%. Đây có thể xem là hiệu ứng từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra và cá ba sa của Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tăng mạnh mặt hàng này.

Theo một số chuyên gia, với đà tăng xuất khẩu khả quan ở thị trường này, Mỹ sẽ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc trong cơ cấu xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Dù có dấu hiệu cho thấy, ngành cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh do một số nước đã đẩy mạnh phát triển nuôi. Cụ thể, sản lượng nuôi tại Ấn Độ đã đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn… Song, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc phát triển như trên cũng không quá đáng lo khi xét về mặt cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam. Với những tín hiệu tích cực, khi thị trường Mỹ quay lại tiêu thụ mạnh mặt hàng cá tra, việc xuất khẩu cá tra cán mốc 2 tỉ USD trong năm 2018 là điều hoàn toàn có thể đạt được. Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp: Đẩy mạnh mở rộng phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi-lê cao cấp; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Nghiên cứu hình thành trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL. Các trung tâm logistics đạt chuẩn quốc tế sẽ đảm bảo chất lượng hàng hóa của cá tra Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế như các trung tâm giao dịch quốc tế Trung Quốc, Singapore.

Lâu nay, cá tra được xem là sản phẩm lợi thế của Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông. Sự đa dạng về thị trường tiêu thụ thể hiện người tiêu dùng yêu thích về giá trị dinh dưỡng và văn hóa ẩm thực đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Đầu tháng 11-2018 tới đây, lần thứ 4 Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức MEKONG CHEF 2018 với chủ đề “Ngày hội tôn vinh sản phẩm cá tra Việt” tại Cần Thơ. Qua đó, Hiệp hội Cá tra sẽ giới thiệu sản phẩm cá tra thông qua các món ăn phong phú đa dạng đến từ tay nghề của các đầu bếp của các khách sạn, nhà hàng đến doanh nhân, du khách quốc tế, người tiêu dùng nội địa. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm từ cá tra, các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như dầu cá,… các sản phẩm trong chuỗi ngành cá tra, lương thực và thực phẩm. Đây là những bước tiến quan trọng để quảng bá, giới thiệu sâu rộng mặt hàng cá tra đến nhiều nước trên thế giới và ngay tại thị trường nội địa.

Bài, ảnh: CAO PHONG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang