• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản giúp tăng thu nhập cho ngư dân

Nguồn tin: VOV, 08/08/2018
Ngày cập nhật: 9/8/2018

Việc ghi chép nhật ký khai thác hải sản có mất thêm thời gian nhưng khi nguồn gốc được chứng minh giá bán đã tăng theo.

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã triển khai thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại địa phương. Qua đó, bảo đảm truy xuất nguồn gốc hải sản một cách đầy đủ, minh bạch, góp phần cùng cả nước xóa thẻ vàng lấy lại thẻ xanh cho ngành thủy sản Việt Nam.

Gần 3 tháng nay, ngư dân Phạm Liễu ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà quen dần với việc kê khai nguồn gốc thủy, hải sản đánh bắt được khi trở về cảng cá Thọ Quang. Ông Liễu cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản là cần thiết, bởi khi EU siết chặt doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải làm chặt với ngư dân.

Khi đó, nếu ngư dân đánh bắt không ghi chép nhật ký khai thác, cơ quan chức năng sẽ không xác nhận, doanh nghiệp cũng không mua hải sản. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa ngư dân, chính quyền và doanh nghiệp để sản phẩm khai thác khi lên bờ có giá trị kinh tế cao.

“Ban quản lý âu thuyền thường xuyên trực tại bến cá. Chủ tàu thuyền khai thác khi xuất trình phiếu bến sẽ được Ban quản lý âu thuyền Thọ Quang xuống kiểm tra. Việc làm này rất tốt vì kiểm tra được đúng chất lượng hải sản cho tất cả địa phương. Khi thủy sản có nhật ký khai thác, giá thành bán ra đặc biệt cho xuất khẩu sẽ có giá trị rất cao”, ông Liễu bày tỏ.

Nếu ngư dân làm đúng theo quy định, giá trị sản lượng đánh bắt hải sản sẽ cao hơn rất nhiều.

Theo nhiều chủ tàu, việc kê khai mất thêm một chút thời gian nhưng mang lại nhiều lợi ích hơn, khi nguồn gốc sản phẩm được chứng minh rõ ràng thì giá hải sản cũng tăng theo. Bởi vậy, với ngư dân Nguyễn Hậu ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, mỗi chuyến biển, ngoài các nhu yếu phẩm thiết yếu, ông không quên mang theo quyển sổ, bút để ghi chép nhật ký khai thác.

“Khi ngư dân làm đúng theo quy định, hải sản bán ra có giá trị, thu nhập của ngư dân cũng cao hơn. Sau khi có sổ ghi chép, mọi hoạt động đánh bắt trở nên đàng hoàng hơn so với mấy năm trước”, ông Hậu chia sẻ.

Với quyết tâm chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các đơn vị liên quan thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá.

Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng, tiến hành thanh tra, kiểm soát hoạt động nghề cá đúng quy định của pháp luật. Lực lượng này trực 24/24 giờ thực hiện công tác kiểm tra tàu cá trước và sau khi xuất bến tại cảng cá Thọ Quang và xử lý các hành vi vi phạm trên các vùng biển thuộc địa bàn thành phố quản lý.

Trung tá Nguyễn Tống Khương, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, ban đầu, khi áp dụng bắt buộc kê khai nguồn gốc hải sản tại cảng cũng gặp khó khăn, nhưng đến nay việc kê khai đã đi vào nề nếp.

“Trong điều kiện thời tiết bình thường, mỗi ngày thuyền trưởng phải liên lạc với Bộ đội Biên phòng ít nhất 1 lần và khai báo tọa độ tàu đang hoạt động, tình hình sản lượng khai thác để Bộ đội Biên phòng giám sát và cảnh báo sớm những vùng nguy hiểm và giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu”, Trung tá Nguyễn Tống Khương cho hay.

6 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày, cảng cá Thọ Quang tiếp nhận từ 50 - 55 lượt tàu cập cảng để bán hải sản và được tiến hành truy xuất nguồn gốc. Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các quận hướng dẫn cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và gần 400 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên thực hiện thủ tục này.

Ông Lưu Quang Khánh, Chi Cục trưởng chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, thành phố chỉ có 1 cảng cá duy nhất, nên khi thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản quy về một mối cũng thuận lợi hơn. Nhưng việc này vẫn gặp đang nhiều khó khăn khi một số chủ tàu, ngư dân còn muốn giấu ngư trường, không muốn cho biết vị trí đánh bắt.

“Khó khăn của Chi cục gặp phải là lượng tàu ngoại tỉnh về đây rất đông. Vì vậy, công tác để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội tàu này đang gặp khó khăn. Một đặc thù nữa là nghề giã cào của đội tàu ngoại tỉnh cũng hoạt động ở đây khá nhiều, nên công tác kiểm soát sản phẩm rất phức tạp. Đề nghị sắp tới Chi cục sớm được nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc giai đoạn 2 nhằm tăng thêm điều kiện giám sát tàu cá trên biển”, ông Khánh mong muốn./.

Phương Cúc/ VOV - Miền Trung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang