• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu cá chợ vào thị trường Campuchia tăng mạnh

Nguồn tin: Báo An Giang, 15/05/2018
Ngày cập nhật: 16/5/2018

Xuất khẩu (XK) các mặt hàng cá chợ vào thị trường Campuchia tăng mạnh giúp ngư dân vùng ĐBSCL thoát khỏi cảnh “thừa hàng, dội chợ” như những năm trước đây. Động thái này góp phần quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất (SX), đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt

“XK các mặt hàng cá chợ những năm gần đây vào thị trường Campuchia tăng mạnh là do 2 yếu tố: Thứ nhất, cá nuôi của ngư dân ĐBSCL có chất lượng ngày càng cao. Ngư dân đã ứng dụng triệt để khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, từ đó chất lượng sản phẩm không ngừng nâng lên.

Cụ thể, tuy là mặt hàng cá lóc, cá rô nhưng người tiêu dùng Campuchia thích ăn cá lóc nuôi của ngư dân Việt Nam, bởi thịt cá trắng, thơm ngon, không bị hôi rong như cá lóc, cá rô sống trong môi trường thiên nhiên như hiện nay. Thứ hai, Campuchia bị cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, trong khi dân số tăng lên, vì vậy nhu cầu thực phẩm tăng mạnh” - bà Trần Thị Lệ (thương lái XK cá sang Campuchia) chia sẻ.

Giao nhận cá của thương lái tại cửa khẩu Khánh Bình

Từ đầu năm đến nay, nông dân nuôi cá ở ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng rất phấn khởi bởi giá bán cá tại bè (hầm) luôn ở mức cao, người nuôi có lãi. Cụ thể, giá cá lóc (giao hàng tại cửa khẩu Khánh Bình) là 40.000 đồng/kg, cá trê 25.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi đã có lãi ít nhất từ 2.000 đồng/kg trở lên.

“Năm nào nước lớn thì cá trong thiên nhiên nhiều, hiện nay quy luật này đã không còn chính xác. Một mặt, môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm nặng bởi thuốc bảo vệ thực vật, mặt khác ở các nước thượng nguồn tình trạng xây đập thủy điện quá nhiều nên nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, trong khi dân số của Campuchia ngày càng tăng, từ đó sức tiêu thụ các mặt hàng cá chợ ở thị trường này tăng…” - ông Trần Văn Hòa (ngư dân thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân) chia sẻ.

Campuchia trước đây được mệnh danh là “Vương quốc cá”. Nay, việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản đã làm cho Biển Hồ ngày càng cạn kiệt. “Tôi đi các tỉnh ĐBSCL tìm nguồn hàng, khi đặt vấn đề mua cá xuất sang Campuchia, nhiều người không tin. Nhưng khi thương thảo xong giá cả mọi người mới tin điều đó là sự thật” - ông Chau Sa Oanh (một thương lái Campuchia) chia sẻ.

Chất lượng cá nuôi tăng lên

Để đưa các mặt hàng cá chợ vào thị trường Campuchia, một chuỗi liên kết SX đã được hình thành, ở đó việc phân công lao động trong các công đoạn SX rất rõ ràng, bao gồm: người nuôi cá, người bán thức ăn, người vận chuyển cá xuất bán… những thành viên tham gia chuỗi này gắn kết với nhau thông qua lợi nhuận. Chuỗi liên kết đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động ở nông thôn lẫn thành thị.

“Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở đất nước Campuchia, ngư dân đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào SX. Nếu như trước đây, ngư dân bắt cá linh cho cá lóc ăn, nay bà con dùng thức ăn công nghiệp để nuôi, việc này một mặt để bảo vệ môi trường thiên nhiên, mặt khác để nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Trần Văn Sang (ngư dân xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) chia sẻ.

Ngoài thức ăn, yếu tố môi trường trong chăn nuôi, con giống cũng được ngư dân quan tâm. Đa phần ngư dân chọn lựa con giống ở những nơi có uy tín, chất lượng để quá trình nuôi số đầu con trong hầm được duy trì ở mức cao (cá ít chết), từ đó hiệu quả SX sau mỗi vụ được nâng lên.

Hiện nay, tuy nuôi cá để bán vào thị trường Campuchia nhưng ngư dân trong tỉnh có ý thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, không sử dụng các chất kháng sinh cấm. Mỗi hộ nuôi đều có nhật ký để ghi chép, giúp công tác quản lý được hiệu quả.

“Hiệp hội Thủy sản tỉnh đang khuyến khích ngư dân ứng dụng triệt để khoa học - kỹ thuật vào SX. Trong quá trình SX phải dựa vào tín hiệu của thị trường, không chạy theo phong trào để tránh tình trạng “cung vượt cầu” như những năm trước đây” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Lê Chí Bình kêu gọi.

XK cá nuôi vào thị trường Campuchia mỗi năm tăng từ 10-15% đã giúp cho việc tiêu thụ cá của ngư dân các tỉnh ĐBSCL được thuận lợi, góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là tín hiệu vui cho ngành thủy sản trong những tháng đầu năm 2018.

“Việc XK các mặt hàng cá chợ vào thị trường Campuchia ngày một khó, đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt, cá nuôi phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ; quy trình nuôi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có các chất kháng sinh cấm… Ngư dân cần phải có ý thức trong SX để việc XK cá nuôi vào thị trường Campuchia phát triển tốt trong tương lai…” - ông Bùi Phước Định, chủ DNTN Định Nguyệt (TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang