• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều doanh nghiệp làm ăn ‘chộp giật’ đang làm giảm uy tín cá tra Việt

Nguồn tin: VOV, 17/04/2018
Ngày cập nhật: 18/4/2018

Sản phẩm cá tra Việt Nam đang mất dần uy tín trên thị trường do cách làm ăn "chộp giật" của không ít doanh nghiệp, nhà xuất khẩu.

Hơn 20 năm qua, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm, xâm nhập thị trường hơn 100 nước trên thế giới. Mặc dù, các doanh nghiệp rất nỗ lực, nhạy bén trong phát triển thị trường, thì không ít doanh nghiệp, nhà xuất khẩu chỉ biết “ăn theo”, bán phá giá… từ đó làm mất đi uy tín của con cá tra Việt Nam trên thị trường.

Sản phẩm cá tra Việt Nam bị giảm uy tín do cách làm ăn "chộp giật" của một số doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức: rào cản kỹ thuật, thị trường không ổn định...

Theo thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam đã bị "1 cổ 2 tròng" đó là: nước này áp thuế chống bán phá giá cao và chương trình giám sát cá da trơn sớm hơn 1 tháng so với quy định. Điều này đã làm giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 11% so năm 2016.

Không những thế, truyền thông của một số nước tại thị trường EU cũng gây khó khăn cho con cá tra Việt Nam, làm thị trường này giảm 23%.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã phát triển thêm một số thị trường xuất khẩu khác như: thị trường ASEAN, thị trường Nam Mỹ và Trung Đông… đặc biệt Trung Quốc đang là một thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam.

Chỉ tính riêng xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2018 đạt hơn 172 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu dẫn đầu, chiếm 23,9% kim ngạch xuất khẩu, tương ứng hơn 41 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Tức, người nuôi cá tra thương phẩm tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho biết, gia đình ông có diện tích 3ha ao nuôi cá tra thương phẩm, ước tính vụ này thu được 400 tấn cá thương phẩm.

Theo giới chuyên môn, năm nay sẽ khó khăn hơn cho ngành hàng xuất khẩu cá tra. Đáng lưu ý thị trường Trung Quốc vẫn luôn được đánh giá là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như xuất khẩu tiểu ngạch, thị trường thiếu tính ổn định, cung cầu khó dự báo…

Xuất khẩu cá tra đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt là các quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi... Còn đối với thị trường Mỹ, lại phải tiếp tục đối mặt với mức thuế chống bán phá giá mới là từ 2,39 đến 7,74 USD/kg, tăng 5 lần so với đợt rà soát lần trước.

Đây là mức thuế cao kỷ lục mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra mới đây sau kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13, đối với cá tra Việt Nam.

Bên cạnh đó là việc đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm này, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

Nói về vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ, "Hiện nay Mỹ đưa ra thuế chống phá giá như vậy để bảo hộ cho sản xuất cá da trơn của Mỹ là điều bất hợp lý, thiếu cơ sở khoa học. Với mức thuế như vậy, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn."

Ông Cormac O’Sullivan, Chủ tịch Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu, thuộc Tập đoàn SGS (chuyên về Giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận) cho rằng, việc Liên minh Châu Âu đưa ra chiếc thẻ vàng đối với mặt hàng thuỷ, hải sản của Việt Nam; vấn đề rào cản thương mại đối với sản phẩm cá tra tại thị trường Mỹ hay tình trạng một số lô hàng bị trả về do không đảm bảo kỹ thuật... Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội.

"Chúng ta không nên nhìn chiếc thẻ vàng, hay các rào cản thương mại khác đối với thủy sản Việt Nam đơn thuần chỉ là khó khăn, thách thức, mà hãy xem đó cũng là cơ hội tốt để điều chỉnh lại tất cả các khâu từ khai thác, nuôi trồng cho đến chế biến, phân phối để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường tiêu thụ", ông Cormac O’Sullivan nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề thị trường, hiện nay ngành cá tra Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khác như: giá cả không ổn định, mất cân đối cung cầu, thiếu các mối liên kết giữa người nuôi, người chế biến xuất khẩu, người cung ứng thức ăn…

Xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam để lấy lại uy tín.

Công tác quản lý toàn diện chuỗi ngành hàng từ sản xuất, chế biến xuất khẩu chưa được thực hiện triệt để; chưa quản lý được chất lượng, sản lượng...

Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định bền vững, phải triển khai nhiều giải pháp như: quy hoạch vùng nuôi căn cứ vào tình hình môi trường, điều kiện đất đai, diện tích mặt nước, điều kiện nuôi cá sạch, an toàn; chú trọng nâng cao chất lượng con giống đạt tiêu chuẩn khỏe, sạch bệnh; tránh tình trạng phát triển ồ ạt trở lại dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân đối cung cầu…phải hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm; liên kết từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang cho rằng, thời điểm này, tuy muộn nhưng cũng xem như là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại ngành cá tra; đã đến lúc ngành hàng cá tra phải không chạy theo sản lượng mà phải tập trung vào chất lượng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang