• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Cam K4 gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 30/11/2018
Ngày cập nhật: 3/12/2018

Thời điểm này, cam ở vùng đồi K4 (còn gọi là cam K4), Hải Phú, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đang ở vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên năm nay, người trồng cam ở đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nhà vườn phải để cam chín trên cây chờ tiêu thụ dần từ nay đến Tết Nguyên đán.

Người trồng cam K4 lo lắng vì cam chín đầy vườn nhưng sức tiêu thụ chậm

Hộ gia đình chị Văn Thị Lệ Hà, ở xã Hải Phú có khoảng 3 ha trồng cam tại đồi K4, trong đó 1 ha cam trên 15 năm tuổi và 1 ha sáu năm tuổi đang vào kỳ thu hoạch. Bình thường mọi năm vào thời điểm này, gia đình chị đã bán được số lượng khá lớn, tuy nhiên năm nay, giá bán và sức tiêu thụ cam thấp hơn so với mọi năm. Chị Hà cho biết: “Gia đình tôi sản xuất cam truyền thống, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, chất lượng quả thơm, ngọt, mọng nước. Tuy nhiên, năm nay đầu ra gặp nhiều khó khăn, trên thị trường, nhiều loại cam được nhập về từ các nơi khác nhau và bán với giá thấp hơn khiến cam K4 càng khó tiêu thụ. Người trồng cam mong muốn người tiêu dùng hiểu đúng về chất lượng sản phẩm và tin tưởng ủng hộ cam sạch của quê hương mình”.

Vùng đồi K4 xã Hải Phú hiện có khoảng 26 ha đất tập trung trồng cam với các giống cam Vân Du và Xã Đoài nhập từ Nghệ An cho quả to, đều, ngọt thanh, mọng nước, ít bị sâu bệnh, năng suất cao. Ông Văn Ngọc Chúng, một trong những người đầu tiên lên vùng đất này khai hoang để trồng cam cho biết: “Quy trình trồng cam tốn rất nhiều công chăm sóc, từ khâu xử lý đất ban đầu, trồng, bón phân chuồng, xử lý bằng vôi để chống sâu bệnh… Người trồng cam ở Hải Phú tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam sạch. Chúng tôi cũng đã học hỏi và chế biến các loại thuốc trừ sâu thảo mộc bằng gừng, ớt, tỏi, rượu để đảm bảo an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng sử dụng sản phẩm”.

Bình quân 1 ha trồng cam mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10-12 tấn, những năm trước tiêu thụ ổn định, người trồng sau khi trừ chi phí cũng thu được khoảng 250 triệu đồng/ ha. Năm nay vào đầu vụ, giá bán 25.000 đồng/kg cam. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, giá bán cam tại vườn dao động từ 18.000 - 19.000 đồng/kg, giá cam bán ngoài thị trường khoảng 20.000 đồng/kg. Mặc dù giá cam thấp song mức tiêu thụ cũng rất chậm. Người trồng cam rất lo lắng vì lượng cam chín trên cây ngày một nhiều trong khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ông Trần Ngọc Nhơn, người trồng cam lâu năm và có nhiều kinh nghiệm đối với loại cây vốn “khó tính” trong khâu chăm sóc này cho biết, thị trường tiêu thụ không ổn định là một trong những vấn đề khó khăn mà người trồng cam lâu nay gặp phải. Người dân trồng cam ở khu vực này chủ yếu làm theo kinh nghiệm, tự mày mò học hỏi nên rất cần sự hỗ trợ, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vườn cây, phòng trừ sâu bệnh cũng như hỗ trợ tuyên truyền để đưa thương hiệu cam K4 vươn ra thị trường các tỉnh”.

Cam K4 đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” cho sản phẩm cam được trồng trên đất xã Hải Phú. Sản phẩm “Cam K4 Hải Phú” được HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Hưng tiến hành các thủ tục xác lập nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” theo đúng các quy định của nhà nước. Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định như: Quả không bị trầy xước, dập nát, thu hái đúng độ tuổi vừa chín tới, quả tròn đều, cân đối, màu xanh lá mạ, đẹp, vỏ quả nhẵn, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh, kích thước quả có đường kính 10-12 cm, trọng lượng quả 180-200 gam. Sản phẩm cam được sử dụng nhãn hiệu tập thể này đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật trồng cam K4, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm...

Trong những năm qua, huyện Hải Lăng đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cam, đầu tư hệ thống điện, đường giao thông đồng bộ, ưu tiên cấp đất cho hộ dân trồng cam, có cơ chế hỗ trợ 50% giá giống cây. Cam K4 Hải Phú đã khẳng định được thương hiệu, tuy nhiên cho đến thời điểm này, các hộ trồng cam vẫn phải tự loay hoay tìm đầu mối tiêu thụ, chủ yếu phụ thuộc vào tư thương hoặc tự mang sản phẩm ra bán lẻ ở chợ. Để sản xuất và tiêu thụ cam K4 bền vững, người nông dân rất cần sự chung tay hỗ trợ của 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm tạo sự liên kết, giới thiệu quảng bá sản phẩm tới nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, có được đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất.

Thanh Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang