• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhớ mùa tát đìa ăn Tết

Nguồn tin: Báo An Giang, 17/01/2017
Ngày cập nhật: 18/1/2017

Đó là hình ảnh dễ bắt gặp ở các miền quê trước đây mỗi khi Tết đến, Xuân về. Không khí mọi người cùng nhau tát đìa, lội xuống ao mò cá làm nhộn nhịp cả một làng quê. Số cá thu hoạch được, một phần đem nướng rơm thưởng thức tại chỗ, phần nhiều được rộng lại, ăn dần qua Tết.

Lúa mùa và cá đồng

Ngày trước, cuộc sống của người nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào mùa lúa và những con cá đồng. Đến tận những năm 1978 - 1979, đồng ruộng ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và một số nơi vẫn còn trồng các giống lúa như Nàng Tây, Tào Binh, Nàng Chi… năng suất chỉ 7 - 10 giạ/công tầm cắt (140 - 200kg/1.300m2) nhưng chất lượng gạo thì tuyệt hảo. Do mỗi năm canh tác chỉ một vụ lúa (từ sạ đến cắt là 7 - 8 tháng) nên người dân quen gọi là lúa mùa. “Hồi đó đâu ai nhớ trồng giống lúa gì, nhiều năm liên tục trồng đi trồng lại chỉ có mấy loại Nàng Tây, Nàng Chi, Tào Binh. Riết rồi bà con kêu chết danh tên lúa mùa mà quên hẳn tên giống lúa. Lúa mùa có độ dài ngắn tùy theo con nước lớn nhỏ hàng năm, không bón phân hay xịt bất kỳ loại thuốc gì nên ăn rất mềm và thơm phức. Giống lúa này hiện nay ít nghe ai nhắc đến”- lão nông dân Nguyễn Văn Sộ, 78 tuổi, ngụ ấp Trung Bình (xã Thoại Giang, Thoại Sơn) nhớ lại.

Trước Tết 1 - 2 tháng, đồng ruộng mênh mông nước, lúa mùa đỏ hạt, chuẩn bị cắt cũng là lúc rắn, chuột no tròn, các loài cá đồng sinh sôi, nảy nở. Khi vụ mùa thu hoạch xong, đồng ruộng trơ gốc rạ, lúc này các loài cá tập trung xuống các con mương dẫn xuống các đìa, bào. Bình quân mỗi cái đìa dài khoảng 20 - 30m, rộng khoảng 2 - 3 tầm (1 tầm = 3m), sâu 2 - 3m. Những ai có đìa thì chuẩn bị phương tiện và nhân công để vệ sinh đìa tát bắt cá, còn người không có thì đi mua. Và chuyện mua đìa không hề giống các loại hàng hóa khác mà phải có thầy hoặc nhờ những người có nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần ngồi yên lặng trên bờ đìa khoảng 10 phút quan sát những động tĩnh trên mặt nước, người ta biết được đìa đó sản lượng nhiều hay ít và chủ lực là các loại cá gì. Mua đìa xong, chủ nhân cho người ôm nóp ngủ canh chừng để phòng kẻ gian đến “nhận đìa” - một loại ăn cắp cá. Để thực hiện, bọn gian chia nhau khoét nhiều cái hang cặp hai bờ đìa, rồi ra giữa đìa khuấy nước làm cá hoảng sợ chui vào hang. Với “công nghệ” dân gian đơn giản đó, chuyện nhận đìa một thời là ám ảnh của giới chuyên mua đìa tát cá.

Mùa tát đìa

Tát đìa tuy cực mà vui. Chỉ cần một máy bơm nước và một ống dẫn nước ra khỏi đìa, hoặc tát bằng thùng là xong công đoạn. Ngày tát đìa ai cũng dậy thật sớm. Không chỉ các thành viên trong gia đình mà còn có sự giúp sức của bà con xung quanh. Mọi người chia nhau khiêng máy, ống bơm nước, mang thau, thùng, giỏ… kéo lên đồng. Khi máy bơm hoạt động chừng 2 - 3 giờ, nước trong đìa cạn, để trơ ra lớp bùn nhão. Bấy giờ, các loại cá lóc, trê, rô, cá sặc, thác lác, cả lươn, rắn, rùa… quẫy đạp rồi lộ nguyên hình. Chủ đìa giăng một hàng ngang mò bắt cá và phía sau là đội quân bắt hôi. Những người này thường bắt được các loại cá nhỏ do bị lọt, sót nhưng thỉnh thoảng cũng thu được cá lớn. Những ai bắt được ít buộc phải chờ một lúc sau bắt cá ngộp để gỡ gạc cho chuyến đi. Bắt xong cá, người ta gánh cá về, thậm chí phải dùng cả xe bò để chở. Sau đó, cá được phân ra từng loại. Những con to, khỏe thì rộng vào thùng bán cho thương lái, cá chết thì làm mắn hoặc xẻ làm khô. “Dù có trúng hay thất mùa đìa, trước đây gia đình tôi cũng đều dành ra một lượng cá ngon và rắn, rùa, lươn để ăn Tết. Bởi dịp Tết, các loại cá rô, cá lóc, rắn rùa là quý hiếm, ai cũng thích. Ngày Tết, cá lóc nướng trui bằng rơm, chấm với muối cục, giầm ớt thì ăn quên buông đũa” – ông Cao Thanh Lâm, 70 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thành (xã Định Mỹ, Thoại Sơn), nhớ lại.

Bây giờ, lúa mùa không còn nữa, cá đồng cũng hiếm nên chuyện tát đìa ăn Tết chỉ còn trong ký ức. Sáng nay ra chợ, nghe giọng cô bán cá đon đả: “Mua đi anh, đây là cá đồng tát đìa chớ không phải cá nuôi, ngon lắm”, chẳng biết có phải thật không nhưng người khách vẫn đứng tần ngần, ngẩn ngơ nhớ về ký ức xa xăm của làng quê một thuở. Nhớ quá mùa tát đìa.

NGUYỄN RẠNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang